Nỗ lực góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững

30/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Với vai trò là cơ quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN Việt Nam đã luôn bám sát và đồng hành với Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Qua đó, KTNN đã gián tiếp đóng góp vào việc cải thiện nhiều mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Để đáp ứng yêu cầu và góp phần thực hiện thành công SDGs, KTNN sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động theo sứ mệnh của mình.

KTNN Việt Nam đã luôn bám sát và đồng hành với Chính phủ trong việc thực hiện SDGs

 Đóng góp thiết thực, hiệu quả trên nhiều phương diện

Các đóng góp của KTNN đối với việc thực hiện SDGs được thể hiện ở 3 khía cạnh chủ yếu. Thứ nhất, hoạt động của KTNN góp phần thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả và hiệu lực SDGs của Việt Nam.

Trong giai đoạn 2018-2021, các hoạt động của KTNN đều tập trung đánh giá việc thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nổi bật trong đó là việc triển khai kiểm toán các chuyên đề về lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường… nhằm đánh giá công tác triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của các Bộ, ngành, thành phố trực thuộc T.Ư. Cụ thể như: việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; bố trí, huy động và tăng cường nguồn lực tài chính để thực hiện SDGs trong dự toán chi ngân sách hằng năm; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm; tăng cường nguồn lực tài chính công thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống chính sách thuế; nâng cao hiệu quả chi tiêu công; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của quốc tế cho việc thực hiện SDGs.

Thứ hai, hoạt động của KTNN góp phần xây dựng một nền tảng môi trường tài chính ổn định, minh bạch, tạo động lực thực hiện SDGs của Việt Nam.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong các văn bản quản lý điều hành ngân sách, cơ chế quản lý tài chính công, tài sản công và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ban hành, hủy bỏ, sửa đổi, thay thế 563 văn bản không phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, KTNN cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ của các đơn vị được kiểm toán, góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công, tài sản công, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia để thực hiện SDGs.

Thứ ba, hoạt động kiểm toán góp phần chỉ ra kịp thời các hạn chế trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, thúc đẩy việc thực hiện SDGs của Việt Nam.

Cụ thể, qua kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia, KTNN đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện như: cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các bên chưa thực sự hiệu quả; nguồn lực huy động đáp ứng nhu cầu tài chính còn hạn chế; việc sử dụng kinh phí của nhiều địa phương còn chưa đúng nội dung, đối tượng; công tác phân bổ vốn còn chậm, chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên...

Đặc biệt, giai đoạn 2018-2021, KTNN đã đẩy mạnh kiểm toán môi trường, đây là lĩnh vực kiểm toán mới nhưng có tác động lan tỏa tích cực đến nhiều mục tiêu trong phát triển bền vững. Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều vấn đề nổi bật như: các văn bản hướng dẫn công tác quản lý môi trường thiếu đồng bộ; công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ cấp phép đề án bảo vệ môi trường còn hạn chế; thiếu biện pháp quản lý, giám sát các cơ sở vi phạm; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa xây dựng, lắp đặt đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải... Từ các phát hiện trên, KTNN đã kiến nghị đối với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện các quy định và chế tài xử phạt vi phạm về môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của DN, chính quyền và người dân về bảo vệ môi trường, từng bước cải thiện chất lượng sống của người dân.

Thúc đẩy phát triển kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững

Thực tiễn hiện nay đã đặt ra cho KTNN Việt Nam cả cơ hội và thách thức để tiếp tục hoàn thiện và phát triển, khẳng định vai trò và vị thế trong việc đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, KTNN cần chú trọng một số giải pháp sau:

Một là, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững để xây dựng kế hoạch kiểm toán nhằm hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ, Quốc hội trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Trong đó, cần triển khai xây dựng hiệu quả kế hoạch kiểm toán hằng năm và kế hoạch kiểm toán trung hạn bám sát Kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn và các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025...

Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động kiểm toán để tăng cường chất lượng và hiệu lực kiểm toán trong lĩnh vực liên quan đến đánh giá việc thực hiện SDGs quốc gia và từng địa phương. Chú trọng phát triển các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán mới, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kiểm toán đối với việc thực hiện SDGs.

Ba là, xây dựng các đề án kiện toàn tổ chức bộ máy phát triển nguồn nhân lực của KTNN theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, phát triển đội ngũ kiểm toán viên nhà nước đáp ứng yêu cầu kiểm toán đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội từ T.Ư đến địa phương.

Bốn là, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương để chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động kiểm toán SDGs của Việt Nam, tham khảo và học tập kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và các cơ quan kiểm toán tối cao trong lĩnh vực kiểm toán này.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển bền vững nói riêng, tạo nền tảng đồng thuận trong các đánh giá và kiến nghị khi kiểm toán SDGs.

Hải Ly (lược ghi theo tài liệu của  Vụ Tổng hợp - KTNN)
(Báo Kiểm toán số 39/2021)

 
 

Xem thêm »