Kiểm toán hoạt động (KTHĐ) là loại hình kiểm toán mang lại giá trị gia tăng cho tổ chức thông qua các giải pháp, kiến nghị nhằm cải thiện về kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và quản trị DN. Để mang lại các sản phẩm có giá trị cao, kiểm toán viên (KTV) cần sử dụng phương pháp linh hoạt, phù hợp và phương pháp tiếp cận định hướng kết quả trong KTHĐ là một trong số đó.
KTV cần sử dụng linh hoạt phương pháp tiếp cận định hướng kết quả trong KTHĐ
Tiếp cận kết quả theo thông lệ quốc tế
Theo ISSAI 3000 (Chuẩn mực quốc tế của các cơ quan kiểm toán tối cao về KTHĐ), phương pháp tiếp cận theo định hướng kết quả trong KTHĐ sẽ đánh giá kết quả hoặc đầu ra đã đạt được mục tiêu như dự định hay chưa. Với phương pháp này, KTV cần nghiên cứu về các mục tiêu (tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực), thông tin nhất định (mục tiêu, đối tượng, quy định…) hoặc các tiêu chí kiểm toán (định mức, chỉ tiêu được xác định trước khi tiến hành kiểm toán).
KTV cần dựa trên những kết quả hoạt động chủ yếu của đơn vị (các lĩnh vực, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động, bộ phận trong đơn vị…) để làm cơ sở cho việc xác định các mục tiêu, nội dung, chương trình kiểm toán, các phương pháp kỹ thuật nghiệp vụ kiểm toán, lựa chọn các tiêu chuẩn đánh giá của KTHĐ… Với hệ thống tiêu chí sử dụng trong KTHĐ, khi nhận thấy các tiêu chí có nguy cơ mâu thuẫn, KTV cần trao đổi với đơn vị được kiểm toán và làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan để phát triển các tiêu chí đáng tin cậy, khả thi.
Các tiêu chí kiểm toán sẽ là cơ sở để KTV đưa ra đánh giá về DN khi so sánh giữa các tiêu chuẩn với thực tiễn. Kiến nghị được đưa ra dựa trên khắc phục những sai lệch của thực tiễn so với tiêu chuẩn đã đặt ra để loại trừ sự khác biệt theo xu hướng chưa tốt cho quá trình hoạt động kinh doanh của tổ chức.
Những lưu ý khi vận dụng phương pháp tiếp cận kết quả
Khi vận dụng phương pháp tiếp cận kết quả trong KTHĐ, KTV cần xác định rõ các thông tin về mục tiêu, đầu ra, kết quả của quy trình sản xuất kinh doanh của đơn vị được kiểm toán. Công tác kế hoạch và dự toán cùng các mục tiêu, hệ thống quy trình, hoạt động kiểm soát và triết lý kinh doanh được thiết lập bài bản sẽ là căn cứ để KTV thực hiện phương pháp tiếp cận định hướng kết quả.
Với những đơn vị cung cấp thông tin không rõ ràng hoặc chưa được thiết lập, KTV cần xác định các thông tin đầu ra cũng như kết quả, các tác động đi kèm từ kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị được kiểm toán. Xác định các thông tin đầu ra được thực hiện dựa trên việc tìm hiểu các yếu tố đầu vào và quá trình hoạt động của đơn vị được kiểm toán.
Những nội dung cần quan tâm khi xác định các chỉ số liên quan tới đầu vào gồm: Các chỉ số đầu vào mô tả các nguồn lực sẵn có, các chỉ số về đầu vào “vô hình” như: trình độ, kỹ năng của nhân viên, sự ủng hộ của nhà quản trị cấp cao…; khả năng cho phép KTV xác định nguyên nhân thiếu hụt nguồn lực của các chỉ số đã sử dụng; khả năng cảnh báo sớm của các chỉ số đầu vào về các thách thức có thể làm ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án/hoạt động.
