Ba yêu cầu lớn trong Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030

17/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành kiểm toán độc lập sẽ phải đối mặt với những thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội để nắm bắt và phát triển trong những năm tiếp theo.

Cùng với việc mở cửa và phát triển của nền kinh tế thị trường, hoạt động kiểm toán độc lập đã hình thành và trở thành nhu cầu tất yếu đối với DN và nền kinh tế Việt Nam. Trải qua hơn 30 năm hoạt động và phát triển, vị thế của kiểm toán độc lập ngày càng được khẳng định và có vai trò rõ nét hơn trong việc nâng cao chất lượng thông tin tài chính của các DN.

Tuy nhiên, đứng trước những chuyển động nhanh chóng của thị trường và nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 tại Quyết định số 633/QĐ/TTg ngày 23/5/2022. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin, số liệu kinh tế, tài chính trong nền kinh tế quốc dân.

Chiến lược có ba yêu cầu chính sẽ buộc ngành kiểm toán độc lập đối mặt với những thách thức, nhưng đồng thời cũng gia tăng các cơ hội trong những năm tiếp theo. Cụ thể:

Thứ nhất, đối tượng kiểm toán bắt buộc sẽ được mở rộng do yêu cầu đến năm 2025, đảm bảo 100% DN, đơn vị có quy mô lớn được kiểm toán báo cáo tài chính, không phân biệt loại hình hoạt động, hình thức sở hữu. Việc mở rộng đối tượng bắt buộc phải kiểm toán đòi hỏi các công ty kiểm toán cần chuẩn bị đầy đủ nguồn lực đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu này, đặc biệt là đối với các DN được kiểm toán năm đầu tiên.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống quy định về kế toán - kiểm toán, bao gồm đề xuất Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, xây dựng khung pháp lý để áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) theo lộ trình phù hợp, cập nhật hệ thống Chuẩn mực Báo cáo tài chính của Việt Nam (VFRS), chuẩn mực kiểm toán độc lập, chuẩn mực kiểm toán nội bộ trên cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.

Mục tiêu kiện toàn hệ thống quy định kiểm toán đòi hỏi sự tham gia, đóng góp của Bộ Tài chính, sự phối hợp của các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, các trường đại học, các DN lớn và các hãng kiểm toán, đặc biệt là các hãng toàn cầu có kinh nghiệm kiểm toán thực tiễn các công ty đa quốc gia, am hiểu về hệ thống IFRS, thông lệ quốc tế khác và có hệ thống mạng lưới các công ty kiểm toán trên toàn cầu.

Trong thời gian qua, các chương trình hợp tác giữa Bộ Tài chính và cơ quan hợp tác quốc tế như Diễn đàn trao đổi về áp dụng IFRS tại Việt Nam do Cục Quản lý, Giám sát kế toán, kiểm toán và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, cùng sự tham gia của đối tác tư vấn Deloitte đã thực sự hỗ trợ các đơn vị ngay từ những bước đầu trong quá trình áp dụng IFRS.

Sự chuyển dịch hướng tới tiếp cận các thông lệ quốc tế của các luật kế toán, kiểm toán và các văn bản quy phạm pháp luật buộc các hãng kiểm toán tại Việt Nam phải tăng cường đào tạo, thiết kế, đổi mới các chương trình đào tạo nhằm phù hợp với sự thay đổi của các luật, chuẩn mực và văn bản quy phạm pháp luật này. Từ đó, các hãng kiểm toán xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, thông hiểu VFRS khi cung cấp dịch vụ tới các tổ chức kinh tế.

Thứ ba, chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đồng nghĩa với việc cần đẩy mạnh công tác triển khai, áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với quá trình chuyển đổi số, tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến kế toán - kiểm toán phục vụ hoạt động của các đơn vị và hoạt động quản lý, giám sát kế toán - kiểm toán. Các DN cũng cần áp dụng các phần mềm kiểm toán công nghệ hiện đại và có sự tham gia chuyên sâu hơn của các chuyên gia về công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ.

Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2030 với những mục tiêu rõ ràng liên quan đến số hóa, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng đến các thông lệ quốc tế, quy định cụ thể và mở rộng đối tượng bắt buộc kiểm toán đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức nghề nghiệp và các DN. Đây là một thách thức lớn trong việc sửa đổi, thiết lập và thực thi hành lang pháp lý cho các DN áp dụng IFRS và VFRS.

Vượt qua những khó khăn, thách thức ở giai đoạn ban đầu, ngành kiểm toán độc lập gián tiếp đóng góp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Việc áp dụng IFRS và VFRS dần tiệm cận với quốc tế nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của hội đồng quản trị và ban điều hành. Báo cáo tài chính lập theo chuẩn mực quốc tế là một trong số các công cụ trợ giúp DN thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam./.
 
Bà Trần Thị Thúy Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam
(Báo Kiểm toán số Kỷ niệm 10 năm thành lập)

Xem thêm »