Trí tuệ nhân tạo - những yêu cầu đối với kế toán, kiểm toán viên

28/04/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm nhiều công việc chuyên môn hằng ngày của các kế toán viên, kiểm toán viên. Tuy nhiên, đây chỉ là công cụ hỗ trợ và không thể thay thế con người. Trong thực tế, việc AI đảm nhiệm những công việc thông thường sẽ giúp kế toán viên, kiểm toán viên nâng cao vai trò tư vấn, tập trung vào quá trình cải thiện, kiểm soát chi phí và thông tin.

AI giúp nâng cao năng suất và hiệu quả công việc

AI cùng với hệ thống đám mây có khả năng tính toán khối lượng dữ liệu lớn trong khoảng thời gian ngắn. Công nghệ này mang đến nhiều lợi ích khi tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí, tăng năng suất và cung cấp các kết quả chính xác cho tổ chức. Với thế mạnh như vậy, AI đã cung cấp cho các nhân viên kế toán khối lượng dữ liệu lớn, độ tin cậy cao, rút ngắn thời gian lập báo cáo nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả.

Ngoài khả năng tính toán, với việc phát triển và tích hợp nhiều khả năng mới, AI có thể phát hiện các lỗi, ngăn chặn chuỗi sai sót và quản lý mọi văn bản trong DN. AI cũng có thể kiểm tra theo các quy định trong luật, từ đó đưa ra cảnh báo để kế toán viên kiểm tra kỹ hơn. Ngày nay, AI còn có thể tự động hóa dữ liệu đầu vào thông qua việc đọc, phân tích và kiểm tra dữ liệu. Thậm chí, AI có thể hỗ trợ và thay thế kế toán viên hằng tháng hoặc hằng quý khóa sổ kế toán.

Một điểm mạnh nữa là AI phát hiện những vấn đề tiềm ẩn, những xu hướng và những lợi thế mà DN đang có so với đối thủ cạnh tranh. Những vấn đề nội bộ này khi được thực hiện đúng thời gian sẽ đẩy nhanh việc đưa ra các quyết định trên cơ sở phân tích các dữ liệu. Đồng thời, AI hỗ trợ đưa ra những dự báo giúp việc lập chiến lược và thực hiện các hành động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, AI có thể kiểm toán 100% tài liệu các công ty thay thế cho việc kiểm tra mẫu như kiểm toán viên vẫn làm, tạo nên sự chính xác và hiệu quả hơn. AI có thể đánh giá nhanh tất cả các dữ liệu, dự đoán những mô hình phức tạp, nhận định rủi ro và ngăn chặn chúng.

Các chuyên gia đều công nhận rằng, AI có thể giúp các kế toán viên, kiểm toán viên nâng cao năng suất và hiệu quả. 80 - 90% người làm công tác kế toán, kiểm toán giảm thời gian thực hiện các công việc thông thường. Không chỉ vậy, lĩnh vực kế toán, kiểm toán có nhiều quy định buộc phải tuân thủ với phạm vi từ nội bộ tổ chức đến địa phương và luật quốc gia. AI hoàn toàn có thể hỗ trợ các kế toán viên, kiểm toán viên tuân thủ quy định và đối chiếu kết quả thực hiện với các quy định hiện hành.
 
Đào tạo kỹ năng để tận dụng hiệu quả AI


Trong giai đoạn công nghệ bùng nổ, cùng với kiến thức chuyên môn, những người làm công tác kế toán, kiểm toán phải làm quen với công nghệ và bắt buộc phải có kiến thức cơ bản về quản lý dữ liệu. Những yêu cầu kỹ năng cơ bản là hiểu về học máy (ML) - một công nghệ phát triển từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với các khuôn mẫu được áp dụng dựa vào sự tồn tại của dữ liệu và “dạy” máy tính sử dụng dữ liệu.

Cùng với các kỹ năng công nghệ, kế toán, kiểm toán viên cần có kỹ năng phân tích dữ liệu lớn. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, có một sự thay đổi lớn về yêu cầu kỹ năng đối với thị trường lao động và phân tích dữ liệu lớn đóng vai trò trung tâm. Đây có thể xem là một lợi thế với các kế toán, kiểm toán viên trẻ ít kinh nghiệm nhưng thành thạo công nghệ bởi họ có cơ hội để sáng tạo và đề xuất các cách thức phân tích dữ liệu hữu ích.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc và Hiệp hội Kế toán quản trị Hoa Kỳ, ba lĩnh vực liên quan đến công nghệ đóng góp quan trọng vào sự thành công của tổ chức là: Định giá tài sản dữ liệu, sử dụng dữ liệu lớn trong việc ra quyết định và sử dụng dữ liệu lớn trong quản lý rủi ro. Những người làm công tác kế toán, kiểm toán phải được đào tạo tốt để thu thập và phân tích dữ liệu, từ đó hỗ trợ ban lãnh đạo ra quyết định và giúp xác định cách thức kinh doanh phù hợp.

Công nghệ là công cụ hỗ trợ nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người. Vì vậy, sự thận trọng và hoài nghi vẫn là yêu cầu cơ bản đối với người làm nghề kế toán, kiểm toán, trong đó có việc kiểm tra và cải thiện chất lượng dữ liệu. Hơn nữa, kỹ năng giao tiếp và phản biện sẽ càng trở nên quan trọng trong giai đoạn công nghệ bùng nổ. Theo đó, các kỹ năng giao tiếp quan trọng đối với người làm kế toán, kiểm toán là: Trình bày, uy tín, tự tin, thân thiện, giao tiếp bằng mắt, hiểu quan điểm của mọi người, cung cấp và nhận phản hồi. Còn kỹ năng tư duy phản biện sẽ là yêu cầu cơ bản đối với công việc thực tiễn hằng ngày và phải trở thành mục tiêu chính trong chương trình đào tạo chuyên nghiệp.

Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ và không chỉ giới hạn ở ML, dữ liệu lớn hay phân tích, các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo ban đầu. Vì vậy, các trường cần chủ động xem xét lại chương trình đào tạo cũng như tính phù hợp với thực tiễn. Phương pháp tiếp cận liên ngành nên được áp dụng trong toàn bộ chương trình học, đồng thời, các trường đào tạo cần có trách nhiệm đáp ứng kịp thời yêu cầu của cử nhân và xã hội. Trong thực tế, khoảng cách giữa việc học và thực hành luôn tồn tại. Do đó, việc hợp tác và nâng tầm thành đối tác giữa cơ sở đào tạo với các DN, tổ chức, hội nghề nghiệp là điều kiện tiên quyết để sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng thành công.

Xem thêm »