Kinh nghiệm khai thác dữ liệu trên phần mềm TABMIS

31/03/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Hiện nay, các cơ quan tài chính tại địa phương đang triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng phần mềm TABMIS vào công tác điều hành, quản lý ngân sách. Điều này đỏi hỏi các đoàn kiểm toán phải thay đổi cách tiếp cận và xử lý dữ liệu, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn và công nghệ để khai thác dữ liệu tổng hợp phục vụ cho kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP).  

Đánh giá báo cáo quyết toán qua dữ liệu từ TABMIS

Phần mềm TABMIS là hệ thống quản lý tập trung, tất cả các đơn vị tham gia hệ thống sẽ được phân quyền truy cập trực tiếp vào dữ liệu chung tại T.Ư thông qua giao diện Web. Hệ thống quản lý này đáp ứng được yêu cầu cải cách các chính sách quản lý tài chính công, tăng cường tính minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý và khả năng hội nhập; đồng thời đảm bảo an toàn, chống phá hoại và phá hủy dữ liệu thông qua việc duy trì song song một trung tâm dự phòng và khắc phục sự cố.

Dựa trên TABMIS, hằng năm, các đoàn kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP của KTNN khu vực III đã khai thác các số liệu từ khâu dự toán, kế toán, đến quyết toán ngân sách để đánh giá công tác dự toán theo Luật NSNN, kiểm toán tổng quan số liệu quyết toán ngân sách và số liệu kế toán. Bên cạnh đó, thông qua dữ liệu được cập nhật, các kiểm toán viên (KTV) cũng kiểm tra việc thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát chung của hệ thống TABMIS tại địa phương; rà soát và kiểm tra các chốt kiểm soát trên hệ thống TABMIS nhằm bảo đảm các dữ liệu kế toán và các báo cáo cung cấp cho đoàn kiểm toán là chính xác và đầy đủ, đúng thời điểm, thời gian khóa sổ theo quy định của Luật NSNN 2015.

Các dữ liệu của phần mềm cũng là cơ sở để KTV phân tích tình hình tổng quan việc điều hành ngân sách của địa phương tập trung vào các thời điểm nhạy cảm hoặc các khoản đầu tư trải qua nhiều năm; tính toán lại một số chỉ số, nguồn và quỹ tài chính quan trọng; khoanh vùng dữ liệu có dấu hiệu rủi ro cao nhằm tiến hành kiểm tra hồ sơ chứng từ chi tiết. Ngoài ra, trong quá trình thu thập dữ liệu, các KTV sẽ đối chiếu thời gian chạy cân đối thu chi trên TABMIS và thời gian khóa sổ lập báo cáo quyết toán, đối chiếu dữ liệu với các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) khác liên quan đến NSNN (Hệ thống TMS của cơ quan thuế)… từ đó đưa ra đánh giá về tính trung thực và hợp lý của số liệu báo cáo quyết toán NSĐP.

Hơn nữa, thông qua khai thác số liệu, KTV có thể đánh giá công tác phối hợp giữa các đơn vị trong tham mưu điều hành ngân sách như công tác kế hoạch giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính với các chủ đầu tư; giữa Sở Tài chính và các đơn vị dự toán cấp I; công tác phối hợp giữa Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước trong việc khóa sổ lập báo cáo quyết toán ngân sách.

Thông qua việc khai thác sử dụng dữ liệu từ phần mềm TABMIS, KTNN khu vực III đã có nhiều phát hiện khi kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP. Đơn cử, kết quả kiểm toán số liệu quyết toán NSĐP năm 2015 của tỉnh Quảng Nam cho thấy địa phương tổng hợp vào quyết toán thu ngân sách năm 2015 số tạm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 300 tỷ đồng (của Công ty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô Trường Hải Kia và Công TNHH Sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch Vina Mazda) thuộc niên độ ngân sách 2016. Cũng trong năm 2015, Đoàn kiểm toán phát hiện tỉnh Quảng Nam vượt thu gần 3.000 tỷ đồng (chủ yếu từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng của Công ty Trường Hải Chu Lai tại Núi Thành) nhưng Sở Tài chính đã không tuân thủ Luật NSNN, sử dụng nguồn vượt thu này để bổ sung cân đối cho các huyện hụt thu, không thông qua HĐND.

