Những thách thức cho chu kỳ kiểm toán năm 2021  

22/10/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, chu kỳ kiểm toán năm 2020 đã không còn giống với bất kỳ chu kỳ nào khác trước đó, nhất là khi một loạt các vấn đề về kế toán và báo cáo được đưa lên hàng đầu do chuyển sang làm việc từ xa, các DN đóng cửa, bế tắc trong kinh doanh. Đến nay, mặc dù đại dịch đang dần được kiểm soát nhưng một số ngành vẫn phục hồi chậm, nhiều DN gặp khó khăn, phải hoạt động từ xa khiến một loạt thách thức tiếp tục gây áp lực cho chu kỳ kiểm toán năm 2021.

Thách thức về nguồn nhân lực

Theo Báo cáo: “Hậu quả của Covid-19: Những thách thức kiểm toán tiềm năng” của Viện Kế toán Công chứng Hoa Kỳ (AICPA), Covid-19 đã tác động mạnh đến vấn đề sức khỏe và khiến thị trường việc làm xáo trộn, dẫn đến rủi ro lớn đối với các bộ phận kế toán và tài chính khi nhiều cán bộ chủ chốt từ chức hoặc ra đi đột ngột (có thể là do nhiễm bệnh). Sự gián đoạn này đã có từ năm 2020 và tiếp tục gây áp lực lớn hơn đối với chu kỳ kiểm toán năm 2021. Nhiều DN đã tìm cách đào tạo chéo cho nhân viên về các quy trình chính hoặc tận dụng các giải pháp công nghệ nhằm giúp các kiểm toán viên (KTV) dễ dàng đảm nhận các trách nhiệm khác một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, nhiều tổ chức tiếp tục phải làm việc từ xa trong khi hoạt động giao dịch gia tăng, điều này đòi hỏi KTV phải làm thêm việc. Những công ty không có sự linh hoạt trong việc lập kế hoạch kiểm toán và vẫn duy trì cách làm truyền thống sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bước sang chu kỳ kiểm toán năm 2021, các công ty cần sớm lập kế hoạch cho hoạt động thực địa cuối năm và xem xét chuyển các thủ tục kiểm toán bổ sung từ cuối năm sang giữa kỳ. Các hành động cụ thể bao gồm: Việc xem xét sớm hơn các giao dịch quan trọng, khuyến khích các chuyên gia tham gia vào nhóm kiểm toán sớm hơn và tăng cường quản lý tiến trình đánh giá, đồng thời giám sát chặt chẽ các mốc quan trọng.
 
Áp lực do hoạt động giao dịch phức tạp gia tăng

Nghiên cứu của Deloitte về kế toán và báo cáo tài chính đối với các giao dịch công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) đánh giá, hoạt động giao dịch vẫn diễn ra mạnh mẽ trong suốt năm 2021 khi các công ty đẩy mạnh các thương vụ mua lại, thoái vốn và các giao dịch khác. Nhiều tổ chức đã niêm yết công khai, thông qua các SPAC hoặc các dịch vụ mua truyền thống đạt con số kỷ lục vào năm 2021.

Mỗi giao dịch như vậy bao gồm một loạt các vấn đề về định giá và kế toán phức tạp mà các công ty cần tìm hiểu, trao đổi với các nhà cung cấp dịch vụ định giá và kiểm toán. Chẳng hạn như, một thương vụ hợp nhất kinh doanh yêu cầu các chủ thể định giá lợi thế thương mại và các tài sản khác để thực hiện phân bổ giá mua. Ngoài ra, các công ty niêm yết cổ phiếu đại chúng thường cần định giá và tính toán các công cụ tài chính phức tạp mà trước đây chưa được công nhận. Các nội dung này sẽ được KTV và Ủy ban Chứng khoán xem xét kỹ lưỡng, vì vậy, mỗi tổ chức cần sớm làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ tư vấn kế toán, định giá và dành thêm thời gian để KTV làm việc trong các lĩnh vực này.
 
Lưu ý các tiêu chuẩn kế toán và thuế mới

Báo cáo Điểm nóng của kế hoạch kiểm toán năm 2021 do Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner đưa ra khuyến nghị rằng, trong khi thực hiện chu kỳ báo cáo và kiểm toán cuối năm 2021, các công ty tư nhân không nên bỏ qua chuẩn mực kế toán mới mà họ phải áp dụng. Các công ty đại chúng đã áp dụng tiêu chuẩn này có thể rút ra nhiều bài học, nhất là tránh việc đánh giá thấp sự phức tạp và nỗ lực cần thiết để áp dụng thành công bằng cách lập kế hoạch càng sớm càng tốt trong quá trình chuyển đổi.

Bên cạnh đó, DN cần xem xét những thay đổi trong quy định về: thuế, hải quan, giao dịch liên kết... để đảm bảo luôn chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tác động nào của quy định mới. Ngoài ra, sự không chắc chắn về chi tiết và thời gian của những thay đổi bổ sung đối với luật thuế vẫn luôn hiện hữu, buộc các công ty phải xem xét và tính toán trước khi hình thành báo cáo tài chính cuối năm. Sự thay đổi của các quy định thuế đòi hỏi phản ứng nhanh chóng vào cuối năm, vì vậy, DN nên chủ động phối hợp với nhóm làm việc về thuế, kế toán, kiểm toán để đánh giá tác động.
 
Tiếp tục đánh giá rủi ro trong ngắn hạn

Trong bối cảnh hiện nay, một số ngành, lĩnh vực đã phục hồi hoàn toàn và nhiều ngành khác vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Cụ thể như, các công ty trong các lĩnh vực nhà hàng và giải trí đối mặt với nhiều khó khăn bởi khả năng hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào việc dịch bệnh đã được khống chế và người dân đã được an toàn về sức khỏe hay chưa.

Khi cung cấp thông tin cho KTV, các tổ chức thuộc các lĩnh vực này sẽ rất khó khăn trong việc chứng minh đủ khả năng thanh khoản để hoạt động trong 12 tháng tới. Vì vậy, các DN đang gặp khó khăn do những tác động của khách quan phải lên kế hoạch đánh giá càng sớm càng tốt và đảm bảo các dự báo được cập nhật dựa trên tình hình thực tế.

Thùy Lê
(Báo Kiểm toán số 42/2021)



 

Xem thêm »