Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và những vấn đề đặt ra qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước  

08/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Quyết toán ngân sách nhà nước là khâu cuối cùng trong một chu trình ngân sách nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện ngân sách cũng như chính sách tài khóa năm đã qua. Kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm góp phần công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, là cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Năm 2020 là năm cuối kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020, năm đầu tiên ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bài viết này luận bàn một số vấn đề đặt ra trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thông qua kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm.

Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước 

Kiểm toán nhà nước ra đời trong công cuộc đổi mới của đất nước và tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia. Với địa vị pháp lý là “cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” (Điều 118 Hiến pháp năm 2013), Kiểm toán nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm tính minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình về hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ngay từ khi được thành lập, Nghị định số 70-CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ đã quy định Kiểm toán nhà nước có chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của báo cáo quyết toán của các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước. Nghị định 93/2003/NĐ-CP ngày 13/8/2003 của Chính phủ đã quy định, bổ sung chức năng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các cấp và báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước. Hiện nay, theo quy định hiện hành, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 và Luật ngân sách nhà nước năm 2015 đều quy định nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước trình ý kiến của Kiểm toán nhà nước để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (khoản 4 Điều 10 Luật Kiểm toán nhà nước, khoản 2 Điều 23 Luật ngân sách nhà nước).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, hằng năm Kiểm toán nhà nước đã hoàn thành kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước. Thông qua việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, Kiểm toán nhà nước đánh giá, kết luận, kiến nghị về việc chấp hành dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của số liệu quyết toán; cung cấp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thông tin kết quả kiểm toán làm căn cứ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; góp phần tăng cường năng lực thẩm tra, quyết định, giám sát ngân sách nhà nước của Quốc hội. Kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước qua các năm thể hiện chủ yếu trên các mặt:

Một là, Kiểm toán nhà nước đã có những đánh giá xác đáng về những tồn tại hạn chế trong từng khâu của chu trình ngân sách nhà nước, gồm:

- Về công tác lập và giao dự toán

+ Cơ sở xây dựng dự toán thu chưa đảm bảo yêu cầu (số ước thực hiện thu thường thấp hơn thực tế, dự toán chưa bao quát hết nguồn thu). Dự toán thu Trung ương giao chưa sát thực tế tiềm năng kinh tế của địa phương, chưa tạo sự chủ động trong khai thác nguồn thu trên địa bàn. Dự toán thu Trung ương giao theo từng địa phương, từng lĩnh vực thu còn chưa phù hợp dẫn đến hụt thu hoặc vượt thu lớn. Tương tự tại cấp ngân sách địa phương, hội đồng nhân dân địa phương giao dự toán thu cho ngân sách cấp dưới và các đơn vị thiếu cơ sở, chưa phù hợp khả năng thực hiện.

+ Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước: Kiểm toán nhà nước đánh giá căn cứ, cơ sở lập và giao dự toán, qua đó đánh giá hiệu quả công tác dự toán chi trong điều kiện khả năng cân đối ngân sách có hạn. Kết quả kiểm toán cho thấy kế hoạch vốn đầu tư còn dàn trải, không tập trung, việc phân bổ không đảm bảo thứ tự ưu tiên khi nguồn lực có hạn; còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư cho những dự án chưa đủ điều kiện thủ tục quy định, không đúng đối tượng. Các tồn tại trên trong công tác lập, giao kế hoạch vốn đầu tư dẫn tới các hệ quả như nợ xây dựng cơ bản phát sinh, chậm giải ngân, chuyển nguồn, hủy dự toán…, lãng phí, thiếu hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư trong bối cảnh ngân sách nhà nước hằng năm đều bội chi cho chi đầu tư phát triển. Dự toán chi thường xuyên xây dựng chưa đúng theo hướng dẫn của Trung ương về định mức, cơ cấu chi; một số bộ, cơ quan trung ương còn giao dự toán chậm, thiếu căn cứ cơ sở; hội đồng nhân dân địa phương giao dự toán chi chưa phù hợp với định hướng lĩnh vực chi, nội dung chi theo dự toán Trung ương, chưa đảm bảo các yêu cầu về dự phòng ngân sách…

- Về thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước

+ Thu ngân sách nhà nước: Kiểm toán nhà nước đánh giá việc tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý thu của địa phương và cơ quan thuế theo quy định các Luật thuế; tính tuân thủ trong giải quyết các chính sách thuế đối với đối tượng nộp thuế; việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước.

