Kinh nghiệm quốc tế trong kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế  

03/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hiện nay, KTNN chưa có hướng dẫn cụ thể đối với lĩnh vực kiểm toán chất thải y tế. Do vậy, tùy theo phạm vi, mục tiêu, nội dung của cuộc kiểm toán, các đoàn kiểm toán có thể xem xét, áp dụng các cẩm nang, hướng dẫn kiểm toán chất thải của các tổ chức kiểm toán khu vực, quốc tế và học hỏi kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) để áp dụng một cách phù hợp.

Các đoàn kiểm toán có thể học hỏi kinh nghiệm của các SAI trong kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế

Kết quả kiểm toán quản lý chất thải y tế của một số SAI 

Hướng dẫn kiểm toán công tác quản lý chất thải của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đưa ra một số gợi ý về chủ đề kiểm toán chất thải như: Kiểm toán các chính sách, chiến lược về quản lý chất thải; kiểm toán đánh giá các tác động của chính sách quản lý chất thải; kiểm toán đánh giá công tác phối hợp của các cơ quan trong quản lý chất thải. Còn Hướng dẫn thực hiện kiểm toán môi trường của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhấn mạnh công tác kiểm toán cần tập trung vào một số nội dung như: Đánh giá việc xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải; các chính sách/luật/quy tắc về chất thải; chiến lược giảm thiểu, sử dụng lại và tái chế các chất thải; thu thập và phân loại chất thải; xử lý chất thải phù hợp; cơ chế trách nhiệm phù hợp; mức độ đầy đủ của cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý chất thải.

Dựa trên các hướng dẫn này, các SAI đã xây dựng mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi quốc gia. Chẳng hạn, SAI Chi Lê thực hiện kiểm toán công tác quản lý chất thải bệnh viện trên phạm vi toàn quốc với 45 bệnh viện công lập (24% cả nước) và 36 cơ sở chăm sóc sức khỏe. Kết quả kiểm toán cho thấy công tác xây dựng, ban hành văn bản của Bộ Y tế không đảm bảo hiệu lực; hầu hết các cơ sở được kiểm toán đều không có quy định nội bộ để cụ thể hóa cách thức quản lý chất thải phát sinh; một số bệnh viện được trang bị hệ thống lò đốt rác không đảm bảo kỹ thuật dẫn đến lượng lớn khí thải, hóa chất xả ra gây ô nhiễm không khí; tình trạng đốt chất thải trái phép còn diễn ra…

SAI Nam Phi kiểm toán theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp nhằm đánh giá công tác quản lý chất thải y tế (thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý) và điều kiện cơ sở hạ tầng của 22/556 cơ sở y tế trên 5 bang cả nước. Kết quả kiểm toán chỉ ra rằng, các bệnh viện không cung cấp được các bằng chứng về việc chuyển giao chất thải y tế cho các cơ sở đảm bảo điều kiện, đồng thời không có biện pháp theo dõi, chứng minh các cơ sở này xử lý chất thải đúng quy định. Nhiều bệnh viện thu gom chất thải y tế nguy hại chung với chất thải thông thường và các thiết bị lưu trữ chất thải không đảm bảo tiêu chuẩn, không được phân loại theo mã màu tương ứng…

Thông qua các cuộc kiểm toán, SAI Trung Quốc cũng phát hiện các bệnh viện chưa có hệ thống kiểm soát chất thải y tế nội bộ đầy đủ và chặt chẽ dẫn tới không kiểm soát được số lượng và nguồn gốc chất thải. Một số bệnh viện không tuân chủ quy tắc về cảnh báo chất thải trên các bao bì, thiết bị lưu chứa, phương tiện vận chuyển chất thải; không có đầy đủ trang thiết bị quản lý chất thải…
 
Bài học kinh nghiệm đối với Kiểm toán nhà nước Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các SAI đều xây dựng mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán xoay quanh hoạt động quản lý chất thải y tế của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bệnh viện từ khâu xây dựng cơ sở pháp lý, ban hành văn bản, quy phạm pháp luật; xem xét quy trình phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải; việc bố trí cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị quản lý chất thải y tế… Một số SAI hướng đến việc đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của việc sử dụng các nguồn tài chính công, tài sản công để phục vụ công tác xử lý chất thải y tế hoặc tập trung vào việc thống kê, tổng hợp lượng chất thải y tế phát sinh và được xử lý. Ngoài ra, phương pháp kiểm toán cũng có sự khác nhau về phạm vi kiểm toán chi tiết tại từng bệnh viện cụ thể hoặc kiểm toán tổng hợp tại cơ quan quản lý và sử dụng phương pháp lập phiếu khảo sát để đánh giá các bệnh viện. Các SAI cũng áp dụng tổng hợp nhiều phương pháp, thủ tục kiểm toán khác nhau.

Kết hợp giữa kinh nghiệm kiểm toán của các SAI và thực trạng quản lý chất thải y tế tại Việt Nam, các cuộc kiểm toán trong thời gian tới do KTNN thực hiện cần tập trung vào mục tiêu đánh giá tính hiệu lực, tính tuân thủ trong công tác quản lý và xử lý chất thải y tế của cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở y tế.

Theo mục tiêu này, đoàn kiểm toán cần đánh giá 4 nội dung: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế; trách nhiệm của các cơ sở y tế trong công tác quản lý chất thải y tế; công tác xử lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế; công tác xử lý chất thải rắn y tế tại cơ sở y tế.

Tương ứng với các nội dung kiểm toán là các tiêu chí như: Các văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế có được xây dựng, ban hành, phổ biến, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, xử lý chất thải y tế và giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra có được tổ chức thường xuyên và kịp thời. Công tác đầu tư, nâng cấp, duy tu sửa chữa các công trình, hệ thống xử lý chất thải y tế có được thực hiện với kế hoạch, nguồn vốn, tiến độ phù hợp và đảm bảo tuân tủ đầy đủ các quy trình, trình tự, thủ tục đầu tư hay không...

Đối với việc xử lý chất thải y tế, các tiêu chí kiểm toán gồm: Hệ thống thu gom, xử lý nước thải y tế có được xây dựng đảm bảo theo thiết kế được phê duyệt và công suất đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; hệ thống thu gom, xử lý nước thải có được quản lý, vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, ổn định theo các quy trình, quy định của pháp luật và văn bản quản lý nội bộ liên quan; các cơ sở y tế thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải y tế đảm bảo quy trình, trình tự theo quy định đối với từng loại chất thải; các đơn vị dịch vụ xử lý chất thải y tế có đảm bảo xử lý phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường hiện hành.../.

Ths. Bùi Thị Minh Ngọc – Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và Ths. Nguyễn Thị Hải Yến – KTNN Chuyên ngành II
(Báo Kiểm toán số 48/2021)

 
 
 

Xem thêm »