4 yếu tố quan trọng trong đào tạo trực tuyến cho kiểm toán viên

05/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo Cơ quan Sáng kiến phát triển của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (IDI), mục tiêu, phương pháp, công nghệ và nhân lực chính là 4 yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến cho kiểm toán viên (KTV).

Mục tiêu, phương pháp, công nghệ và nhân lực chính là 4 yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến cho KTV

Giáo dục và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ KTV để có được nguồn nhân lực giỏi và giàu động lực làm việc là vấn đề vô cùng quan trọng. Khắc phục khó khăn trong giai đoạn hiện nay, IDI đã triển khai hình thức đào tạo trực tuyến cho KTV, đồng thời hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm cho các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) để tăng cường tác động và hiệu quả của hình thức đào tạo này.
 
Từ xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến…


Trong quá trình triển khai đào tạo trực tuyến cho KTV, IDI nhận thấy yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là xác định mục tiêu. Nói cách khác, đào tạo trực tuyến không chỉ là chương trình đào tạo đơn thuần mà nó phải được thực hiện để đáp ứng tối đa nhu cầu và mục đích thiết yếu nhất của cơ quan KTNN. Vì vậy, khi xây dựng chương trình đào tạo, các SAI phải đặt câu hỏi xây dựng chương trình này để làm gì? Hơn nữa, việc triển khai chương trình đào tạo phải được thống nhất giữa nhóm xây dựng chương trình và người học.

Tiếp đó, các SAI cần xác định phương pháp giảng dạy trong môi trường trực tuyến đảm bảo đúng đắn, phù hợp và có sự tương tác, lấy người học làm trung tâm, tạo ra những trải nghiệm học tập có ý nghĩa. Nếu giáo viên không dựa trên nền tảng kiến thức và kinh nghiệm đã có của người học để giảng dạy thì học viên cảm thấy bài học không liên quan đến họ và không học được gì, thậm chí sẽ cảm thấy chương trình học nhàm chán. Vì vậy, để có được sự tham gia nhiệt tình của người học trong môi trường đào tạo trực tuyến, giảng viên cần tăng cường tương tác và xem người học là trung tâm.

Yếu tố thứ ba không kém phần quan trọng là công nghệ. Ngoài phương pháp, các SAI phải lựa chọn nền tảng công nghệ phù hợp và có một hệ thống quản lý học tập hiện đại (EL). Hệ thống này bao gồm tất cả các nguồn tài liệu học tập, quản lý học viên, công cụ họp trực tuyến, điều phối, công cụ quản lý để tương tác và tạo ra trải nghiệm học tập. Ngoài ra, EL cũng cần có công cụ báo cáo để có thể trích xuất các thông tin từ hệ thống khi cần.

Về phía KTV, khi học, họ cần phải chuẩn bị máy tính/điện thoại và đường truyền internet ổn định để truy cập. Như vậy, cả SAI và mỗi KTV cần đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và các yếu tố này phải được hoàn thiện ngay từ khi lên kế hoạch đào tạo. Theo kinh nghiệm của IDI, ngay cả khi các SAI đã có phương pháp dạy hiệu quả nhưng không có công nghệ thích hợp hỗ trợ thì không thể triển khai được các trải nghiệm trực tuyến như kỳ vọng.

Một yếu tố không thể thiếu nữa là đội ngũ nhân lực giỏi để có thể thiết kế, xây dựng tài liệu đào tạo và thực hiện giảng dạy trực tuyến. Yêu cầu đối với đội ngũ nhân lực phải có kiến thức chuyên môn, kỹ năng giảng bài trực tuyến lấy người học làm trung tâm và đủ nhận thức về công nghệ cũng như quản lý được công nghệ trong hệ thống. Hiện nay, IDI đã có tài liệu và hướng dẫn đầy đủ về đào tạo trực tuyến, đồng thời, IDI cũng có một đội ngũ chuyên gia luôn sẵn sàng đưa ra lời khuyên rất chi tiết về phương pháp, vai trò, hướng dẫn thực hành, cách thiết kế các chương trình đào tạo, cách đánh giá nhu cầu, xây dựng tài liệu học tập đa dạng và cách giảng dạy các tài liệu đó...
 
…đến quá trình tổ chức, triển khai

Sau khi đã xây dựng được kế hoạch đào tạo, câu hỏi tiếp theo các SAI cần trả lời là tổ chức và kết hợp chương trình đào tạo như thế nào? Có hai cách để triển khai đào tạo: Một là, tổ chức một chương trình đào tạo trong một hoặc nhiều khung thời gian và học viên lựa chọn thời gian phù hợp để học. Tương ứng với cách tổ chức này, các SAI cũng phải quyết định việc có cần giảng viên trong lớp học hay không hoặc chỉ cần người quản lý làm nhiệm vụ điều phối các hoạt động tương tác và theo dõi học viên. Như vậy, công cụ tổ chức lớp có thể theo hình thức hội thảo (thời gian dài), tọa đàm (mọi người cùng thảo luận), mời nhiều chuyên gia đến chia sẻ kinh nghiệm về một chủ đề hoặc mỗi chuyên gia chia sẻ về một chủ đề trong buổi học.

Hai là, cung cấp tài liệu trên hệ thống và học viên sẽ tự tiếp cận tài liệu tại không gian và thời gian riêng của họ. Đây là cách triển khai chương trình đào tạo hoàn toàn số hóa (IDI đã áp dụng để đào tạo chuyên môn cho các SAI trên toàn thế giới), đòi hỏi các SAI cần có sẵn các chương trình được số hóa và cài đặt trong hệ thống để học viên có thể học bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào. Ưu điểm của phương án này là không mất quá nhiều nguồn lực, vì vậy, IDI khuyến khích các SAI áp dụng cách đào tạo này.

Một phương pháp nữa khi triển khai lớp học là sử dụng giáo dục tích hợp với các nền tảng hỗ trợ, trong đó lồng ghép chương trình đào tạo lý thuyết với các hoạt động nghề nghiệp cụ thể dưới dạng cầm tay chỉ việc. IDI thường áp dụng hình thức này trong các cuộc kiểm toán phối hợp, kiểm toán từ xa và đang đào tạo cho các SAI theo cách này, kèm theo đó là một sổ tay nhỏ gọn có tên Bộ tương tác lành mạnh được IDI đăng tải trên website của INTOSAI.

Cuối cùng, với mỗi chương trình đào tạo, các SAI phải có đánh giá cụ thể về tác động của đào tạo trực tuyến đối với KTV và SAI. Đây là việc làm rất cần thiết để đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực và kinh phí. Trong đó, các SAI phải có cơ chế để kiểm tra mục tiêu của khóa đào tạo có đạt được hay không? KTV đã học được điều gì và chưa được những gì? Học xong có áp dụng được vào công việc của mình hay không?... IDI khuyến khích các SAI đặt ra bộ câu hỏi để đánh giá về hệ thống đào tạo trực tuyến, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo chung của mỗi SAI./.

Thủy Lê (ghi)
(Báo Kiểm toán số 44/2021)

 
 

Xem thêm »