Để tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu và bảo đảm hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu trao đổi dữ liệu giữa các đơn vị trực thuộc KTNN và giữa KTNN với các Bộ, ngành khác, việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn quy định về cấu trúc mã định danh và tiêu chuẩn kết nối là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi KTNN phải nhanh chóng triển khai.
Hướng tới một nguyên tắc thống nhất về kết nối và mã định danh
Hiện nay, KTNN đã triển khai hơn 20 ứng dụng chuyên ngành, ứng dụng nội bộ phục vụ công tác điều hành, quản lý và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, các hệ thống phục vụ tích hợp, trao đổi thông tin và đã từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung, hệ thống nền tảng, kết nối chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, KTNN đã xây dựng hệ thống nền tảng phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan chức năng như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai các phần mềm nội bộ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, danh mục mã định danh của các đơn vị trực thuộc KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 705/QĐ-KTNN ngày 09/6/2020 của Tổng Kiểm toán Nhà nước đã không còn phù hợp với nhu cầu hiện nay. Ngoài ra, KTNN cũng chưa có các quy định cụ thể về cách thức thu thập, cập nhật, duy trì, kết nối, chia sẻ và khai thác sử dụng thông tin giữa các phần mềm nội bộ.
Hiện nay, KTNN đang áp dụng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản trong CNTT được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017. Tuy nhiên, đây mới là các tiêu chuẩn cơ bản làm nền tảng để kết nối cho các ứng dụng nói chung. Để triển khai cụ thể kết nối giữa các ứng dụng, KTNN cần phải xây dựng bổ sung các quy định kỹ thuật khác, cụ thể như: tiêu chuẩn kết nối, cấu trúc dữ liệu trao đổi giữa hệ thống CNTT của KTNN với các Bộ, ngành...
Như vậy, xây dựng cấu trúc mã định danh và tiêu chuẩn kết nối là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình hình thành Kho dữ liệu số của KTNN. Việc tạo ra một bộ quy tắc thống nhất trong trao đổi dữ liệu và thu thập thông tin sẽ giúp KTNN chuẩn hóa bộ khung cấu trúc dữ liệu, mã định danh trong quy trình và cách thức phát triển hệ thống phần mềm nội bộ; tránh phải sửa chữa, nâng cấp các phần mềm khi phát sinh nhu cầu khai thác, trao đổi dữ liệu mới; đạt được sự thống nhất trong cấu trúc dữ liệu, cách thức triển khai, cơ chế trao đổi dữ liệu giữa các ứng dụng nội bộ và giữa hệ thống CNTT của KTNN với các Bộ, ngành. Các hệ thống phần mềm được vận hành một cách linh hoạt dựa trên một tiêu chuẩn chung sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân công trong việc vận hành, phát triển các ứng dụng. Ngoài ra, các đoàn kiểm toán cũng linh hoạt hơn trong vấn đề thu thập, khai thác dữ liệu từ các đơn vị bên ngoài.
Đề xuất xây dựng cấu trúc mã định danh và tiêu chuẩn kết nối
Theo Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg ngày 22/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương, mã cấp 1 của KTNN là “F01”. Theo đó, mã định danh quy định tại KTNN có thể xây dựng theo định dạng “F01.X1X2.Y1Y2Y3.Z1Z2Z3”, bao gồm 3 nhóm thông tin chính và 1 nhóm thông tin dự phòng khi có phân cấp dưới cấp phòng ban, các nhóm phân tách bởi dấu chấm.
Trong đó, nhóm 1 là “F01” theo quy định về mã cấp 1 của KTNN. Nhóm 2 là “X1X2” xác định đơn vị cấp 2 (cấp đơn vị) nhận giá trị là một trong các chữ số từ 0 đến 9 theo tuần tự từ 00 đến 99. Nhóm 3 là “Y1Y2Y3” xác định đơn vị cấp 3 (cấp phòng ban) nhận giá trị là một trong các chữ số từ 0 đến 9 theo tuần tự từ 000 đến 999. Nhóm dự phòng là “Z1Z2Z3” xác định đơn vị cấp 4 (dự phòng phân cấp dưới cấp phòng ban) nhận giá trị là một trong các chữ số từ 0 đến 9 theo tuần tự từ 000 đến 999.
Đối với tiêu chuẩn kết nối, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành “Tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước” quy định bắt buộc dùng dịch vụ Web dạng SOAP và sử dụng XML để mã hóa các giao tiếp giữa hai ứng dụng và sử dụng cơ chế truyền bằng giao thức truyền siêu văn bản http trong cơ quan nhà nước. Vì vậy, KTNN cần nhanh chóng triển khai sử dụng phương thức này để xây dựng tiêu chuẩn kết nối.
SOAP cung cấp một mô hình xử lý phân tán, mô tả thông điệp bắt nguồn từ một bên gửi đầu tiên đến một bên nhận cuối cùng (có thể không qua hoặc qua nhiều thành phần trung gian). Các mô hình xử lý SOAP phân tán có thể bao gồm các thông điệp một chiều, tương tác yêu cầu/trả lời, trao đổi kiểu điểm-điểm (peer-to-peer). Một thông điệp SOAP được đặc tả là một tập thông tin XML, có chứa bình luận, phần tử, thuộc tính, không gian tên và các thông tin đặc trưng; bao gồm 3 thành phần: Phần bao (SOAP envelope), phần tiêu đề (SOAP header) và phần nội dung chính (SOAP body).
Đối với các yêu cầu về trao đổi và tích hợp dữ liệu giữa các đơn vị khác với KTNN, tùy vào trường hợp cụ thể mà cấu trúc dữ liệu sẽ được định dạng để phù hợp với cấu trúc dữ liệu hiện có của KTNN.
Ths. Dương Quang Tiệp và Nguyễn Đăng Quang - Trung tâm tin học KTNN
(Báo Kiểm toán số 46/2021)