Không để chệch hướng dòng chảy tín dụng

14/04/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Kiểm soát hoạt động cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro là một trong những biện pháp quan trọng giúp hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, không để dòng vốn ngân hàng đi chệch hướng. Đây là chủ trương được ngành ngân hàng đặc biệt chú trọng trong bối cảnh bất động sản, trái phiếu DN… có dấu hiệu tăng nóng.

Từ định hướng của cơ quan quản lý đến động thái của các ngân hàng

Có thể thấy, từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) hạn chế cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro, trong đó có kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, năm 2022, trong bối cảnh bất động sản, trái phiếu DN… có dấu hiệu tăng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, NHNN đã tiếp tục có những chỉ đạo về việc kiểm soát hoạt động cho vay đối với các lĩnh vực này. Minh chứng là ngay từ đầu năm, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các TCTD hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Nhiệm vụ này tiếp tục được cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: Đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu DN… Tiếp đó, tại Công văn số 1976/NHNN-TTGSNH mới đây, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng; trong đó, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để đấu giá đất, kịp thời báo cáo NHNN khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, một số ngân hàng đã tạm dừng hoặc hạn chế cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Đơn cử, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam đã tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3. Hay trong Công văn gửi toàn hệ thống mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín cho biết không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nay đến hết tháng 6/2022. Ngân hàng này đưa ra lý do là hạn mức tín dụng được tạm cấp trong năm 2022 không nhiều nên cần hạn chế cho vay bất động sản để tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên.
 
Cần thiết phải kiểm soát nhưng vẫn nên chọn lọc, cân đối

Nhìn nhận về động thái trên của NHNN cũng như các ngân hàng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kiểm soát tín dụng, hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên thay vì chảy vào các kênh đầu cơ, trong đó có bất động sản, là việc làm cần thiết để giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Cũng theo các chuyên gia, mặc dù NHNN đã rất nỗ lực xử lý sở hữu chéo song việc cho vay sân sau vẫn hết sức phức tạp. “Nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay sân sau, bắt tay với DN bất động sản mua trái phiếu DN để đảo nợ thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của cơ quan thanh tra, giám sát”, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế - cảnh báo.

TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - nhìn nhận giá bất động sản hiện đã tăng 200 - 500% so với thời điểm năm 2013, quy mô thị trường cũng lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Tín dụng bất động sản tăng liên tục trong giai đoạn 2015-2022. Các ngân hàng có tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản lớn rất có thể gặp khó khăn nếu thị trường này giảm thanh khoản. Do vậy, việc thắt chặt cho vay lĩnh vực này là cần thiết để giảm rủi ro trong hoạt động tín dụng.

Tuy vậy, một số ý kiến quan ngại việc siết tín dụng đối với lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng lớn tới dòng tiền của thị trường bất động sản, nhất là những dự án đang triển khai. Do vậy, ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - kiến nghị: “Các ngân hàng không nên khóa van tín dụng bất động sản mà cần siết lại một cách chọn lọc. Nếu tín dụng bị khóa đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ gặp trở ngại trong thanh khoản, DN không trả được nợ vay, ngân hàng sẽ phải đối diện với nguy cơ nợ xấu”.

Liên quan đến vấn đề này, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - lưu ý: “Các ngân hàng phải dựa vào tỷ lệ cho vay đối với bất động sản hiện tại so với tổng dư nợ, cân đối nguồn vốn và các tỷ lệ an toàn... để hạn chế hay là siết chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực này”. Trước đó, ngay từ đầu năm nay, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa dòng tiền chảy vào bất động sản, trái phiếu DN, chứng khoán của những DN có biểu hiện chưa lành mạnh, mang tính chất đầu cơ. Tuy nhiên, đối với mua nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, ngân hàng vẫn sẽ ưu tiên và tạo điều kiện. Đồng thời, NHNN định hướng tín dụng tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Giới chuyên gia kỳ vọng những định hướng này sẽ tiếp tục là giải pháp giúp ngân hàng hạn chế nợ xấu, mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng, đảm bảo dòng chảy tín dụng đi đúng hướng để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, DN, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.

Thành Đức
(Báo Kiểm toán số 15/2022)
 

 

Xem thêm »