Đánh giá rủi ro trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán các dự án đường dây tải điện  

03/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực tế cho thấy, hoạt động đầu tư xây dựng các dự án đường dây tải điện có những yếu tố đặc trưng nhất định, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình kiểm toán. Vì vậy, việc vận dụng phương pháp đánh giá rủi ro trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán là rất cần thiết nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng, hiệu quả và hạn chế rủi ro khi tiến hành kiểm toán.

Việc vận dụng phương pháp đánh giá rủi ro trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán các dự án đường dây tải điện là rất cần thiết

Xác định rủi ro tiềm tàng

Các loại rủi ro chủ yếu được xác định đối với các dự án đầu tư công trình đường dây tải điện là rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát. Trong đó, rủi ro tiềm tàng trong kiểm toán tuân thủ pháp luật về đầu tư, xây dựng đến từ các khâu khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và giai đoạn lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng. Do thực hiện kiểm toán đồng thời nhiều dự án, kiểm toán viên (KTV) có thể sử dụng phương pháp so sánh đơn giá của cùng một công việc như: Đơn giá thép cột, đơn giá kẽm mạ, đơn giá cáp điện, đơn giá các thiết bị, vật tư kèm theo... để thấy những yếu tố bất thường, từ đó làm cơ sở xác định nội dung trọng yếu khi kiểm toán.

Trong kiểm toán xác nhận chi phí đầu tư, kinh nghiệm kiểm toán các năm cho thấy, rủi ro do tính toán sai khối lượng so với hồ sơ hoàn công đối với công trình đường dây tải điện chỉ ở mức thấp. Ngược lại, rủi ro tiềm tàng ở mức cao về khối lượng lại xảy ra với gói thầu mua sắm cột thép do có sự sai sót về mặt khối lượng nghiệm thu, thanh toán không phù hợp với hồ sơ hoàn công.

Ngoài ra, trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, đơn giá dự toán tính sai so với công bố giá do sai hệ số, chỉ số giá, sai cự ly vận chuyển, sai mã hiệu định mức, sai chủng loại vật tư... hoặc áp sai đơn giá những khối lượng công việc phát sinh. Một số hợp đồng được bù giá theo 2 phương pháp là bù giá trực tiếp và bù giá theo hệ số thì rủi ro tiềm tàng ở việc: Xác định mức cận trên và cận dưới không phù hợp, bù giá cho cả phần chậm tiến độ do lỗi nhà thầu, thông số để xác định giá trị bù sai hoặc không phù hợp, thiếu cơ sở.

Một trong những rủi ro có thể phát hiện qua kiểm toán tuân thủ liên quan trực tiếp đến số liệu chi phí đầu tư là việc sai sót trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, số liệu dự toán sau khi KTV tính toán lại thấp hơn so với giá trị hợp đồng đã ký kết. Sai sót trong công tác dự toán có thể do tính sai khối lượng so với bản vẽ thiết kế; áp sai đơn giá, sai định mức quy định; sai các hệ số tỷ lệ; sai mức lương cơ bản và sai số học. Khoản chênh lệch giữa số liệu dự toán do KTV tính toán lại và giá trị hợp đồng đang được kết luận gây thiệt hại cho chủ đầu tư và kiến nghị xử lý tài chính.

Đối với chi phí thiết bị, số lượng thiết bị, phụ tùng thay thế không đầy đủ như quy định trong hợp đồng; áp dụng sai tỷ giá ngoại tệ đối với thiết bị nhập ngoại hoặc ký hợp đồng, thanh toán hợp đồng bằng ngoại tệ trong trường hợp không phải đấu thầu quốc tế. Đối với chi phí tư vấn, khối lượng công việc khảo sát tính sai, nội dung công tác khảo sát trùng với giai đoạn trước đã thực hiện; nghiệm thu khối lượng khảo sát sai cấp địa hình, sai cấp đất đá so với hồ sơ khảo sát được nghiệm thu; khối lượng, chủng loại mẫu đất đá thí nghiệm có sự khác biệt nhưng vẫn quyết toán theo nội dung hợp đồng. Đối với chi phí ban quản lý dự án, dự toán chi phí quản lý dự án được lập và phê duyệt không đúng quy định; các khoản chi phí quản lý dự án không có chứng từ hợp lý, hợp lệ...

Trên cơ sở thông tin về dự án được kiểm toán, KTV đánh giá rủi ro tiềm tàng đối với tổng thể báo cáo quyết toán/chi phí đầu tư thực hiện theo các mức độ Cao/Trung bình/Thấp và đánh giá rủi ro đối với cơ sở dẫn liệu, khoản mục.
 
Chú trọng rủi ro kiểm soát

KTV sử dụng các xét đoán chuyên môn để đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB). Các nội dung làm cơ sở đánh giá hệ thống KSNB gồm: Môi trường kiểm soát, quy trình quản trị rủi ro của đơn vị, hệ thống thông tin liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo quyết toán, các hoạt động kiểm soát, giám sát các kiểm soát. Kết thúc quá trình khảo sát, thu thập thông tin, KTV phải đưa ra đánh giá ban đầu mặt mạnh, mặt yếu của hệ thống KSNB, đồng thời kết luận đánh giá rủi ro kiểm soát tổng thể báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo các mức độ Cao/Trung bình/Thấp cũng như đánh giá rủi ro cơ sở dẫn liệu, khoản mục, nội dung.

Trên cơ sở thông tin thu thập được và kết quả phân tích, đánh giá thông tin, KTV xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ báo cáo quyết toán dự án đầu tư và cấp độ cơ sở dẫn liệu để phục vụ việc xây dựng kế hoạch tổng quát. Việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu các khoản mục được xác định trên cơ sở ma trận rủi ro.

Một số dấu hiệu có rủi ro cao đối với dự án đường dây tải điện như: Cố tình nghiệm thu sai, tính sai trong khi đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị trước đó; khối lượng tính toán cho kết cấu phức tạp, vấn đề trượt giá liên quan đến nhiều loại đồng tiền, do chậm tiến độ; rủi ro đó có liên quan tới những thay đổi lớn (đơn giá tăng bất thường, chi phí phát sinh lớn, đơn giá và khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng...); rủi ro liên quan tới những giao dịch lớn nằm ngoài phạm vi hoạt động bình thường của đơn vị hoặc liên quan tới giao dịch có dấu hiệu bất thường...

Ngoài ra, KTV cũng cần xem xét những rủi ro liên quan đến thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến sai sót bù giá vật liệu; cán bộ theo dõi trực tiếp có sự biến động không liên tục; lãnh đạo đơn vị có sự thay đổi; sự thay đổi qua nhiều chủ đầu tư; việc đấu thầu, chỉ định thầu đối với các dự án (đặc biệt là dự án cấp bách)./.

Ths. Nguyễn Quốc Đạt và Ths.Nguyễn Đình Doanh – KTNN chuyên ngành VI
(Báo Kiểm toán số 48/2021)
 
 

Xem thêm »