Lựa chọn chủ đề kiểm toán hoạt động thông qua quá trình lập kế hoạch chiến lược

28/10/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vấn đề lựa chọn chủ đề kiểm toán hoạt động (KTHĐ) đã được KTNN quy định tại Hệ thống Chuẩn mực KTNN (CMKTNN), cụ thể là CMKTNN số 300 - Các nguyên tắc cơ bản của KTHĐ và CMKTNN số 3000 và 3100 - Hướng dẫn KTHĐ. Theo đó, chủ đề KTHĐ phải được lựa chọn thông qua quá trình lập kế hoạch chiến lược (KHCL) KTHĐ. Nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chủ đề KTHĐ phải được lựa chọn thông qua quá trình lập kế hoạch chiến lược KTHĐ

Báo cáo Quốc hội dự kiến KHKT năm 2022, về KTHĐ, KTNN dự kiến lựa chọn 11 chủ đề, trong đó tập trung các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, nhà ở xã hội, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội và việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam về lựa chọn chủ đề

KHCL đưa ra định hướng kiểm toán mang tính chiến lược trong tương lai (3 - 5 năm), giúp KTNN xác định thứ tự ưu tiên và lựa chọn các lĩnh vực, chủ đề, vấn đề sẽ được KTHĐ. Trong quá trình lập KHCL, việc lựa chọn các chủ đề kiểm toán tiềm năng phải căn cứ vào các tiêu chí được quy định nhất quán (tính thời sự, tác động dự kiến của cuộc kiểm toán, mức độ rủi ro, tầm quan trọng, quy mô tài chính, mức độ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trước đây); các chủ đề tiềm năng phải được xếp hạng ưu tiên theo phương pháp chấm điểm, sử dụng thang điểm đối với từng tiêu chí đánh giá. Quy định này phù hợp với các yêu cầu của Hệ thống các chuẩn mực kiểm toán của các cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAIs) do Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) ban hành, cụ thể là ISSAI 300, ISSAI 3000 và 3100.

Thực tiễn tại nhiều cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) cho thấy, lựa chọn chủ đề KTHĐ thông qua quá trình lập KHCL KTHĐ là vấn đề được hết sức chú trọng, đặc biệt đối với SAI ở các quốc gia phát triển, nơi KTHĐ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các cuộc kiểm toán được tiến hành hằng năm. Việc lựa chọn chủ đề KTHĐ bám sát quy định của ISSAIs và Hướng dẫn của INTOSAI song mỗi SAI có phương thức thực hiện khá đa dạng, linh hoạt, phù hợp với quy định riêng của SAI và thực tiễn từng quốc gia. SAI có thể thực hiện theo phương pháp từ dưới lên, nghĩa là các kiểm toán viên tham gia lựa chọn chủ đề để trình các cấp quản lý phê duyệt hoặc có thể từ trên xuống, nghĩa là các cấp quản lý lựa chọn chủ đề kiểm toán và kiểm toán viên không tham gia vào quá trình này hoặc cũng có thể kết hợp cả hai phương pháp.

Tại KTNN, bên cạnh các nguyên tắc của CMKTNN, việc lựa chọn chủ đề KTHĐ chủ yếu thực hiện theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước về lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm. Trong đó, các tiêu chí lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán nói chung có thể áp dụng cho KTHĐ nói riêng. Theo quy định này, việc lựa chọn chủ đề KTHĐ dựa trên 6 tiêu chí: Tính thời sự; mức độ rủi ro; quy mô tài chính; mức độ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trước đây; giá trị tăng thêm từ cuộc kiểm toán; tầm quan trọng và các đánh giá định tính (cao, trung bình, thấp) đối với mỗi tiêu chí.

Quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước về lập, thẩm định và ban hành KHKT năm của KTNN yêu cầu việc lựa chọn chủ đề KTHĐ được thực hiện hằng năm. Bên cạnh danh mục chủ đề KTHĐ đề xuất cho năm kế hoạch, các đơn vị cũng cần đề xuất Danh mục các chủ đề KTHĐ cho 2 năm tiếp sau năm kế hoạch. Các đơn vị khi xây dựng KHKT năm cần thuyết minh rõ thứ tự ưu tiên và năm thực hiện kiểm toán đối với từng chủ đề KTHĐ. Đồng thời, quá trình lựa chọn chủ đề KTHĐ cần căn cứ vào văn bản hướng dẫn xây dựng KHKT năm và KHKT trung hạn (3 năm tiếp theo), thường được ban hành vào tháng 6 năm trước năm kế hoạch.

Việc áp dụng CMKTNN và quy định về lập KHKT năm, KHKT trung hạn trong những năm qua đã giúp lựa chọn được nhiều chủ đề KTHĐ hay, có tính thời sự, được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm, kết quả kiểm toán có nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách. Trong đó, một số chủ đề kiểm toán có giá trị đóng góp thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của quốc gia và các địa phương đã được KTNN tiếp tục nhân rộng.
 
Các nguyên tắc và định hướng lựa chọn chủ đề

8 năm trở lại đây, KTNN đã nỗ lực không ngừng để đẩy mạnh loại hình KTHĐ nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và bắt kịp thông lệ quốc tế. Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tháng 9/2020 đã xác định rõ mục tiêu cụ thể giai đoạn 2026-2030 là: “Phấn đấu tăng cường KTHĐ, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường đạt tỷ lệ khoảng 30% đến 40% số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm” và ngày càng nâng cao chất lượng KTHĐ.

Để đáp ứng kỳ vọng trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của hoạt động kiểm toán trong bối cảnh có sự tăng trưởng mạnh về tỷ trọng các cuộc KTHĐ, công tác lựa chọn chủ đề KTHĐ của KTNN cần đặt ra một số vấn đề sau:

Các nguyên tắc về lựa chọn chủ đề KTHĐ và lập KHCL KTHĐ tại CMKTNN cần được cụ thể hóa đầy đủ trong các quy định, hướng dẫn quy trình, nghiệp vụ của KTNN để đảm bảo tính khoa học, sự nhất quán trong áp dụng giữa các KTNN chuyên ngành, khu vực và đơn vị tham mưu.

Định hướng cụ thể hơn về vai trò của các tiêu chí lựa chọn, do mức độ ảnh hưởng của từng tiêu chí đến quyết định lựa chọn là khác nhau và sẽ thay đổi cho phù hợp với chiến lược, mục tiêu theo từng giai đoạn của KTNN và bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.

Tiến tới mở rộng phạm vi KHCL KTHĐ từ 3 năm lên 5 năm, xác định các lĩnh vực kiểm toán trọng tâm cho giai đoạn kế hoạch gắn với các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, từ đó cụ thể hóa thành các chủ đề KTHĐ theo từng lĩnh vực trọng tâm. Các chủ đề có thể được cập nhật hằng năm vào KHCL theo phương pháp cuốn chiếu song cơ bản cần trong khuôn khổ các lĩnh vực kiểm toán trọng tâm để Báo cáo nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước có được bức tranh tổng thể và sâu sắc về từng lĩnh vực.

Bên cạnh đẩy mạnh việc tìm kiếm, tiếp nhận thông tin, mối quan tâm của các bên liên quan chính từ bên ngoài như: Quốc hội, các Bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu, tổ chức tài trợ… KTNN cần phát triển công cụ để có thể tiếp nhận mối quan tâm của công chúng, dư luận xã hội làm dữ liệu cho việc lựa chọn chủ đề kiểm toán./.

Ths.Vũ Thị Thanh Hải – KTNN chuyên ngành V
(Báo Kiểm toán số 43/2021)
 

 

Xem thêm »