Kiểm toán việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường: Đổi mới theo hướng tiền kiểm thay vì hậu kiểm

08/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) những năm qua đã chỉ rõ nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường (SNMT). Tuy nhiên, để đánh giá tốt hơn tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này, KTNN cần đổi mới hình thức tổ chức kiểm toán theo hướng tiền kiểm thay vì hậu kiểm.

Công tác tổ chức kiểm toán cần được hoàn thiện để nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường.

Trong cơ cấu chi ngân sách địa phương, kinh phí SNMT luôn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là tại các đô thị phát triển. Việc quản lý, sử dụng kinh phí SNMT ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống của người dân. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân rất quan tâm đến vấn đề này, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí SNMT, hoạt động kiểm toán của KTNN đóng vai trò quan trọng.

Nhiều phát hiện nổi bật về sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường

Theo nghiên cứu của ThS. Nguyễn Văn Quang và CN. Trần Thị Khánh Ngà (KTNN khu vực XIII), hằng năm, các KTNN khu vực đã tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí SNMT lồng ghép trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương. Cụ thể, KTNN thường xuyên chọn mẫu kinh phí SNMT trong tổng nguồn kinh phí sự nghiệp khác khi kiểm toán tại các cơ quan tổng hợp. Qua đó, KTNN đã chỉ ra các sai phạm tại các đơn vị sử dụng kinh phí SNMT như: Áp dụng sai định mức, khối lượng trong lập dự toán; việc nghiệm thu, quyết toán chưa chặt chẽ… Những sai sót này một phần nguyên nhân đến từ đơn vị sử dụng kinh phí SNMT, nhưng cũng không ít trường hợp do cơ chế, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước ban hành chưa rõ ràng, còn nhiều lỗ hổng.

Ngoài ra, các đoàn kiểm toán còn phát hiện nhiều vấn đề liên quan đến công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Đơn cử, tại KTNN khu vực XIII, từ năm 2018-2020, các đoàn kiểm toán đã chỉ rõ chất thải rắn sinh hoạt chỉ được chôn lấp, đơn vị xử lý không áp dụng công nghệ để xử lý thành phân vi sinh (tỉnh Đồng Nai). Điều này không những gây thất thoát ngân sách nhà nước rất lớn mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

Đối với công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải, cách tính toán khối lượng, cự ly vận chuyển rác không chính xác, không phân tuyến thu gom rác để xác định cự ly. Nhiều tỉnh không giám sát, nghiệm thu, xác nhận khối lượng rác mà căn cứ theo xác nhận của doanh nghiệp xử lý rác, hoặc có kết nối camera tại nơi xử lý rác nhưng không phân công người theo dõi, thống kê để đối chiếu… dẫn tới khối lượng rác nghiệm thu không đảm bảo tính pháp lý, tính chính xác. Cá biệt, một số đơn vị chưa phân loại chất thải nguy hại từ chất thải sinh hoạt để chuyển sang quản lý theo quy định, dùng kinh phí ngân sách mua xe chuyên dùng phục vụ công tác vệ sinh môi trường nhưng giao xe cho doanh nghiệp sử dụng để thực hiện công tác vệ sinh môi trường không đúng với Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước…

Mặc dù công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí SNMT đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thực tế cho thấy, môi trường là lĩnh vực khó, đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn sâu, trong khi số lượng kiểm toán viên hiểu biết chuyên sâu về công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Một vấn đề nữa là hiện nay, KTNN vẫn chưa có hướng dẫn đối với công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí SNMT nên các đoàn kiểm toán còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đáng lưu ý, hầu hết các cuộc kiểm toán hiện nay đều là các cuộc kiểm toán tuân thủ và hậu kiểm nên khả năng phòng ngừa, đưa ra cảnh báo thường chậm so với yêu cầu thực tế.

 

Hoàn thiện công tác tổ chức kiểm toán

Theo nhóm tác giả, để nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí SNMT, công tác tổ chức kiểm toán cần được hoàn thiện. Trước hết, việc xác định mục tiêu kiểm toán kinh phí SNMT phải phù hợp với mục tiêu kiểm toán chung. Căn cứ vào mục tiêu, các đánh giá về rủi ro, trọng yếu và kinh nghiệm kiểm toán qua các năm, đoàn kiểm toán xác định cụ thể trọng tâm, nội dung kiểm toán tại từng đơn vị được kiểm toán.

Đối với lĩnh vực môi trường, KTNN cần thay đổi theo hướng tiền kiểm thay vì hậu kiểm, đồng thời hướng tới kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí SNMT. KTNN có thể giao KTNN các khu vực chủ trì xây dựng đề cương kiểm toán, trong đó, các mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán được cụ thể hóa. Các KTNN khu vực có thể xem xét việc tổ chức thành tổ kiểm toán riêng biệt hoặc chuyên đề riêng để kiểm toán chuyên sâu hơn đối với lĩnh vực môi trường.

Để khắc phục vấn đề chuyên môn và nhân sự, các đoàn kiểm toán tăng cường sử dụng ý kiến chuyên gia hoặc các ý kiến tư vấn của những người có chuyên môn trong lĩnh vực môi trường. Việc sử dụng chuyên gia sẽ giúp thu thập các bằng chứng kiểm toán thích hợp và chất lượng kiểm toán được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, các kiểm toán viên cũng phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết khi kiểm toán lĩnh vực đặc thù.

Một yêu cầu bắt buộc là các đoàn kiểm toán cần xác định cụ thể phương pháp kiểm toán, đồng thời tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Các KTNN khu vực cần tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính và kết quả hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhận phản hồi từ các đơn vị được kiểm toán về nguyên nhân chưa thực hiện các kiến nghị liên quan đến kinh phí SNMT./.

Theo Báo Kiểm toán 
 

Xem thêm »