Gần đây, năm 2020, kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, ngân sách tỉnh hụt thu nhưng quá trình điều hành không rà soát nhiệm vụ chi để kịp thời trình Thường trực HĐND điều chỉnh giảm một số khoản chi theo quy định Điều 59 Luật NSNN, dẫn đến mất cân đối, phải điều chỉnh giảm chi năm 2020 chuyển sang năm 2021. Ngoài ra, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi khi nhập dự toán trên TABMIS đã vượt thẩm quyền, tự điều chỉnh dự toán hơn 19 tỷ đồng của các đơn vị đã được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh quyết định đầu năm...
 
Tăng cường năng lực khai thác dữ liệu cho kiểm toán viên

Khi CNTT ngày càng phát triển, các đơn vị càng trở nên phụ thuộc vào hệ thống CNTT để thực hiện các hoạt động quản lý cũng như cung cấp dịch vụ, xử lý, duy trì và báo cáo những thông tin cần thiết. Điều này tác động lớn đến hoạt động kiểm toán, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với các đoàn kiểm toán, nhất là trong việc kiểm chứng tính đầy đủ và chính xác của thông tin tài chính được xử lý bởi hệ thống CNTT của đơn vị. Ngoài ra, đoàn kiểm toán cũng phải xác định việc đảm bảo đúng thời thời điểm, trung thực, hợp lý của các số liệu quyết toán ngân sách theo quy định tại Luật NSNN 2015.

Để khắc phục những khó khăn trên, trước tiên, các KTV thực hiện kiểm toán tổng hợp cần nắm vững việc vận hành hệ thống tổng kế toán nhà nước (KBNN_TKT_2018), đặc biệt là các phần mềm kế toán sử dụng xử lý dữ liệu thô sau đó kế toán viên đưa vào TABMIS hay phần mềm xử lý dữ liệu trực tiếp trên môi trường TABMIS.

Hai là, KTV cần nắm vững kỹ thuật xử lý số dư ứng của Kho bạc Nhà nước; cơ chế vận hành chương trình, quản lý kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản (chương trình KBNN_DTKB_ GD_ 2020_PM_UM); kết nối dữ liệu với TABMIS và việc truy xuất các báo cáo phục vụ tổng hợp quyết toán chi đầu tư xây dựng cơ bản các cấp NSĐP và chức năng theo dõi, đôn đốc quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành, đôn đốc thu hồi tạm ứng quá hạn thông qua hệ thống CNTT.

Ba là, KTV cần được tập huấn và am hiểu sâu việc vận hành hệ thống Đề án tổng kế toán nhà nước (hiện nay duy trì 2 hệ thống báo cáo gồm: Báo cáo quyết toán ngân sách theo quy định của Luật NSNN và báo cáo tài chính nhà nước theo Thông tư số 39/2021/TT-BTC) để xác định các chốt chặn có rủi ro về khoản mục, dữ liệu mục tiêu; cách thức khai thác số liệu, đối chiếu số liệu tổng hợp, xác định trùng lặp; cơ chế phối hợp giữa TABMIS và các phần mềm TCS, TMS và DVC... từ đó nâng cao khả năng xác nhận số liệu quyết toán NSĐP. 

Bốn là, KTNN cần đẩy mạnh áp dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán, tập trung công tác đào tạo - bồi dưỡng cho lực lượng KTV về CNTT phục vụ cho công tác kiểm toán. KTNN có thể mời các báo cáo viên đang công tác tại Kho bạc Nhà nước để tập huấn, hướng dẫn cách khai thác dữ liệu trên hệ thống TABMIS./.

Ngô Thanh Bình - KTNN khu vực III
(Báo Kiểm toán số 13/2022)

Xem thêm »