+ Chi ngân sách nhà nước: Kết quả kiểm toán trong những năm qua cung cấp thông tin chi tiết về tính đúng đắn và phù hợp quy định của pháp luật đối với số liệu quyết toán chi đầu tư xây dựng; đánh giá tình trạng nợ đọng đầu tư; việc chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng ở các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quyết toán dự án đầu tư hoàn thành. Đánh giá việc chấp hành dự toán chi thường xuyên của các đơn vị dự toán, việc tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ và điều kiện thanh, quyết toán… Đ­ưa ra các ý kiến đánh giá, nhận xét giúp các đơn vị sử dụng kinh phí đúng mục đích, nhằm tiết kiệm các nguồn lực tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nư­ớc và các chư­ơng trình, dự án trọng điểm quốc gia có sử dụng ngân sách nhà nước lớn. Đồng thời hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đang góp phần vào mặt trận đấu tranh chống lãng phí, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy hành chính nhà nư­ớc.

- Công tác kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước: Kết quả kiểm toán đã chỉ ra các sai sót trong quyết toán ngân sách nhà nước khi chưa phản ánh đúng, đủ số thu, số chi ngân sách nhà nước thực tế phát sinh trong năm; việc chuyển nguồn chưa đúng quy định, chuyển nguồn lớn, kết dư ngân sách lớn,…; công tác lập, thẩm định, xét duyệt, quyết toán ngân sách các cấp chậm, chưa đảm bảo quy trình thủ tục; bên cạnh đó còn một số bất cập về chế độ hạch toán kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước.

Hai là, qua kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, Kiểm toán nhà nước cung cấp thông tin về nợ công, là thông tin vô cùng quan trọng làm cơ sở để phản ánh mức độ an toàn của nền tài chính quốc gia. Kiểm toán nhà nước đã nêu bật những bất cập trong triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công từ khi Luật có hiệu lực, những hạn chế, tồn tại trong tổ chức quản lý các khoản nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương hay quản lý Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài đã được xem xét, đánh giá một cách trung thực, khách quan phù hợp với quy định của pháp luật. Qua đó, Kiểm toán nhà nước đã có ý kiến về tính chính xác đối với các khoản nợ, tỷ lệ nợ công so với GDP làm cơ sở cho việc đánh giá đúng tình hình tài chính quốc gia.

Ba là, không chỉ kiểm toán tính tuân thủ, khi kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, Kiểm toán nhà nước còn chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước. Đánh giá hiệu quả việc huy động, sử dụng nguồn lực nhà nước, bao gồm tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các hoạt động sử dụng ngân sách nhà nước; việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách tài chính, tiền tệ của Quốc hội, Chính phủ.

Bốn là, ngoài các kiến nghị tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước, với quan điểm đảm bảo minh bạch, chống thất thoát từ cơ chế, chính sách điều hành, từ thực tiễn kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, Kiểm toán nhà nước đã phân tích, đánh giá những bất cập, hạn chế của cơ chế, chính sách để đưa ra kiến nghị và phần lớn các kiến nghị đã được các đơn vị tiếp thu chỉnh sửa để văn bản phù hợp với thực tế.

Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và những vấn đề đặt ra thông qua kết quả kiểm toán

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020; theo đó: Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300 tỷ đồng, tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.747.100 tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước là 234.800 tỷ đồng, tương đương 3,44% GDP kế hoạch.

Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội và cân đối thu, chi ngân sách nhà nước, Quốc hội đã có Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020  cho phép điều hành tăng tối đa bội chi ngân sách trung ương 133.500 tỷ đồng để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước năm 2020, tương ứng mức bội chi ngân sách nhà nước 5,41% GDP kế hoạch.

