Xác định trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán các đơn vị sự nghiệp công lập

17/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu là xu thế hiện đại, tất yếu của các cơ quan kiểm toán tối cao. Việc đi sâu hướng dẫn cụ thể phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu sẽ góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, đồng thời là cẩm nang giúp kiểm toán viên (KTV) nắm chắc nghiệp vụ chuyên môn theo từng lĩnh vực kiểm toán, trong đó có kiểm toán đơn vị sự nghiệp công lập.  

Chuẩn mực kiểm toán nhà nước về đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu

Chuẩn mực KTNN số 1315 (Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính) lưu ý các nội dung: KTV phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ báo cáo quyết toán và cấp độ cơ sở dẫn liệu.

Khi thực hiện quy trình đánh giá rủi ro, KTV phải dựa vào xét đoán chuyên môn để cân nhắc rủi ro đã xác định là rủi ro đáng kể hay không đáng kể. Khi xét đoán rủi ro được coi là đáng kể, KTV lưu ý phải xem xét những nội dung: Rủi ro do gian lận, rủi ro có liên quan tới những thay đổi lớn. Đối với mỗi rủi ro ở cấp độ báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán đơn vị sự nghiệp công lập và cấp độ cơ sở dẫn liệu, KTV cần đánh giá tác động của chúng đến các khoản mục trên báo cáo ngân sách địa phương.

Thực hiện theo hướng dẫn từ Đoạn 21 đến Đoạn 42 Chuẩn mực KTNN số 1320 - Xác định và vận dụng trọng yếu trong kiểm toán tài chính, KTV cần lưu ý: Xác định mức trọng yếu tổng thể, xác định mức trọng yếu đối với các khoản mục cần lưu ý, xác định các khoản mục trọng yếu, xác định mức trọng yếu thực hiện, xác định ngưỡng sai sót không đáng kể. Trong quá trình kiểm toán, mức trọng yếu tổng thể đối với báo cáo tài chính và mức trọng yếu thực hiện có thể được điều chỉnh khi KTV có các phát hiện mới.

KTV phải xác định từ giai đoạn lập kế hoạch cách lựa chọn các phần tử thử nghiệm để thu thập bằng chứng kiểm toán khi tiến hành thử nghiệm cơ bản đối với từng khoản mục trọng yếu trên báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán nguồn kinh phí hoặc báo cáo quyết toán chương trình, dự án. Việc lấy mẫu trong thử nghiệm cơ bản cần lưu ý những điểm sau: Đặc điểm của tổng thể, mối quan hệ giữa mẫu với mục tiêu kiểm toán liên quan (cơ sở dẫn liệu của khoản mục), mức trọng yếu và số lượng khoản mục trong tổng thể, rủi ro tiềm tàng về các sai sót có thể xảy ra, tính phù hợp và tin cậy của các bằng chứng thu thập được thông qua các thủ tục không liên quan đến lấy mẫu.

Để tăng tính hiệu quả cho công việc, KTV có thể phân chia tổng thể thành nhiều tổ nhỏ theo các tiêu thức: Giá trị, địa bàn của phần tử, bản chất của thủ tục kiểm tra sẽ thực hiện. Các phương pháp phân nhóm nêu trên có thể được sử dụng riêng rẽ hoặc kết hợp (thực hiện phân nhóm theo bản chất của phần tử, sau đó theo giá trị của phần tử...). Nếu rủi ro có sai sót trọng yếu tăng lên, KTV phải mở rộng phạm vi các thủ tục kiểm toán - tăng số lượng thủ tục kiểm toán, tăng quy mô mẫu hoặc tăng số lần quan sát các kiểm soát. Việc mở rộng phạm vi thủ tục kiểm toán chỉ có hiệu quả khi thủ tục kiểm toán phù hợp với những rủi ro được xác định trong từng trường hợp cụ thể.
 
Những lưu ý khi đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu tại đơn vị sự nghiệp công lập

 Tính trọng yếu nên được xem xét theo từng trường hợp cụ thể, do vậy, KTV cần vận dụng một cách sáng tạo các tiêu chuẩn đo lường trọng yếu tùy theo nhận định chủ quan của mình. Để thực hiện đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán tại các đơn vị sự nghiệp công lập, KTV nên chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, đi sâu đánh giá trọng yếu, rủi ro trong việc phân cấp quản lý tài sản công, phương án sắp xếp, xử lý tài sản công ở một số đơn vị, địa phương, đánh giá việc ban hành một số quy định trong các văn bản hướng dẫn, điều hành chủ yếu ở các cấp ngân sách.

Thứ hai, đánh giá xác định trọng yếu, rủi ro trong việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, kinh phí ngân sách cấp, việc giám sát sử dụng quản lý tài sản công, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Thứ ba, kiểm toán việc các đơn vị ban hành quy chế quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, tài sản công có đảm bảo các yếu tố: Phù hợp, khoa học, chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc phân quyền, bất kiêm nhiệm, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, bộ phận tham gia quy trình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản.

Thứ tư, áp dụng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán để khai thác phần mềm TAMIS Kho bạc Nhà nước và xây dựng các tiêu chí bảng biểu nhập dữ liệu; khai thác các dữ liệu quản lý tài sản công tại đơn vị và tình hình sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, chi kinh phí theo mục lục ngân sách.

Để nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN cần nhanh chóng hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu toàn Ngành, đồng thời xây dựng phần mềm công nghệ thông tin hỗ trợ KTV trong việc phân tích, xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro. Trong đó, cần sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động, quản lý và sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán, bởi đây là nguồn dữ liệu thông tin quan trọng và cần thiết cho việc xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán./.

Ths. Tăng Nguyễn Mai Trang và Ths. Ngô Thị Hoa – Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán
(Báo Kiểm toán số 50/2021)
 
 

Xem thêm »