Ứng dụng dữ liệu lớn trong hoạt động kiểm toán các tổ chức tài chính - yêu cầu cấp thiết  

05/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Lĩnh vực tài chính có đặc thù hoạt động là cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng, với quy mô lớn, có mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số sớm, mạnh mẽ. Do vậy, việc ứng dụng dữ liệu lớn (DLL) trong hoạt động kiểm toán các tổ chức tài chính là xu thế tất yếu và mang lại nhiều lợi ích, làm tăng hiệu quả kiểm toán.

Ứng dụng dữ liệu lớn trong hoạt động kiểm toán các tổ chức tài chính mang lại nhiều lợi ích

Dữ liệu lớn “phủ sóng”, tổ chức tài chính phải thay đổi thói quen làm việc

Chuyển đổi số trong tổ chức, DN là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang áp dụng các công nghệ mới như DLL (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)..., thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích to lớn, giúp đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, DN được nâng cao rõ rệt.

Theo định nghĩa phổ biến hiện hành, DLL là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và rất phức tạp đến nỗi những công cụ, ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể nào đảm đương được. Bằng việc tổng hợp một lượng thông tin lớn từ các nguồn khác nhau khiến DLL trở thành một công cụ mạnh cho việc ra các quyết định kinh doanh, nhận diện hành vi và xu hướng nhanh hơn, tốt hơn rất nhiều so với cách thức truyền thống.

Hiện nay, hầu hết các tổ chức ngân hàng, dịch vụ tài chính đang nỗ lực để áp dụng một cách tiếp cận mới theo hướng khai thác dữ liệu để phát triển và đổi mới sản phẩm. Các ứng dụng của DLL sẽ giúp cho các tổ chức tài chính phân tích các thói quen chi tiêu của khách hàng, phân khúc khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ đến khách hàng. Ứng dụng DLL cũng góp phần phát hiện và ngăn chặn hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật, kiểm soát rủi ro, giúp minh bạch trong báo cáo tài chính; đồng thời, tham gia vào việc kiểm soát đánh giá và nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên.

Sự bùng nổ của CNTT với những đột phá về công nghệ số đã đòi hỏi mỗi nước cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực, trong đó có KTNN, phải thay đổi chiến lược, cách tiếp cận, mô hình hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Theo lãnh đạo Trung tâm Tin học của KTNN, để thực hiện được mục tiêu chiến lược đến năm 2025 cơ bản hình thành kiểm toán số phù hợp với lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam, KTNN đã định hướng xây dựng hạ tầng dữ liệu kiểm toán trên nền tảng DLL nhằm hỗ trợ 2 nhiệm vụ chính của hoạt động kiểm toán là công tác lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán. Trong đó, KTNN đang tập trung xây dựng hệ thống nền tảng và tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về tài chính, có liên quan đến hoạt động kiểm toán.  
 
Dữ liệu lớn tạo đột phá cho hoạt động kiểm toán

Theo KTNN chuyên ngành VII - đơn vị có chức năng giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các tổ chức tín dụng, tài chính - lĩnh vực tài chính có đặc thù hoạt động là cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng, với quy mô lớn, có mức độ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số sớm, mạnh mẽ và sâu rộng nhất. Thực hiện định hướng và chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, xác định vai trò của việc ứng dụng CNTT nói chung và việc ứng dụng công nghệ DLL trong hoạt động kiểm toán nói riêng, thời gian qua, KTNN đã từng bước áp dụng DLL trong kiểm toán tại các đơn vị, tổ chức tài chính và đã đạt được một số kết quả quan trọng, có nhiều phát hiện đáng chú ý. Đặc biệt, từ những hiệu quả đạt được khi áp dụng DLL vào hoạt động kiểm toán đã khẳng định việc ứng dụng DLL là tất yếu và mang lại nhiều lợi ích, làm tăng hiệu quả kiểm toán.

Theo đó, DLL giúp kiểm toán viên (KTV) có thể kiểm tra số lượng nghiệp vụ nhiều hơn. Bằng phương pháp thông thường, KTV áp dụng phương pháp tiếp cận cuộc kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và chọn mẫu các giao dịch để xác định số dư tài khoản, các giao dịch có được trình bày hợp lý hay không. Do thời gian và nguồn nhân lực kiểm toán có hạn nên các phần tử mẫu ngẫu nhiên được lựa chọn hạn chế. Trong khi đó, ứng dụng công nghệ DLL sẽ cho phép KTV có thể kiểm tra được nhiều mẫu hơn, lên tới 100%.

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, các gian lận sẽ dễ được phát hiện hơn do KTV có thể tận dụng các công cụ và kỹ thuật phân tích DLL để xác định vùng rủi ro chính xác hơn. Đặc biệt, với việc ứng dụng DLL để khoanh vùng các rủi ro, KTV có thể tập trung vào các khu vực cần quan tâm và đi sâu vào các khu vực có rủi ro cao nhất; ứng dụng các công cụ và kỹ thuật để rà soát các bất thường, từ đó phát hiện ra các gian lận.

Ngoài ra, KTV có thể đưa ra tư vấn và giải quyết các vấn đề cho chính đơn vị được kiểm toán vượt trên khả năng hiện tại bằng cách sử dụng dữ liệu phi tài chính và dữ liệu bên ngoài (dữ liệu nguồn nhân lực, dữ liệu khách hàng, dữ liệu thị trường…) để cung cấp thông tin cho cuộc kiểm toán. Bằng cách ứng dụng DLL, các dữ liệu phi tài chính có thể được sử dụng để xây dựng các mô hình có thể dự đoán các sự kiện trong tương lai, chẳng hạn như các lỗi hoặc sai phạm trong các báo cáo… Từ việc đưa ra các mô hình dự đoán, các KTV có thể đưa ra các kiến nghị, tư vấn cho đơn vị được kiểm toán giúp đơn vị hoàn thiện cơ chế, chính sách hay khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại./.

Nguyễn Lộc
(Báo Kiểm toán số 44/2021)

 
 

Xem thêm »