Kinh nghiệm kiểm toán các hiệp định môi trường đa phương về đa dạng sinh học

28/03/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, kiểm toán các hiệp định môi trường đa phương (MEA) liên quan đến đa dạng sinh học (ĐDSH) là giải pháp góp phần giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu và cam kết chung về môi trường toàn cầu, hướng tới phát triển bền vững.

Kiểm toán MEA liên quan đến ĐDSH là giải pháp góp phần giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu và cam kết chung về môi trường toàn cầu

MEA và vai trò của kiểm toán các MEA

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), MEA là một tập hợp con trong hệ thống các thỏa thuận quốc tế. Các thỏa thuận này có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Quy ước, thỏa thuận, tuyên bố, hiệp ước, công ước… Theo đó, MEA được hiểu là một công cụ pháp lý có tính chất ràng buộc giữa hai hay nhiều quốc gia nhằm giải quyết một số khía cạnh về môi trường. Kiểm toán MEA nhằm đánh giá trách nhiệm và mức độ đáp ứng của quốc gia đó đối với các nghĩa vụ trong MEA; tác động của việc thực hiện những trách nhiệm, nghĩa vụ này đến luật pháp và sự điều hành của Nhà nước; từ đó xác nhận việc thực thi các chính sách nhằm đảm bảo tính hiệu lực, kinh tế và hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy, nội dung của các MEA rất phong phú, liên quan đến nhiều lĩnh vực, khía cạnh về môi trường, trong đó có các vấn đề về đa dạng sinh học (ĐDSH). Nhiều MEA liên quan đến ĐDSH, tiêu biểu như Công ước về ĐDSH (CBD). Đây là thỏa thuận quốc tế đầu tiên đề cập đến tất cả các khía cạnh của ĐDSH. Mục tiêu của Công ước này là bảo tồn ĐDSH, sử dụng bền vững các thành phần của nó, chia sẻ công bằng, hợp lý những lợi ích phát sinh từ việc sử dụng các nguồn tài nguyên di truyền. Đáng nói, năm 2000, Hội nghị các bên tham gia Công ước CBD đã thông qua một thỏa thuận bổ sung của Công ước này là Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học - thỏa thuận ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên hướng dẫn về những xu hướng quốc tế của sinh vật biến đổi gen. Nghị định thư nhằm bảo vệ ĐDSH trước các nguy cơ tiềm ẩn bởi các sinh vật sống ra đời từ công nghệ sinh học hiện đại.

Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước là công ước duy nhất bảo vệ môi trường sống cụ thể. Nghĩa vụ đầu tiên cho các bên tham gia là đưa ra ít nhất một vùng đất ngập nước cần được bảo vệ vào Danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Danh sách Ramsar) để tăng cường bảo tồn cũng như sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên.

Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhằm đảm bảo rằng hoạt động thương mại quốc tế này sẽ không đe dọa đến sự sống còn của các động, thực vật hoang dã. Hoạt động thương mại đối với các động, thực vật hoang dã thường diễn ra qua biên giới. Do đó, việc điều chỉnh hoạt động này đặt ra yêu cầu phải có sự hợp tác quốc tế.

Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế (IPPC) được thông qua năm 1951 bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc. Theo đó, các quốc gia có nghĩa vụ phải hành động để ngăn chặn sự hình thành, lây lan của dịch bệnh phá hoại thực vật và các sản phẩm thực vật, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát thích hợp.
 
Sử dụng các MEA làm tiêu chí kiểm toán

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có thể sử dụng các MEA về ĐDSH nêu trên làm tiêu chí kiểm toán khi đánh giá các chiến lược ĐDSH quốc gia cũng như những hành động khác để bảo vệ ĐDSH.

Đơn cử, năm 2006, SAI Iceland đã tiến hành một cuộc kiểm toán nhằm kiểm tra cách thức áp dụng các cam kết theo Công ước CBD của Chính phủ. Kết quả kiểm toán chỉ rõ: Việc thực hiện các cam kết trong Công ước CBD còn nhiều hạn chế. Chính sách công liên quan đến ĐDSH, kế hoạch bảo vệ và giám sát ĐDSH trên toàn quốc đã không được thực hiện. Chính phủ tiến hành rất ít các nghiên cứu về tình trạng ĐDSH ở Iceland (trái với các yêu cầu của CBD), không có một cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các cam kết CBD...

Hay năm 2008, SAI Ba Lan đã kiểm toán sự quản lý đối với các sinh vật biến đổi gen (GMO), Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. Kết quả cho thấy, không có bất kỳ sự hạn chế, giấy phép hay các biện pháp bảo vệ đối với việc trồng cây biến đổi gen. Các cơ quan chức năng cũng không thiết lập hệ thống các quy tắc đối với cây trồng biến đổi gen để đảm bảo môi trường an toàn trong nông nghiệp, dẫn đến hoạt động canh tác thiếu tính bền vững. Hệ thống giám sát và kiểm soát các GMO không đầy đủ và kém hiệu quả.

Đối với Công ước Ramsar, năm 2004, SAI Thụy Sỹ đã tiến hành kiểm toán khu vực Hồ Constance nhằm đánh giá việc thực thi các nghĩa vụ theo Công ước này. Theo kết quả kiểm toán, Bộ Môi trường đã cụ thể hóa nội dung của Công ước Ramsar vào luật pháp về môi trường. Tuy vậy, Luật pháp chưa được thực thi trên mọi khía cạnh; các cấp tỉnh, xã đều không quan tâm đến việc thực thi luật pháp, đặc biệt là việc không tuân thủ các quy định liên quan đến chỉ dẫn về sự tồn tại của khu bảo tồn thiên nhiên…

Với Công ước CITES, SAI Ba Lan đã kiểm toán việc áp dụng các nghĩa vụ quốc tế theo Công ước này. Kết quả, Bộ Môi trường chưa ban hành các quy định để thực thi Luật Bảo vệ động vật cũng như thi hành các nghĩa vụ theo Công ước. Các cửa hàng kinh doanh vật nuôi và các động vật kỳ lạ đa số không có giấy chứng nhận nguồn gốc và sức khỏe của động vật. Hơn nữa, các động, thực vật này cũng không thường xuyên được cơ quan thú y kiểm tra; Bộ Môi trường cũng không báo cáo thường xuyên lên Chủ tịch Công ước CITES về tình hình thực hiện nghĩa vụ đối với Công ước.

Năm 2003, SAI Vương quốc Anh đã tiến hành kiểm toán về việc ngăn chặn sự hình thành của các loài xâm hại theo Công ước IPPC. Theo kết quả kiểm toán, các Bộ đã có đóng góp quan trọng giúp đất nước ngăn chặn tốt sự lây lan mạnh của dịch bệnh và sâu hại nhưng lại không có đủ phương tiện để đảm bảo chất lượng công tác thanh, kiểm tra. Từ đây, SAI kiến nghị các Bộ cần phối hợp công tác tốt hơn, đặc biệt với các đối tác nước ngoài và ngành công nghiệp, cũng như cần tập trung hơn vào các rủi ro và hậu quả chính…

Như vậy, có thể thấy, việc sử dụng các MEA làm tiêu chí kiểm toán giúp các SAI đánh giá mức độ thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường nói chung và ĐDSH nói riêng, từ đó đưa ra các khuyến nghị giúp Chính phủ các nước có những hành động thiết thực nhằm góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường của quốc gia cũng như toàn cầu.

(Theo Cẩm nang kiểm toán việc thực hiện các hiệp định môi trường đa phương)
(Báo Kiểm toán số 12/2022)
 

 
 
 

Xem thêm »