Đối với chỉ số về quá trình hoạt động, KTV cần đánh giá một số khả năng của các chỉ số này như: mô tả phạm vi hoạt động cần thiết cho sự thành công của dự án/hoạt động, sử dụng các thước đo chi phí để xác định tính kinh tế và hiệu quả của dự án/hoạt động, phân tách để xác định đơn giá cho các hoạt động được thực hiện ở các địa điểm dự án khác nhau và tại các thời điểm khác nhau…
Khi xác định đầu ra của quá trình sản xuất kinh doanh, KTV cần đánh giá các chỉ số cho tất cả các đầu ra mà đơn vị được kiểm toán mong đợi có đóng góp vào thành công của dự án/hoạt động; đồng thời quan tâm tới một số thước đo để mô tả chất lượng, khả năng nhân rộng và sử dụng đồng nhất của các chỉ số đầu ra tại nhiều nơi. KTV cũng cần lưu ý các chỉ số đầu ra định lượng, mô tả số lượng nhiệm vụ đạt được hoặc sản phẩm được sản xuất thường là thước đo quan trọng của tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, KTV có thể mô tả chất lượng đầu ra của đơn vị được kiểm toán bằng cách phỏng vấn trực tiếp các nhân viên thực hiện nghiệp vụ xem thông tin được cung cấp có rõ ràng, toàn diện và phù hợp với công việc của họ hay không.
Đối với việc xác định kết quả của các dự án/hoạt động, KTV cần lưu ý rằng, chỉ số kết quả nên được liên kết trực tiếp với kết quả đầu ra của dự án và chỉ nêu những gì sẽ được đo lường, thay vì cung cấp dữ liệu cơ sở hoặc số liệu mục tiêu. Các chỉ số kết quả thường kết hợp các thước đo định lượng và định tính, mô tả số người được hưởng lợi từ một dự án và bản chất của những lợi ích đó. KTV cần quan tâm đơn vị được kiểm toán có mô tả nhận thức và kinh nghiệm của những người tham gia chương trình và những người hưởng lợi khác không; các yếu tố sẽ được đo lường (không phải thông tin về các mục tiêu hoặc điểm chuẩn); tính phù hợp, thực tế của các chỉ số kết quả. Đồng thời, KTV cũng cần tìm hiểu xem các chỉ số có bao gồm thông tin quan trọng đối với các bên liên quan chính, nhà tài trợ, người thụ hưởng dự kiến và có quan tâm tới những vấn đề đối với các nhóm dễ bị tổn thương không.
Khi xác định các chỉ số để áp dụng phương pháp tiếp cận theo định hướng kết quả, KTV cần xác định các nguồn dữ liệu tiềm năng. Sự lựa chọn nguồn dữ liệu sẽ phụ thuộc vào các nguồn sẵn có và trọng tâm của dự án/hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Các chỉ số định lượng có thể điều chỉnh để so sánh theo thời gian giữa các năm hoặc các quý trong năm…
Bên cạnh đó, KTV có thể sử dụng các biện pháp định tính với các phương pháp đa dạng như: mô tả chi tiết về các hiện tượng phức tạp dựa trên các cuộc phỏng vấn các đối tượng liên quan trực tiếp và các bên liên quan; thu thập tài liệu hoặc các nguồn thông tin tường thuật khác để có thể cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động, đầu ra và kết quả của một dự án/hoạt động một cách đầy đủ, toàn diện.
Sau khi xác định cách thức và bố trí người thu thập dữ liệu, đoàn kiểm toán phải tiến hành phân tích dữ liệu, tần suất thu thập thông tin và cách thức báo cáo. Những vấn đề này sẽ phụ thuộc phần lớn vào bản chất của dự án/hoạt động và giai đoạn của quá trình kiểm toán./.
Ths Trần Phương Thùy- Khoa Kế toán, Kiểm toán, Học viện Ngân hàng
(Báo Kiểm toán số 43/2021)