Những nội dung trọng tâm và lưu ý trong kiểm toán ngân sách

26/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo định hướng xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 và trung hạn 2023-2025, kiểm toán ngân sách tiếp tục là nội dung được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chú trọng thực hiện. Những định hướng trọng tâm và lưu ý khi thực hiện nội dung kiểm toán này sẽ mang lại những thông tin quan trọng, giúp đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên có thêm nhìn nhận đúng đắn để áp dụng vào thực tế, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán. 

Những nội dung trọng tâm của kiểm toán ngân sách

Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị liên quan trong toàn Ngành vẫn đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho nhiệm vụ xây dựng KHKT năm 2023 theo đúng định hướng được nêu tại Công văn số 597/KTNN-TH về hướng dẫn xây dựng KHKT năm 2023 và KHKT trung hạn 2023-2025 của KTNN.

Về những nội dung trọng tâm của kiểm toán ngân sách, định hướng nêu rõ, KTNN sẽ kiểm toán tại các cơ quan tài chính tổng hợp các cấp để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách nhằm phục vụ cho Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP).

Cụ thể, KTNN sẽ tập trung đánh giá việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách, đặc biệt là các vấn đề nêu tại Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV; việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; việc thực hiện chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025.

“Trên cơ sở đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu về quản lý, sử dụng tài chính ngân sách tại từng Bộ, ngành, địa phương để xác định rõ dự kiến mục tiêu, nội dung kiểm toán trọng tâm làm cơ sở lựa chọn danh mục đầu mối kiểm toán phù hợp, tránh dàn trải” - định hướng nêu rõ.

Lưu ý cụ thể về kiểm toán NSĐP và kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, Vụ Tổng hợp cho biết, đây là nội dung trọng tâm trong KHKT hằng năm. Theo định hướng mới của KTNN, mỗi KTNN khu vực chỉ lựa chọn tối đa 2 địa phương để tổ chức thực hiện kiểm toán địa phương toàn diện như hiện nay, còn lại sẽ tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP. Điển hình như năm 2022, có 10 tỉnh/thành phố sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP; 28 tỉnh/thành phố được kiểm toán NSĐP và báo cáo quyết toán NSĐP.

Đề cập đến việc chuẩn bị xây dựng KHKT, theo KTNN khu vực V, đơn vị đã gửi dự kiến KHKT năm 2023 và dự kiến KHKT giai đoạn 2023-2025 của đơn vị về KTNN; đồng thời đang tập trung hoàn thiện danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán của các cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2023 để gửi KTNN trước ngày 20/9. “Với đặc thù đóng tại khu vực, KTNN khu vực V tập trung vào nhiệm vụ kiểm toán ngân sách, trong đó từng bước chuyển sang trọng tâm kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP theo định hướng của Ngành” - lãnh đạo đơn vị cho biết.

Những lưu ý để nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP

 Trong bối cảnh yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho hoạt động kiểm toán nói chung, kiểm toán ngân sách nói riêng ngày càng cao, việc đảm bảo thực hiện tốt các khâu liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán.

Theo đại diện Phòng NSĐP (Vụ Tổng hợp), để đạt được chất lượng, hiệu quả kiểm toán theo mục tiêu, ngay từ đầu, các đơn vị cần dành thời gian thỏa đáng cho công tác xây dựng KHKT, trong đó tăng thời gian khảo sát, thu thập thông tin; xác định trọng yếu, rủi ro kiểm toán... Trên cơ sở đó, các đơn vị cần chú trọng phân tích thông tin để xác định những nội dung, khoản mục trọng yếu và sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán.

 

Lưu ý đến tính trọng yếu của thông tin cả khi lập KHKT và thực hiện kiểm toán, đại diện Phòng NSĐP (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) cho biết, các đoàn kiểm toán cần kết hợp đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát để rút ra kết luận về rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu; lưu ý đưa vào khoản mục trọng yếu đối với các khoản mục trong báo cáo quyết toán lớn hơn mức trọng yếu tổng thể, các nội dung, khoản mục mà đoàn kiểm toán đang đánh giá có rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát cao; cũng như bám sát nội dung trọng yếu theo hướng dẫn của Ngành để đưa vào trọng yếu kiểm toán...

Đưa ra lưu ý với kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, nhiều kiểm toán viên có kinh nghiệm trong kiểm toán NSĐP cho rằng, cần tăng cường kiểm toán tổng hợp, vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu để đánh giá các báo cáo quyết toán của các đơn vị chi tiết được tổng hợp trong báo cáo quyết toán NSĐP; bố trí kiểm toán viên có kinh nghiệm, trình độ và chuyên môn sâu về tổng hợp số liệu tham gia kiểm toán… Bên cạnh đó, các kiểm toán viên phải đảm bảo việc ghi nhật ký, tránh tình trạng như: Nhật ký ghi kết quả kiểm toán mới dừng ở việc phản ánh theo số liệu của đơn vị, chưa ghi nhận các đánh giá, kết quả kiểm toán của kiểm toán viên; chưa đính kèm đầy đủ bằng chứng hoặc bảng tính liên quan đến phát hiện kiểm toán… 

Từng thực hiện nhiều cuộc kiểm toán NSĐP đạt kết quả cao, đại diện KTNN khu vực XIII chia sẻ, trước khi tiến hành kiểm toán, đơn vị kiểm toán cần tổ chức quán triệt hướng dẫn của KTNN về mục tiêu, trọng tâm và nội dung chủ yếu trong từng lĩnh vực kiểm toán, trên cơ sở đó, xác định rõ các trọng tâm trong từng nội dung kiểm toán NSĐP. “Trong quá trình kiểm toán, các đoàn kiểm toán cần khuyến khích các tổ kiểm toán trao đổi tập thể về tình hình, kết quả kiểm toán của các thành viên; cũng như những khó khăn, vướng mắc hoặc phát hiện mới để thống nhất nhận xét, đánh giá và kiến nghị trong đoàn” - KTNN khu vực XIII lưu ý./.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của cuộc kiểm toán NSĐP, đoàn kiểm toán cần đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu một cách phù hợp ở cấp độ báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán; xác định mức trọng yếu tổng thể, mức trọng yếu thực hiện phù hợp với kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu; xác định đầy đủ các nội dung, khoản mục trọng yếu, từ đó lựa chọn phương pháp và thủ tục kiểm toán phù hợp.


NGUYỄN LỘC
(Báo Kiểm toán số 34/2022)

Xem thêm »