Cần nâng cao hiệu quả quản lý thu, chi viện trợ và quản lý, sử dụng quỹ ngoài ngân sách

18/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Việc quản lý thu, chi viện trợ; việc quản lý, sử dụng các quỹ ngoài ngân sách trong năm 2020 còn nhiều thiếu sót. Chỉ ra những bất cập liên quan, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán cần nghiêm túc chấn chỉnh để tăng cường tính minh bạch, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý.

Quản lý thu, chi viện trợ thiếu chặt chẽ
 
Kết quả kiểm toán chỉ ra rằng, một số khoản kinh phí viện trợ đã được các Bộ, cơ quan trung ương thực nhận trong năm 2020 song chưa được trình bổ sung dự toán chi kịp thời 1.274,248 tỷ đồng. Trong đó, theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), có 1.162,812 tỷ đồng đã được tổng hợp trong số 4.217,777 tỷ đồng kinh phí viện trợ lũy kế đến ngày 31/12/2021 mà Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bổ sung dự toán thu chi ngân sách trung ương năm 2021 tại Tờ trình số 49/TTr-CP ngày 15/02/2022.
 
Trên cơ sở đó, UBTVQH cũng đã có kết luận đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu, chi, phân bổ chi tiết cho Bộ, ngành, địa phương chậm nhất tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề thu, chi viện trợ trong niên độ ngân sách năm 2019, KTNN đã có kiến nghị trong Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể, KTNN đã kiến nghị: “Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát báo cáo Chính phủ trình UBTVQH xem xét bổ sung dự toán chi năm 2019 đối với nguồn viện trợ không hoàn lại đã thực nhận năm 2019 nhưng chưa có dự toán 1.626,39 tỷ đồng để quyết toán chi chuyển nguồn sang năm 2020 và quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí theo đúng quy định”.
 
Cập nhật tình hình thực hiện kiến nghị này, KTNN nêu rõ, Chính phủ đã thực hiện rà soát và trình UBTVQH bổ sung 1.431,39 tỷ đồng dự toán năm 2020 tại Tờ trình số 50/TTr-CP ngày 15/02/2022. Kết quả kiểm toán cho thấy, trong tổng số 1.431,39 tỷ đồng có hơn 599 tỷ đồng đã được Bộ Tài chính thẩm tra quyết toán và đưa vào quyết toán niên độ ngân sách 2020.
 
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán niên độ ngân sách 2020, KTNN chỉ ra vấn đề một số khoản xác nhận viện trợ năm 2019 nhưng đến năm 2020 mới thực hiện ghi thu - ghi chi. Điều này là chưa đúng quy định tại Điều 10 Thông tư số 225/2010/TT-BTC, làm ảnh hưởng đến công tác hạch toán, quyết toán, quản lý nguồn vốn viện trợ của NSNN. Chẳng hạn, giấy xác nhận viện trợ số 617/05 ngày 28/11/2019 của Viện Khoa học nông nghiệp xác nhận số tiền viện trợ 4,68 tỷ đồng nhưng đến ngày 21/01/2021 mới thực hiện ghi thu - ghi chi. Hay như giấy xác nhận viện trợ số 300/02 và 302/02 ngày 02/8/2019 cũng xác nhận các khoản viện trợ nhưng đến ngày 28/9/2020 mới thực hiện ghi thu - ghi chi… Vấn đề này cần được đơn vị khắc phục, chấn chỉnh để tăng cường tính minh bạch, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các khoản viện trợ.
 
Bên cạnh những vấn đề trên, KTNN còn chỉ ra việc ban hành cơ chế, chính sách chưa kịp thời. Cụ thể, Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu NSNN, được ban hành căn cứ trên một số Nghị định của Chính phủ nhưng đã hết hiệu lực, song chậm được hủy bỏ, thay thế. Theo đó, các Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ban hành Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN; Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài đều đã hết hiệu lực khi Luật NSNN năm 2015 được ban hành, song đến ngày 06/4/2022, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BTC thay thế Thông tư số 225/2010/TT-BTC.
 
