Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu trong đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán

01/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chuyển đổi số đã làm thay đổi căn bản thực hành kế toán, kiểm toán tại các DN, giúp hoạt động này diễn ra nhanh, chính xác, tiết kiệm thời gian và nâng cao giá trị hơn cho xã hội. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với ngành kế toán, kiểm toán. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 chưa có hồi kết và giáo dục từ xa trở thành xu hướng tất yếu, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo lực lượng kế cận.

Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán

Hình thành nhận thức mới trong đào tạo kế toán, kiểm toán

Tại Hội thảo “Chuyển đổi số giảng dạy kế toán trong bối cảnh đào tạo từ xa”, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) - nhận định: Thời kỳ mở cửa, hội nhập và cách mạng công nghệ số đã và đang tác động trực tiếp đến hoạt động kế toán, kiểm toán. Cụ thể, công nghệ số tác động đến quy trình, phương pháp, chức năng của hoạt động kế toán, kiểm toán để phù hợp với Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Điều đó hình thành nên xu hướng và tương lai của kế toán, kiểm toán trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập và các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, việc sử dụng thành tựu khoa học công nghệ giúp đẩy nhanh việc hình thành môn học Kế toán số (Digital Accounting), tự động hóa quy trình, đổi mới phương pháp và tạo nhận thức mới về chức năng kiểm toán.

Đồng quan điểm, các nhà nghiên cứu cho rằng, kế toán, kiểm toán là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng. Theo đó, thực hành kế toán tại DN trên thế giới và cả Việt Nam trong bối cảnh ứng dụng chuyển đổi số được khái quát lại thông qua 5 công nghệ: Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud), Chuỗi khối (Blockchain). Đây đều là những công nghệ giúp quy trình kế toán được thực hiện theo thời gian thực, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và bảo mật hơn, tổ chức kế toán trong DN cũng trở nên linh hoạt hơn và các báo cáo tài chính cung cấp nhiều thông tin đa chiều có giá trị.

Với hàng loạt công nghệ như vậy, các trường đại học và cơ sở đào tạo có nhiều cơ hội để nghiên cứu thay đổi căn bản cách tiếp cận, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo. Mục tiêu đào tạo hướng đến sản phẩm đầu ra là các chuyên gia kế toán, kiểm toán có kiến thức toàn diện về tài chính, kế toán cũng như các kỹ năng sáng tạo, tổng hợp, phân tích, quản trị dữ liệu kinh doanh và thích ứng với sự thay đổi.

Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng sẽ là điểm yếu nếu hoạt động đào tạo kế toán, kiểm toán trong nước không thích ứng kịp thời và không theo kịp với đòi hỏi thực tiễn. Cơ hội việc làm của ngành kế toán, kiểm toán sẽ bị thu hẹp do năng suất lao động tăng, nhu cầu người làm kế toán, kiểm toán truyền thống sẽ giảm. Vì vậy, định hướng đào tạo kế toán, kiểm toán cần nhấn mạnh hơn vào các kỹ năng quản trị dữ liệu, giám sát hệ thống và tư vấn.
 
Chuyển đổi số cả đào tạo và thực hành

Theo bà Đinh Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA, chuyển đổi số giáo dục là 1 trong 8 điểm trọng tâm trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời cũng là tất yếu trong bối cảnh hiện tại. Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà trường, trung tâm đào tạo kế toán, kiểm toán tiên phong chuyển đổi số là điều rất quan trọng góp phần xây dựng những thế hệ tương lai, kiểm toán viên chuyên nghiệp, giúp xã hội ngày càng phát triển.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, PGS,TS. Mai Ngọc Anh - Trưởng Khoa Kế toán, Học viện Tài chính - cho biết, thời gian qua, Học viện đã chủ động triển khai nhiều chương trình nghiên cứu khoa học và các hoạt động thực tế nhằm gắn chuyển đổi số với đào tạo. Khoa Kế toán của Học viện cũng đã lựa chọn năm 2021 là năm trọng tâm đổi mới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học hướng đến chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Trong đó, trọng tâm hướng tới chuyển đổi số bao gồm: Rà soát và điều chỉnh từng bước các chương trình đào tạo hiện có theo hướng cập nhật nội dung về khoa học kế toán đã được quốc tế thừa nhận kết hợp ứng dụng chuyển đổi số vào các chương trình đào tạo này; nghiên cứu xây dựng các môn học, học phần, chương trình đào tạo mới ứng dụng chuyển đổi số ở mức độ cao, tăng cường các nội dung thực hành nghiệp vụ kế toán, kiểm toán trong môi trường chuyển đổi số thông qua chương trình đào tạo chính thức và các hoạt động bổ trợ cho sinh viên.

Để tăng cường khả năng tiếp cận thực tiễn, Học viện Tài chính thường xuyên tổ chức các chương trình thực tế giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận sớm với thực hành kế toán tại DN; tổ chức các tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm giữa giảng viên và các chuyên gia thực hành kế toán tại nhiều DN, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phần mềm kế toán, khai thác dữ liệu kế toán. Các hoạt động này nhằm hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực kế toán có đầy đủ năng lực chuyên môn, những kỹ năng cần thiết để tăng khả năng thích ứng công việc và cơ hội khởi nghiệp thành công.

Chia sẻ thêm về các ứng dụng phục vụ đào tạo và thực hành, Phó Chủ tịch MISA Nguyễn Xuân Hoàng cho rằng, chuyển đổi số giúp tự động hóa xử lý và báo cáo để kịp thời đề xuất quyết sách phù hợp. Chính vì vậy, MISA đã phát triển phần mềm AMIS kế toán online nhằm hỗ trợ giảng viên và sinh viên học ngành kế toán trong bối cảnh giảng dạy từ xa, đáp ứng nhu cầu làm việc, học tập mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, với AMIS kế toán, sinh viên và học viên sẽ có cơ hội được tiếp cận với giải pháp chuyển đổi số không chỉ với lĩnh vực kế toán mà còn cả trong các khâu quản trị DN - lợi thế của công việc thực tế sau này.

Thủy Lê
(Báo Kiểm toán số 35/2021)

 
 

Xem thêm »