Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là các dự án có sử dụng vốn ODA

28/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Qua kết quả kiểm toán, các đơn vị của KTNN đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2017-2019 và 6 tháng đầu năm 2020 bị chậm, trong đó, các đơn vị đều nêu rõ tiến độ giải ngân chậm nhất thuộc về các dự án có sử dụng vốn ODA.  

Tỷ lệ giải ngân vốn ODA của nhiều địa phương, dự án thấp

Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm đã chỉ ra thực tế, trong giai đoạn vừa qua, việc giao vốn vay ODA không sát khả năng thực hiện, dẫn đến nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân nhưng các Bộ, ngành, địa phương không báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh. Trong đó, 5 địa phương (Hải Dương, Bắc Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre) có tỷ lệ giải ngân 0%, trong khi kế hoạch vốn giao 460,6 tỷ đồng; 35 Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%; 156 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, trong đó có 139 dự án được giao 5.909 tỷ đồng nhưng giải ngân 0%.

Cùng với đó là tình trạng giải ngân vốn vay chưa kịp thời, đơn cử như Dự án xây dựng cao tốc Nội Bài - Lào Cai có số vốn chưa giải ngân từ các hiệp định vay vốn 87,5 triệu USD và sẽ phải trả một khoản phí cam kết khoảng 16 tỷ đồng; chưa tập trung bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án ODA; giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn vượt tổng mức đầu tư.

Ở nhiều dự án lớn sử dụng vốn ODA do điều kiện ràng buộc của hiệp định vay dẫn tới hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, nhiều trường hợp giá bỏ thầu của nhà thầu có giá thấp nhất vượt giá trị dự toán gói thầu, việc xử lý tình huống đấu thầu mất nhiều thời gian. Ngoài các nguyên nhân trên, nhiều dự án ODA bị ràng buộc nhiều điều kiện của bên cho vay (trong việc nhập khẩu vật tư thiết bị, sử dụng chuyên gia, nhà thầu nước ngoài...) dẫn đến khó khăn, chậm trễ khi xử lý những phát sinh, tranh chấp, trong đó phải kể đến Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên...

Đặc biệt, năm 2020, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA. Trong đó có Dự án Thu gom, xử lý nước thải TP. Bà Rịa (vốn ODA Thụy Sỹ), Dự án Thu gom, xử lý và thoát nước TP. Vũng Tàu (vốn ODA Pháp)…

Đồng quan điểm, lãnh đạo KTNN chuyên ngành II cũng nêu rõ, thủ tục đấu thầu của các dự án sử dụng vốn ODA thường kéo dài, nhiều dự án đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư) và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài, việc giải ngân vốn ODA cũng phải tuân thủ nhiều quy định đặc thù nên mặc dù nhiều dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng vẫn không thể giải ngân.
 
Nhiều thủ tục và quy định còn phức tạp

Một tình trạng chung nữa được đại diện KTNN chuyên ngành IV chỉ ra là công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án sử dụng vốn ODA còn bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án sử dụng vốn ODA không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài; dự án sử dụng vốn hỗn hợp gặp vướng mắc về thủ tục cho vay lại, chậm ký hợp đồng cho vay lại.

Thêm vào đó, quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ODA tại Điều 19 Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ áp dụng chung cho các dự án ODA chưa tính đến những đặc thù cũng như phân loại dự án ODA cần phải điều chỉnh để đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho việc điều chỉnh dự án. Các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đều phải thực hiện cơ chế vay lại một phần theo quy định của Chính phủ, vốn nước ngoài chỉ được giải ngân sau khi hợp đồng cho vay lại được ký kết, thủ tục ký kết thường chậm.

Từ thực tế kiểm toán tại các địa phương, đại diện KTNN khu vực II cho biết, các dự án của địa phương có sử dụng vốn ODA thường có quy mô vừa và nhỏ, được bố trí vốn khi có quyết định phê duyệt dự án, trong năm phải thực hiện các việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc bản vẽ thi công, tiến hành lựa chọn nhà thầu, thương thảo ký kết hợp đồng, thực hiện giải phóng mặt bằng, sau đó mới tiến hành tổ chức thi công, nghiệm thu, thanh toán. Do đó, thời gian trong năm không còn nhiều, chỉ cần có một giai đoạn trong quá trình trên gặp trục trặc sẽ dẫn đến không còn thời gian để thực hiện giải ngân hết kế hoạch.

Còn theo KTNN khu vực IV, qua kiểm tra một số dự án sử dụng vốn ODA tại TP. HCM cho thấy, phần lớn các dự án kéo dài thời gian thực hiện so với cam kết nên phải gia hạn thời gian giải ngân; một số gói thầu của một số dự án phải chờ Ngân hàng Thế giới thẩm định có ý kiến không phản đối khi thực hiện lựa chọn nhà thầu dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện dự án; một số dự án do không tuân thủ thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định dẫn tới không thể bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án. Hệ quả, không thể giải ngân được vốn vay ODA theo đúng kế hoạch và cam kết.

Khi nêu bất cập trong công tác giải ngân đối với các dự án ODA thuộc nhóm O, KTNN khu vực II cho rằng, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi phải được chủ dự án nhóm O thẩm tra, đề cương tham chiếu phải được ban quản lý dự án cấp T.Ư xem xét, Ngân hàng Thế giới đồng thuận. Thủ tục lựa chọn nhà thầu khá phức tạp, phải xin ý kiến thống nhất của các Bộ chủ quản và nhà tài trợ (đối với dự án đồng chủ quản) hoặc xin ý kiến nhà tài trợ (đối với dự án do tỉnh chủ quản) nên quá trình thực hiện quy trình đấu thầu thường kéo dài. Các thủ tục rút vốn đối với các dự án nhóm O còn phức tạp và chậm, một số hồ sơ chứng từ thanh toán sau khi xác nhận Kho bạc đã gửi đến Bộ Tài chính nhưng chưa được giải quyết kịp thời theo thời gian quy định đối với các dự án sử dụng vốn ODA.

Từ thực tế này, các đơn vị kiểm toán kiến nghị, đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA, quá trình đàm phán hiệp định vay vốn cần cân nhắc kỹ các điều khoản ràng buộc để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, giảm thiểu các điều kiện vay khắt khe nhằm tạo cạnh tranh trong đấu thầu và tạo điều kiện cho nhà thầu Việt Nam tham gia dự án.

Phúc Khang
(Báo Kiểm toán số 38/2021)

Xem thêm »