Thụy Điển: Cơ quan Kiểm toán đánh giá sự quản lý của Chính phủ đối với các công ty Nhà nước hướng tới mục tiêu kinh doanh bền vững

06/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(KTNN Thuỵ Điển - SNAO) - Ngày 7/6/2021 cho biết, Quốc hội Thụy Điển đã quyết định rằng các công ty Nhà nước phải là những ví dụ điển hình về kinh doanh bền vững. Cuộc kiểm toán của SNAO cho thấy Chính phủ cần làm rõ, củng cố và theo dõi hoạt động quản trị của mình nếu muốn đạt được những tham vọng này. Nhà nước sở hữu toàn bộ hoặc một phần 46 công ty trách nhiệm hữu hạn với tổng giá trị khoảng 640 tỷ SEK (năm 2019).

Theo Quốc hội, các công ty nên làm gương trong việc kinh doanh bền vững với đặc trưng là tính cởi mở, trong đó thúc đẩy một môi trường làm việc tốt, điều kiện làm việc tốt, tôn trọng quyền con người và tăng cường bình đẳng giới. Trong lĩnh vực môi trường, Chính phủ đặt ra các yêu cầu về giảm thiểu tác động đến khí hậu và môi trường. SNAO đã kiểm toán để xác định liệu sự quản lý của Chính phủ đối với các công ty nhà nước có giúp đạt được tham vọng kinh doanh bền vững hay không và việc quản trị được thực hiện như thế nào?

Cuộc kiểm toán cho thấy Chính phủ quản lý tập trung vào các vấn đề và quy trình tổng thể hơn là dựa vào kết quả và tiến độ cụ thể. SNAO cho rằng Chính phủ cần xác định rõ ràng các hướng dẫn mà các công ty phải tuân theo và điều này có ý nghĩa như thế nào trong thực tế. Cuộc kiểm toán cũng cho biết thông tin mà Chính phủ cung cấp cho Quốc hội về hoạt động bền vững của các công ty nhà nước đã chứa đựng nhiều yếu tố cần thiết, nhưng rất khó để có được bức tranh tổng thể về sự phát triển về mặt môi trường và xã hội của các công ty.

Theo SNAO, thông tin mà các công ty cung cấp cho Nhà nước cần đầy đủ và toàn diện hơn. Theo đó, cần đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với các công ty Nhà nước trong việc nộp báo cáo phát triển bền vững đầy đủ và có thể so sánh được tương tự như báo cáo tài chính. Báo cáo kiến nghị Chính phủ: Tiến hành theo dõi thường xuyên và có hệ thống hơn các hoạt động kinh doanh bền vững của các công ty Nhà nước; Làm rõ các hướng dẫn mà các công ty Nhà nước phải tuân thủ; Xem xét nâng cao các yêu cầu liên quan đến báo cáo tính bền vững của các công ty; Nâng cao chất lượng thông tin báo cáo cho Quốc hội./.

(Theo Bản tin quốc tế KTNN số 103)

Xem thêm »