Theo Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn: Quyết toán thu ngân sách nhà nước đạt trên 98% dự toán, quyết toán chi ngân sách nhà nước dưới 97% dự toán, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát 3,44% GDP thực hiện, tương ứng mức bội chi đầu năm, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, thông qua kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, một số vấn đề đặt ra trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước như sau:

* Về thu ngân sách nhà nước

- Tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện đến nền kinh tế, là nguyên nhân khách quan dẫn đến hụt thu ngân sách nhà nước năm 2020; trong đó: Một số khoản thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh (khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh) chiếm trên 50% tổng thu nội địa nhưng đều hụt thu, thực hiện chưa đến 90% dự toán giao; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng chỉ bằng 85,3% so với dự toán giao. Thu ngân sách nhà nước chịu ảnh hưởng tác động kép bởi dịch COVID-19: Việc hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ ảnh hưởng đến suy giảm nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí; việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế của nhà nước cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch cũng dẫn tới giảm thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn.

- Chất lượng công tác dự báo thu còn hạn chế khi tình trạng thu tiền sử dụng đất vượt cao so với dự toán, là thực tế diễn ra nhiều năm nay: năm 2016 vượt 99% dự toán, năm 2017 vượt 96%, năm 2018 vượt 82%, năm 2019 vượt 70%, và quyết toán thu năm 2020 vượt 80% dự toán. Bên cạnh nguyên nhân chất lượng công tác dự báo chưa sát với khả năng nguồn thu; nguyên nhân khác do nguồn thu tiền sử dụng đất là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% theo phân cấp, chủ yếu bố trí chi đầu tư phát triển, tỷ trọng nguồn thu tiền sử dụng đất chiếm quy mô lớn trong cân đối thu chi ngân sách địa phương, nếu các địa phương dự toán cao dễ dẫn tới rủi ro mất cân đối ngân sách địa phương, phát sinh nợ xây dựng cơ bản trường hợp hụt thu tiền sử dụng đất khi diễn biến thị trường bất động sản không như dự báo.

- Dự báo nhu cầu hoàn thuế giá trị gia tăng chưa sát với số phải hoàn trong năm dẫn đến hoàn vượt dự toán Quốc hội quyết nghị trên 7 nghìn tỷ đồng, hạn chế này không phải là năm đầu tiên (Năm 2018 vượt 7.783 tỷ đồng, năm 2019 vượt 21.742 tỷ đồng). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 hụt lớn, 14,7% dự toán (tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 93% dự toán, sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng, thu cân đối bằng 85,3% so với dự toán giao). Mặc dù việc chi hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, Quốc hội không giao dự toán chi hoàn thuế trong dự toán chi cân đối ngân sách, song Bộ Tài chính cần nâng cao hơn chất lượng dự báo, hạn chế chênh lệch lớn giữa dự toán và thực chi hoàn nhằm đảm bảo tính chủ động trong cân đối ngân sách.

Ngoài ra, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vẫn diễn ra tại các đơn vị được kiểm toán, đối chiếu. Kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước xác định số phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm trên 8 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù còn những hạn chế nhất định, đánh giá về tổng thể, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 tới tăng trưởng kinh tế (GDP năm 2020 đạt 2,91% so với kế hoạch 6,8%) và việc thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2020 cho thấy sự nỗ lực và hiệu quả điều hành, tổ chức huy động các nguồn thu trong năm của các cơ quan quản lý thuế.

Kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2020 cũng là dấu mốc để đánh giá việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020 tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội; theo đó với kết quả quyết toán thu ngân sách nhà nước khoảng 24% GDP thực hiện, đạt mục tiêu quy mô thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2026 - 2020 đề ra (không thấp hơn 23,5%). Tỷ trọng thu nội địa đạt 85,6% tổng thu ngân sách nhà nước, đạt mục tiêu tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84% đến 85% tại Nghị quyết số 25/2016/QH14, đã góp phần bù đắp xu hướng giảm thu từ dầu thô và thu từ thuế xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên trong cơ cấu quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2020, thu từ thuế, phí, lệ phí còn khoảng cách xa so với mục tiêu 21% GDP cho thấy sự phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ tài nguyên (tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, cho thuê mặt nước, cấp quyền khai thác khoáng sản...) hay nguồn thu từ thu hồi vốn nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế, thu cổ tức, lợi nhuận được chia từ vốn góp của Nhà nước. Trong bối cảnh dịch COVID-19 cần phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với yêu cầu cắt giảm thuế quan theo cam kết tại các hiệp định thương mại, thực sự là thách thức, rào cản ảnh hưởng đến việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế theo lộ trình cải cách nhằm củng cố sự bền vững của quy mô và cơ cấu động viên thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đánh giá theo phân cấp ngân sách nhà nước, thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp chiếm gần 48% tổng thu ngân sách nhà nước, có xu hướng tăng dần qua các năm trong giai đoạn 2016 - 2020 (năm 2018 là 45%, năm 2019 là 45,7%), là vấn đề đáng lưu ý trong phân cấp, điều tiết thu ngân sách nhà nước giai đoạn sau nhằm đảm bảo định hướng ngân sách trung ương nắm vai trò chủ đạo.

* Về chi ngân sách nhà nước:

- Cơ cấu chi ngân sách nhà nước theo chiều hướng tích cực (Quyết toán chi đầu tư phát triển trên 33% tổng chi ngân sách nhà nước, quyết toán chi thường xuyên dưới 60% tổng chi ngân sách nhà nước) so với mục tiêu kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020 tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25% đến 26% tổng chi ngân sách nhà nước, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước).

- Các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã có hiệu quả khi quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2020 vượt dự toán (năm 2018, năm 2019 đều không đạt dự toán), mặc dù khó khăn trong việc triển khai các dự án trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên tỷ lệ thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương chưa tới 90% dự toán, trong khi chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương vượt trên 25% dự toán, cho thấy vấn đề hiệu quả giải ngân chi đầu tư phát triển của các bộ, cơ quan trung ương cần phải được quan tâm hơn nữa.

Kết quả kiểm toán cho thấy một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân chi đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước thấp đã phần nào làm giảm hiệu quả đầu tư của nguồn vốn vay nước ngoài. Thực tế kế hoạch vốn ngoài nước năm 2020 phải hủy dự toán trên 14,5 nghìn tỷ đồng, trong khi đó còn không ít trường hợp vốn vay nước ngoài đã giải ngân cho đầu tư phát triển từ năm 2019 trở về trước của nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa hạch toán vào ngân sách nhà nước do chưa được bố trí kế hoạch vốn. Khoản 3 Điều 51 Luật ngân sách nhà nước đã quy định “3. Chi đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ nhà tài trợ chưa được dự toán hoặc vượt so với dự toán được giao, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.”; do đó Chính phủ cần có báo cáo, giải pháp khắc phục kịp thời về tồn tại, hạn chế trên.

 - Quyết toán chi ngân sách trung ương cho hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đảng - đoàn thể đạt 84,6%, trong khi đó các nội dung chi cho y tế, chi đảm bảo xã hội quyết toán đạt tỷ lệ cao so dự toán cho thấy hiệu quả hành động của Chính phủ trong việc nỗ lực giảm tỷ lệ chi thường xuyên gắn với cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cắt giảm nhiều nhiệm vụ chi không cần thiết nhằm tập trung nguồn lực cho việc phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ cho người lao động, người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, một số khoản chi sự nghiệp ngân sách trung ương có tỷ lệ thực hiện thấp: Chi bảo vệ môi trường 47,4%; chi văn hoá thông tin 61,5%; chi thể dục thể thao 75,2%; đặc biệt chi bảo vệ môi trường trong những năm gần đây đều dưới 50% (Năm 2018 đạt 49,8%; năm 2019 đạt 34,8%) đặt ra vấn đề cần được làm rõ nguyên nhân do chất lượng công tác dự toán hay do việc chấp hành dự toán còn tồn tại, hạn chế?

