Chuyển đổi số và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán

28/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành kế toán, kiểm toán không chỉ nhằm phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, dịch chuyển lao động trong khu vực và quốc tế, khi nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, đào tạo kế toán, kiểm toán phải được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, trong đó cần đặc biệt coi trọng yếu tố công nghệ trong đào tạo.

Sinh viên ngành kế toán, kiểm toán giao lưu, trao đổi với đại diện các hội nghề nghiệp kiểm toán ACCA, ICAEW và Big Four

Cơ hội và thách thức đổi mới cho ngành kế toán, kiểm toán

Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội về việc làm, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho Việt Nam nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những nền tảng mới hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho các công việc của kế toán, kiểm toán như: cung cấp cho DN giải pháp quản trị tài chính thông minh, các phần mềm tích hợp dịch vụ hóa đơn điện tử, kết nối ngân hàng điện tử, kê khai thuế qua mạng… Trước bối cảnh đó, thời gian qua, công tác đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán đã có nhiều thay đổi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán.

TS. Lê Thế Anh (Đại học Đại Nam) cho rằng, lao động kế toán, kiểm toán đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ giữa các nước ASEAN và trong khu vực. Đây là cơ hội, nhưng cũng đặt ra áp lực cạnh tranh rất lớn. Để tận dụng thành công cơ hội và hạn chế thấp nhất tác động xấu đòi hỏi công tác đào tạo phải có sự thay đổi mạnh mẽ về chương trình, phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá. “Thay vì dạy trò ghi nhớ thì cần dạy những nguyên tắc, nguyên lý để vận dụng; tăng cường dạy cách thức ứng dụng công nghệ để tổng hợp, phân tích nguồn tài liệu học tập, từ đó vận dụng giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế…” - TS. Lê Thế Anh gợi ý.

Về vấn đề này, PGS,TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng, bên cạnh những điểm sáng, nhiều hoạt động trong đào tạo cần được đổi mới hơn nữa. Đơn cử, theo xu hướng công nghệ, những hình thức đào tạo mới như: E-learning, Mobile-learning… đã ra đời nhưng nhiều trường vẫn chủ yếu dùng phương pháp truyền thống như thuyết trình, ít có sự tương tác; các học liệu phục vụ cho việc dạy và học ít được cập nhật, chuẩn hóa theo tài liệu quốc tế. “Đổi mới là yêu cầu, song để thực hiện được, nhất là với chương trình đào tạo đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực đầu tư và sự chung tay của nhiều bên” - PGS,TS. Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Trước đó, khi đưa ra đánh giá chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, lấy chương trình đào tạo Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) làm đối tượng so sánh, Ngân hàng Thế giới đề xuất chương trình đào tạo của Việt Nam cần bổ sung chuẩn mực kiểm toán quốc tế, giá trị và thái độ nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khuyến nghị chuẩn đầu ra, chương trình và phương pháp đào tạo cần thiết kế phù hợp với khung năng lực do các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán xây dựng.
 
Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao

Có thể thấy, bên cạnh những cơ hội, kế toán, kiểm toán cũng đứng trước hàng loạt thách thức, trong đó, sự thiếu hụt lao động kế toán chất lượng cao là bài toán lớn cần sớm được khắc phục, đặc biệt là trong bối cảnh dịch chuyển lao động kế toán, kiểm toán ngày càng mạnh mẽ như hiện nay.

Nắm bắt xu thế này, nhiều cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán, bên cạnh các chương trình đại trà đã tăng cường mở hoặc chuyển đổi sang các chương trình đào tạo chất lượng cao. Tiêu biểu phải kể đến như: Chương trình Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế với Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tại Đại học Kinh tế Quốc dân; Chương trình đào tạo Chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA của Đại học Ngoại thương; Chương trình Kế toán DN chất lượng cao của Đại học Thương mại...

Điểm chung của các chương trình này, đó là yêu cầu tuyển sinh đầu vào rất cao, tương ứng là chuẩn đầu ra cũng yêu cầu người học phải sử dụng thành thạo tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành kế toán, kiểm toán. Hơn nữa, các chương trình này đều được liên kết đào tạo với các tổ chức kế toán, kiểm toán hàng đầu quốc tế như: ICAEW, ACCA...; chương trình đào tạo được thiết kế riêng biệt và trực tiếp được các chuyên gia đến từ các tổ chức này giảng dạy... Một điểm mới đáng chú ý khác, ngoài yêu cầu chuẩn đầu ra về kiến thức, các chương trình này đều đặt yêu cầu về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng bổ trợ, trong đó nhấn mạnh khả năng thành thạo công nghệ thông tin; khả năng giải quyết vấn đề trong mọi tình huống cho người học.

Là một trong những cơ sở đi đầu trong thực hiện các khuyến nghị để đổi mới hoạt động đào tạo kế toán, kiểm toán, PGS,TS. Trần Huy Ánh - Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán (Đại học Kinh tế Quốc dân) - cho biết, mọi sự thay đổi trong đào tạo của nhà trường đều đến từ việc lắng nghe, trên cơ sở đánh giá khoa học và gắn với thực tiễn. Đơn cử như với đào tạo ngành kiểm toán, Trường thường xuyên mời các chuyên gia đến từ KTNN, DN đến giảng dạy để giúp sinh viên nắm bắt được thực tế, yêu cầu làm việc, thay vì chỉ học lý thuyết từ sách vở và giảng viên. Bởi, không ai khác, chính các cơ quan, DN - nơi các sinh viên sẽ làm việc sau này hiểu họ cần gì và nhà trường phải lắng nghe, hoàn thiện, giúp các em có hành trang cần thiết để thực hành tốt nghề nghiệp.

Nguyễn Lộc
(Báo Kiểm toán số 38/2021)

 
 

Xem thêm »