Đánh thuế cao người có nhiều nhà đất sẽ hạn chế đầu cơ bất động sản

29/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo các chuyên gia, những năm gần đây, tình trạng đầu cơ, tích trữ nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng đang xảy ra khá phổ biến, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Do đó, định hướng đánh thuế cao người sở hữu nhiều nhà đất, đầu cơ đất đai được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, phát huy tối đa vai trò của đất đai trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; cũng như giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch hơn.

Điều tiết giá nhà ở, hạn chế đầu cơ bất động sản
 
Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (Nghị quyết số 18-NQ/TW). Nghị quyết đã đề ra nhiều điểm đột phá mới, trong đó đáng chú ý là yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
 
Bình luận về vấn đề trên, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - chia sẻ, cách đây 10 năm, tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng đã yêu cầu nghiên cứu ban hành thuế bất động sản, trong đó quy định người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn. Tuy nhiên, đến nay, chính sách thuế đối với nhà đất vẫn không có thay đổi đột phá, cụ thể, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ban hành từ năm 2010 có mức thuế rất thấp (thuế suất cơ bản là 0,03%); Việt Nam cũng chưa đánh thuế đối với nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.
 
Cũng theo ông Võ, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thấp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng đầu cơ nhà đất, kéo theo các cơn sốt giá bất động sản hình thành, tích tụ bong bóng, tạo giá ảo làm giá nhà đất ngày càng cao. Do đó, việc đánh thuế cao đối với người sở hữu nhiều bất động sản sẽ góp phần phòng, chống đầu cơ nhà đất, từ đó làm “hạ nhiệt” giá bất động sản, đưa giá nhà ở về mức hợp lý hơn, giúp người dân lao động sẽ có nhiều cơ hội tạo lập nhà ở hơn. “Định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW không phải là tăng thuế tài sản mà là cải cách thuế tài sản, tức là thuế này không đánh vào những người có thu nhập thấp mà đánh vào việc đầu cơ, tích trữ nhà đất. Đây được coi là giải pháp “đặc trị” sốt đất và bình ổn giá nhà” - ông Võ nhấn mạnh.
 
Bên cạnh đó, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy tình trạng đất đai bị bỏ hoang khá nhiều do dự án treo, chậm đưa vào khai thác sử dụng. Do đó, với định hướng sẽ đánh thuế cao đối với tổ chức, cá nhân chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang sẽ hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai; đồng thời góp phần dịch chuyển dòng tiền thay vì chảy quá nhiều vào thị trường bất động sản sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Ngoài ra, khi thực hiện đánh thuế bất động sản sẽ tạo thêm nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước, góp phần tăng thêm nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội…
 
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai đầy đủ, thống nhất
 
Theo các chuyên gia, định hướng đánh thuế cao đối với người sở hữu nhiều nhà đất và các tổ chức, cá nhân găm giữ, đầu cơ đất đai hoặc bỏ hoang đất là một chủ trương phù hợp và cần thiết phải đẩy nhanh triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, để có thể thu đúng, thu đủ tiền thuế này thì cũng cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
 
Đưa khuyến nghị cụ thể, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law - cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp để đảm bảo phân biệt được người sở hữu nhiều nhà đất nhưng được sử dụng vào mục đích chính đáng và người sở hữu bất động sản để đầu cơ, bởi vì, nếu đánh thuế cao cả 2 trường hợp sẽ tạo ra sự bất hợp lý và thiếu công bằng. Bên cạnh đó, trên thực tế có thể xảy ra trường hợp để tránh đóng thuế cao, những người đầu cơ nhà đất có thể nhờ người thân, người quen đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rất khó để phân định các trường hợp này. Vì thế, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai thật đầy đủ, thống nhất để có thông tin về từng người đang sở hữu những bất động sản nào, để đánh thuế tài sản thật trúng và đúng.
 
Song song với đó, theo các chuyên gia, cần lưu ý tới sự chênh lệnh giá và khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội cũng như thu nhập của người dân ở các địa phương, ví dụ như người ở tỉnh Lai Châu, Điện Biên có 2-3 bất động sản nhưng tổng giá trị có thể không bằng 1 bất động sản tại Hà Nội… Điều đó có nghĩa là bộ tiêu chí để xác định ngưỡng chịu thuế, mức thuế cần đảm bảo sự công bằng giữa các địa phương, vùng miền, chứ không nên quy định theo kiểu cào bằng trên cả nước, có như vậy mới tạo ra sự hài hòa, tránh nảy sinh các xung đột.
 
Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, khi xây dựng chính sách về đánh thuế bất động sản nên quy định một số trường hợp ngoại trừ không áp dụng việc đánh thuế. Chẳng hạn, người có nhà ở thứ nhất có diện tích quá nhỏ, chỉ từ 15-20m2, giá trị thấp, muốn nâng cao chất lượng sống, mua thêm nhà ở thứ hai, thì những trường hợp như vậy nên xem xét, cân nhắc không đánh thuế…/.
  
GS. Đặng Hùng Võ cho biết, theo một số nghiên cứu, thuế tài sản của Việt Nam chỉ chiếm 0,034% GDP, trong khi đó thuế này của Indonesia chiếm 0,42% GDP, của Thái Lan chiếm 0,25% GDP, của Philippines chiếm 0,84% GDP. So với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thuế tài sản trung bình toàn khối đạt 1,85% GDP; đối với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đạt từ 1-4% GDP. Như vậy, thuế tài sản tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 7% của nhóm các nước phát triển trung bình thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); bằng 1,6% của các nước thuộc OECD và chỉ bằng 1% của các nước thuộc G7.

Diệu Thiện
(Báo Kiểm toán số 39/2022)

 
 

Xem thêm »