Chưa phát huy hiệu quả các quỹ ngoài ngân sách
 
Đối với Quỹ Dự trữ tài chính, KTNN xác nhận số dư đầu năm của Quỹ Dự trữ tài chính trung ương 2.376,2 tỷ đồng, số phát sinh giảm trong năm 300 tỷ đồng, số phát sinh tăng trong năm 321,5 tỷ đồng. Trong năm không trích bổ sung quỹ, số phát sinh tăng 21,5 tỷ đồng lãi tiền gửi, 300 tỷ đồng thu hồi chi trong năm. Số dư cuối năm là 2.397,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, KTNN nêu rõ, một số địa phương trích lập Quỹ Dự trữ tài chính chưa đảm bảo 50% kết dư ngân sách cấp tỉnh theo quy định. Quỹ Phát triển đất tại một số địa phương chưa trích hoặc trích lập quỹ chưa đủ theo quy định của Hội đồng nhân dân.
 
Ngoài ra, qua kiểm toán còn cho thấy một số đơn vị sự nghiệp đang được báo cáo và phân loại là Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách, như Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ Khắc phục hậu quả bom mìn, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Bên cạnh đó, số dư một số Quỹ thời điểm 31/12/2020 tại Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 chênh lệch so với số liệu tương ứng thời điểm 31/12/2020 tại Báo cáo số 41/BC-CP ngày 11/10/2021. Đáng chú ý như Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích chênh lệch tăng 1.591,533 tỷ đồng; Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia chênh lệch tăng 83,072 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước chênh lệch tăng 2,326 tỷ đồng; Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia chênh lệch giảm 25,176 tỷ đồng. Lý do, theo báo cáo của Bộ Tài chính là tại thời điểm lập Báo cáo số 41/BC-CP, Bộ đã lấy số dư Quỹ theo số ước thực hiện.
 
Một vấn đề quan trọng nữa được KTNN chỉ ra là việc quản lý và sử dụng nguồn vốn được giao của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) về đầu tư vốn ra ngoài DN chưa hiệu quả. Quỹ đã chậm ban hành quy chế cho vay gián tiếp, chưa ban hành quy chế tài trợ và cho vay trực tiếp. Đến thời điểm kiểm toán, Quỹ cũng chưa thực hiện việc cho vay trực tiếp, chưa thực hiện hoạt động tài trợ cho DNNVV.

Phương án sử dụng tiền nhàn rỗi để gửi ngân hàng của Quỹ Phát triển DNNVV chưa thuyết minh đầy đủ lý do gia hạn, điều chuyển tiền gửi giữa các ngân hàng, thay đổi kỳ hạn; đồng thời chưa tính toán, so sánh việc lựa chọn ngân hàng dựa trên mức lãi suất và kế hoạch sử dụng vốn vay để đảm bảo hiệu quả theo Điều 44 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019.
 
Có thể thấy, trong khi tỷ lệ DNNVV chiếm 97-98% số DN Việt Nam thì Quỹ Phát triển DNNVV luôn được kỳ vọng là một kênh hỗ trợ tài chính hiệu quả cho các DN. Tuy nhiên, với kết quả nêu trên, Quỹ chưa thực sự trở thành điểm tựa cho DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các DNNVV./.
 
Số lượng tiếp cận được với nguồn vốn vay hỗ trợ từ Quỹ Phát triển DNNVV rất hạn chế và chỉ bằng hình thức ủy thác qua ngân hàng thương mại với số vốn đã giải ngân là 101,36 tỷ đồng (chỉ bằng 12% vốn điều lệ). Năm 2020, Quỹ chỉ cho vay được duy nhất 1 dự án với số vốn 1,53 tỷ đồng.

QUỲNH ANH
(Báo Kiểm toán số 33/2022)

Xem thêm »