- Quyết toán chi chuyển nguồn tăng, làm giảm hiệu lực dự toán đã được Quốc hội quyết nghị, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước trong bối cảnh cân đối thu, chi ngân sách còn khó khăn. Chính phủ cần báo cáo rõ cơ cấu các nội dung chi chuyển nguồn theo các nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp khắc phục hữu hiệu trong thời gian tới. Kết quả kiểm toán đã cho thấy (i) một số bộ, cơ quan trung ương còn chuyển nguồn kinh phí không còn nhiệm vụ chi qua nhiều năm nên Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm dự toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước; (ii) 26/45 địa phương chi chuyển nguồn cao hơn năm trước, chuyển nguồn kinh phí không phù hợp quy định.

- Trường hợp một số khoản kinh phí viện trợ không hoàn lại phát sinh ngoài dự toán đã được các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực nhận trong năm, đủ điều kiện hạch toán thu ngân sách nhà nước, nhưng chưa được trình bổ sung dự toán chi kịp thời làm cơ sở quyết toán vẫn tiếp tục diễn ra. Thực tế số liệu quyết toán chi ngân sách nhà nước theo Luật ngân sách nhà nước hiện nay chưa phản ánh đầy đủ kịp thời đối với các khoản thực chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại ngoài dự toán. Đây là vướng mắc về cơ chế cần phải được nghiên cứu khi sửa đổi Luật ngân sách nhà nước.

* Bội chi ngân sách nhà nước: Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, quyết toán tương ứng với mức dự toán đầu năm 2020 là kết quả của sự nỗ lực và hiệu quả điều hành ngân sách nhà nước của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu tăng chi phòng, chống dịch COVID-19; nhưng mặt khác cho thấy công tác dự báo, đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 chưa sát thực tế khi Chính phủ trình Quốc hội quyết nghị điều chỉnh tăng bội chi tại Nghị quyết 128/2020/QH14.

 * Việc chấp hành trình tự, thời hạn quyết toán ngân sách nhà nước

Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được lập, thẩm tra và trình phê chuẩn theo đúng trình tự quy định. Tuy nhiên việc lập, gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 của Bộ Tài chính, của Chính phủ còn chậm so với quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 70 Luật ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Nghị quyết 22/2021/QH15 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 đã giao Chính phủ nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước so với hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính - ngân sách của nhà nước. Trước thực tế thực hiện của Chính phủ năm 2020 cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết mới có thể đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội đặt ra, giải pháp quan trọng là cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quyết toán, nghiên cứu tăng cường hơn nữa tính độc lập giữa các cấp ngân sách, không đơn thuần là rút ngắn quy trình thủ tục quyết toán.

Thay lời kết luận

Trong bối cảnh mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước chịu tác động ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, phát sinh ngoài dự báo khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ đã có những chính sách và giải pháp tổ chức điều hành ngân sách hiệu quả đảm bảo giữ vững cân đối thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020, góp phần hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020. Bên cạnh đó, còn một số vấn đề đặt ra trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thông qua kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước cần tiếp tục khắc phục, hoàn thiện:

(i) Chất lượng công tác dự báo thu ngân sách nhà nước, dự toán chi ngân sách nhà nước; theo dõi đánh giá chính xác tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước;

(ii) Cải cách thu ngân sách nhà nước theo hướng cơ cấu thu bền vững, chính sách thuế hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19, đồng thời động viên huy động nguồn thu đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước;

(iii) Nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách nhà nước ngay từ khâu dự toán, tiết kiệm chi thực chất đồng thời đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chi theo dự toán, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn;

(iv) Nghiên cứu hoàn thiện Luật ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường phân cấp ngân sách, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu chi ngân sách, cải cách rút ngắn thời gian quyết toán ngân sách nhà nước.

Tài liệu tham khảo
1. Luật Ngân sách nhà nước;
2. Luật Kiểm toán nhà nước;
3. Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020;
4. Báo cáo của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, năm 2019, năm 2020;
5. Báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, năm 2019, năm 2020.

TS. Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp
(Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Kiểm toán số  176)

Xem thêm »