Kiểm toán đa dạng sinh học để góp phần phát triển bền vững

14/04/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm toán các hoạt động của chính phủ liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH). Đây là giải pháp góp phần cải thiện ĐDSH, hướng đến phát triển bền vững. Cuộc “kiểm toán xanh” được thực hiện tại Công ty Stora Enso, Thụy Điển là một minh chứng cho điều này.

“Kiểm toán xanh” trong lâm nghiệp tại Thụy Điển

Kiểm toán ĐDSH là kiểm toán các hoạt động của con người tác động đến ĐDSH trong tự nhiên. Bất kỳ cuộc kiểm toán nào liên quan đến hệ sinh thái, nguồn nước, rừng, nông nghiệp, môi trường biển… đều có thể coi là kiểm toán ĐDSH.

Stora Enso là công ty sản xuất bột giấy, giấy và các lâm sản khác, có trụ sở tại Phần Lan và Thụy Điển. Tại đây, cuộc “kiểm toán xanh” - một cách nói khác của kiểm toán môi trường - đã được thực hiện trong suốt 25 năm nhằm đo lường tác động gián tiếp của hoạt động lâm nghiệp đến ĐDSH ở Thụy Điển. Mỗi mùa hè, các kiểm toán viên kiểm tra 12 khu vực khác nhau tại 120 địa điểm được chọn ngẫu nhiên trong các khu rừng thuộc sở hữu của Stora Enso trên khắp đất nước. Các khu vực được kiểm toán gồm: Cây có giá trị bảo tồn cao, cây lưu giữ, vùng không có cây, gốc cây cao, đất rừng có năng suất thấp, khoảnh rừng xem xét, vùng đệm, gỗ chết, đường băng qua rừng, di tích khảo cổ học, di tích văn hóa, đường mòn và số lượng những cây rụng lá còn sót lại sau khi tỉa thưa. Mỗi cuộc kiểm toán mất khoảng nửa ngày.

Các cuộc kiểm toán tập trung đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với môi trường trong quá trình khai thác, sự tuân thủ hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và các mục tiêu của ngành lâm nghiệp Thụy Điển. Thậm chí, các cuộc kiểm toán còn được áp dụng để cải thiện ĐDSH như tập trung bảo vệ các khu vực nhạy cảm (khu vực có số lượng sinh vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng), tạo ra các gốc cây cao, cung cấp môi trường sống quan trọng cho nhiều loài bị đe dọa.

Kết quả kiểm toán cho thấy, các hoạt động khai thác đều tuân thủ những tiêu chuẩn bảo vệ ĐDSH và quản lý rừng bền vững ở Thụy Điển. Theo kết quả kiểm toán năm 2020, trong một số hạng mục, 90% các hoạt động tuân thủ tiêu chuẩn về bảo vệ ĐDSH và phát triển bền vững. Chuyên gia về Lâm nghiệp và Phát triển bền vững tại Stora Enso Robert Berg nhận định: “Đây là mức độ cao. Việc tuân thủ tiêu chuẩn về bảo vệ ĐDSH gần như không thể đạt được 100% khi chúng tôi làm việc trong môi trường mà các điều kiện rất khác biệt và cảnh quan thay đổi trong suốt cả năm”.
 
4 thành tựu của cuộc “kiểm toán xanh”

Cuộc “kiểm toán xanh” tại Stora Enso đã đúc kết 4 thành tựu đạt được. Những thành tựu này không chỉ có ý nghĩa với công ty khai thác rừng Stora Enso mà còn tác động tích cực đến bảo vệ ĐDSH khu vực rừng tại Thụy Điển.

Một là, hiệu quả công việc được nâng cao. Với 60 ngày thực địa, các chuyên gia về rừng của Stora Enso đã tập trung nghiên cứu đúng hướng. Chuyên gia về Phát triển bền vững tại Stora Enso Hanna Staland nhận định: “Trong các cuộc kiểm toán, chúng tôi theo dõi nhiều cấu trúc rừng và chức năng ĐDSH quan trọng. Điều này giúp nâng cao hiệu quả công việc, mang lại ý nghĩa lớn cho cuộc kiểm toán”.

Nhiều năm nay, các cuộc “kiểm toán xanh” đã được thực hiện tại Stora Enso để đo lường và định lượng tác động của hoạt động lâm nghiệp đối với ĐDSH. Kết quả từ các cuộc kiểm toán là cơ sở để Công ty lựa chọn, xây dựng kế hoạch hoạt động, thiết lập mục tiêu nhằm phát triển bền vững.

Hai là, thúc đẩy ĐDSH thông qua cây gỗ chết. Năm 2020, các phương pháp đo cây gỗ chết mới do Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển (SLU) đề xuất đã được đưa vào áp dụng trong các cuộc “kiểm toán xanh”. “Chúng tôi bắt đầu đo khối lượng cây gỗ chết bằng các ô mẫu, theo dõi mức độ suy thoái của thân cây và đánh giá xem trong suốt quá trình, có gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho những thân cây mục nát trong rừng hay không” - chuyên gia Robert Berg chia sẻ. Theo thời gian, điều này sẽ cung cấp cho Stora Enso một ước tính chính xác về khối lượng và chất lượng của gỗ chết.

Ba là, tập trung bảo vệ các khu vực nhạy cảm. Dựa trên các cuộc đánh giá, Stora Enso có thể đổi mới việc xây dựng kế hoạch và chú ý hơn đến hoạt động của nhóm làm việc gần các khu vực nhạy cảm, tránh gây tác hại cho nguồn đất và nước. Các cuộc “kiểm toán xanh” nhấn mạnh, cần tiếp tục khắc phục những vấn đề liên quan đến những con đường trong rừng. Các con đường được hoạch định tốt có tác động ít hơn nhiều so với các đường không được quy hoạch hoặc xác định bởi nhà quy hoạch rừng.

Bốn là, đào tạo và phát triển quản lý ĐDSH. Nhóm quản lý rừng của Stora Enso ở Thụy Điển đã bắt đầu khắc phục những tác động đối với môi trường. “Chúng tôi sẽ lưu ý các nhóm thu hoạch vào mùa xuân để tránh thiệt hại cho đất và sẽ thảo luận nhiều hơn về cây gỗ chết khi làm việc thực tế tại hiện trường. Đồng thời, khi đánh giá các địa điểm mới khai thác, chúng tôi sẽ cung cấp cho các nhóm thu hoạch những phản hồi về tác động của họ. Chúng tôi cũng có một học viên cao học đang đánh giá công việc của các nhà quy hoạch rừng và tác động của các nhóm khai thác khi làm việc ở những khu vực nhạy cảm” - chuyên gia Hanna Staland cho biết.

Có thể thấy, “kiểm toán xanh” là ví dụ điển hình về kiểm toán để đánh giá tác động của hoạt động lâm nghiệp đến ĐDSH. Kết quả cũng như phương pháp thực hiện các cuộc kiểm toán này sẽ là những kinh nghiệm quý đối với KTNN Việt Nam. Theo đánh giá “ĐDSH tại Việt Nam” do Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học công bố tháng 11/2021, Việt Nam có ĐDSH cao nhưng đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái ngày càng lớn do hoạt động khai thác quá mức. Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản... gây ảnh hưởng lớn đến ĐDSH tại Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để kiểm toán những hoạt động có tác động tới môi trường, nhằm bảo vệ sự ĐDSH, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.

Ths.Hoàng Vũ Kỳ Anh – KTNN chuyên ngành III
(Báo Kiểm toán số 15/2022)

 
 

Xem thêm »