Ngăn rủi ro đầu tư trái phiếu thông qua hoạt động kiểm toán

22/04/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trước tình trạng tăng trưởng nóng của trái phiếu DN ở Việt Nam, các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro trong đầu tư vào lĩnh vực này. Nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, hướng đến góp phần phát triển bền vững thị trường trái phiếu DN, việc bổ sung, cụ thể hóa vai trò của kiểm toán độc lập là yêu cầu cần thiết.

Trái phiếu DN ở Việt Nam được phát hành năm 2005 và tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2018-2021 theo cả giá trị tuyệt đối và tương đối tính trên tỷ lệ phần trăm của GDP. Năm 2018, vốn trái phiếu DN đã đạt gần 9% GDP - vượt mức đặt ra 7% của năm 2020.

Giai đoạn 2016-2020, 94% trái phiếu DN phát hành theo phương thức phát hành riêng lẻ, chỉ 6% theo phương thức phát hành ra công chúng. Ở các trái phiếu được phát hành riêng lẻ, chỉ có 37% số trái phiếu DN phát hành theo phương thức riêng lẻ năm 2020 là có bảo đảm (có tài sản bảo đảm hoặc có bảo lãnh thanh toán của bên thứ ba), 63% số trái phiếu DN phát hành theo phương thức riêng lẻ không có bảo đảm. Điều đó cho thấy rủi ro thanh toán đối với nhà đầu tư trái phiếu ở Việt Nam.
 
Cần kiểm toán độc lập việc phát hành trái phiếu riêng lẻ

Trước thực tế trái phiếu DN phát hành riêng lẻ gia tăng nhanh và có tính chất rủi ro cao đối với nhà đầu tư, các quy định pháp lý về lĩnh vực này đã nhanh chóng được cập nhật. Cụ thể, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu DN (Nghị định 163) chỉ quy định báo cáo tài chính (BCTC) năm trước cần được kiểm toán. Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế (Nghị định 153) đã bổ sung quy định BCTC năm trước liền kề của năm phát hành trong hồ sơ chào bán trái phiếu phải được kiểm toán “bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện”. Quy định mới này có tác dụng bảo đảm độ tin cậy của BCTC ở năm liền trước của DN phát hành.

Tuy nhiên, BCTC phản ánh kết quả hoạt động trong quá khứ (cụ thể là năm liền trước khi phát hành) còn trái phiếu phát hành phục vụ các dự án hoạt động ở tương lai xa do tính chất dài hạn của trái phiếu. Do đó, kiểm toán BCTC năm liền trước của DN phát hành sẽ có thể không hữu ích nhiều đối với nhà đầu tư trái phiếu (có lợi ích gắn với kết quả hoạt động của DN phát hành trong tương lai xa). Trong bối cảnh xếp hạng tín nhiệm trái phiếu DN ở Việt Nam còn rất hạn chế, nên bổ sung quy định kiểm toán độc lập đối với phương án phát hành trái phiếu DN riêng lẻ để cung cấp ý kiến độc lập làm cơ sở tham khảo cho nhà đầu tư.

Hơn nữa, trong phương án phát hành, kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu và kế hoạch bố trí nguồn, phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu là những nội dung then chốt, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích trong tương lai của nhà đầu tư trái phiếu DN, nếu được kiểm toán sẽ có ý nghĩa lớn về giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Nhật Bản quy định trách nhiệm của công ty kiểm toán là phát hành báo cáo với ý kiến về bản cáo bạch và bản đăng ký phát hành của DN phát hành.

Về điều kiện phát hành trái phiếu, hiện nay, mặc dù đã được bổ sung nhưng quy định này vẫn còn chung chung, vì vậy, nên cụ thể hóa các chỉ tiêu “tỷ lệ an toàn tài chính” mà kiểm toán độc lập cần đánh giá. Ví dụ, tại Trung Quốc, DN phát hành phải có lợi nhuận có thể phân phối bình quân 3 năm gần nhất đủ để chi trả lãi 1 năm của trái phiếu. Các công ty kiểm toán cũng có thể tham chiếu các chỉ tiêu được công ty xếp hạng tín nhiệm sử dụng như hệ số chi trả lãi vay, nợ vay ròng/EBITDA… để đánh giá an toàn tài chính của DN phát hành.
 
Kiểm toán để giám sát việc sử dụng vốn trái phiếu

Hiện nay, việc giám sát kết quả sử dụng vốn trái phiếu theo Điều 34 Nghị định 153 còn mơ hồ. TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - cho rằng: “Nhà đầu tư không biết nguồn vốn mà mình cho DN vay được sử dụng như thế nào, DN đó có nguy cơ đổ vỡ hay không. Bên cạnh việc đưa ra điều kiện phát hành, điều quan trọng nhất là cơ quan quản lý - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phải ban hành cơ chế giám sát dòng vốn huy động từ trái phiếu của các DN”.

UBCKNN có thể quy định các DN niêm yết đã phát hành trái phiếu định kỳ hằng năm phải báo cáo tình hình sử dụng vốn trái phiếu được DN phát hành và báo cáo đó cần được kiểm toán. Ở mức đơn giản hơn, UBCKNN có thể quy định: Khi kiểm toán BCTC hằng năm của DN niêm yết, DN kiểm toán cần đánh giá tình hình sử dụng vốn trái phiếu DN huy động được, có báo cáo kiểm toán riêng về nội dung này và báo cáo kiểm toán này cũng được công khai như báo cáo kiểm toán về BCTC của DN niêm yết.

Đối với DN chưa niêm yết không thuộc phạm vi giám sát của UBCKNN, trách nhiệm giám sát trái phiếu DN phát hành riêng lẻ có thể quy định cho đơn vị tư vấn phát hành. Đây cũng là thông lệ của nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, chính sách quản lý cần phải quy định chặt chẽ hơn nữa về trách nhiệm của nhà tư vấn phát hành. Do phần lớn các DN phát hành trái phiếu của Việt Nam theo phương thức tự phát hành nên trách nhiệm giám sát tình hình sử dụng vốn trái phiếu huy động có thể giao cho kiểm toán độc lập.

Hiện tại, Điều 21 Nghị định 153 quy định DN phát hành định kỳ 6 tháng và hằng năm phải công bố báo cáo tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu. Để bảo đảm tính khách quan và độ tin cậy cho nhà đầu tư, báo cáo tình hình sử dụng vốn cần được kiểm toán độc lập xác minh và đưa ra ý kiến, ít ra là đối với báo cáo sử dụng vốn lập hằng năm.

Gần đây, nhiều DN phát hành đã dùng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu, nhưng sau đó, những DN này lại phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn, đồng nghĩa giá trị cổ phiếu bị pha loãng và tài sản bảo đảm cho trái phiếu cũng “bay hơi”. Do đó, nên bổ sung quy định: DN không được phát hành thêm cổ phiếu nếu tài sản thế chấp của trái phiếu phát hành là cổ phiếu của DN phát hành, trách nhiệm giám sát có thể quy định cho Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, quy định thêm trách nhiệm của kiểm toán độc lập khi kiểm toán BCTC hằng năm của DN phát hành là xác minh sự việc này (nếu có) và lưu ý người đọc (trái chủ) bằng việc bổ sung trong báo cáo kiểm toán đoạn giải thích về sự việc này.

Xem thêm »