Đo lường hoạt động của Kiểm toán nhà nước theo chuẩn quốc tế

10/10/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Việc ban hành Khung đo lường hoạt động của cơ quan kiểm toán (SAI PMF) là cơ sở để Kiểm toán nhà nước Việt Nam (KTNN) tự đánh giá hiệu quả hoạt động của mình so với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt. Đồng thời, kết quả đánh giá sẽ được KTNN sử dụng để lập kế hoạch chiến lược, phát triển năng lực, giám sát hiệu quả hoạt động và tăng cường trách nhiệm giải trình...

SAI PMF là công cụ dùng để đo lường, giám sát, quản lý, báo cáo định tính và định lượng đối với toàn bộ hoạt động của cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) bất kể theo mô hình tổ chức nào hay/và ở trình độ phát triển nào. SAI PMF cung cấp một cái nhìn tổng quan về các lĩnh vực quan trọng trong hoạt động của cơ quan kiểm toán, gồm cả quy trình nội bộ và kết quả đầu ra tương ứng.
 
Kiểm toán nhà nước đã thí điểm áp dụng SAI PMF
 
Theo nghiên cứu của ThS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, KTNN và ThS. Nguyễn Anh Phương (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán), SAI PMF gồm 2 hợp phần chính: Hướng dẫn xây dựng báo cáo kết quả hoạt động (sản phẩm cuối cùng của cuộc đánh giá, gồm một bản phân tích tường thuật về những phát hiện); Bộ 25 chỉ số để đo lường hoạt động của SAI trên 6 lĩnh vực, gồm: Sự độc lập và khuôn khổ pháp lý (A), Quản trị nội bộ và đạo đức nghề nghiệp (B), Chất lượng và báo cáo kiểm toán (C), Quản lý tài chính, tài sản và dịch vụ hỗ trợ (D), Nguồn nhân lực và đào tạo (E), Quản lý truyền thông và các bên liên quan (F).
 
SAI PMF nhận được sự hưởng ứng tích cực và áp dụng rộng rãi bởi các SAI thành viên Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) ngay từ khi Phiên bản thí điểm được ban hành. Đến nay, đã có 77 cuộc đánh giá được hoàn thành, 40 cuộc đánh giá đang được tổ chức thực hiện và 15 báo cáo phát hành công khai. Một số SAI đã thực hiện đánh giá từ 2 lần trở lên như: SAI Indonesia (năm 2019, 2020, 2021); SAI Bhutan (năm 2015 và 2021); SAI Costa Rica (năm 2014 và 2019)…
 
Năm 2016, KTNN Việt Nam lần đầu tiên thực hiện thí điểm đánh giá theo SAI PMF (kết hợp giữa tự đánh giá với chuyên gia quốc tế hỗ trợ về phương pháp). Theo đó, KTNN đã áp dụng 22 chỉ số phù hợp với đặc thù của mình và đánh giá trên cả 6 lĩnh vực theo Khung các tuyên bố nghiệp vụ của INTOSAI (IFPP). Kết quả bước đầu cho thấy, KTNN hiện đang thực hiện cả 3 nội dung kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ. Tuy nhiên, thời hạn phát hành báo cáo phần lớn chưa đúng theo quy định và chưa phát hành Báo cáo thường niên có các nội dung theo thông lệ quốc tế.

Sự độc lập và khuôn khổ pháp lý của KTNN Việt Nam phù hợp với Tuyên bố Lima. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam chưa có quy định cụ thể việc chống lại sự can thiệp vào tính độc lập của KTNN. Việc tiếp cận cơ sở dữ liệu, thông tin của đơn vị được kiểm toán phục vụ cuộc kiểm toán vẫn bị hạn chế. Về công tác tuyên truyền và quản lý bên liên quan, nhận thức về địa vị pháp lý và vai trò của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước hiện nay chưa đầy đủ, thậm chí ở cả các cơ quan trung ương và lãnh đạo cấp cao.
 
Các chỉ số về: Chiến lược phát triển tổ chức, chuẩn mực và phương pháp kiểm toán, công tác quản lý và bộ máy hỗ trợ, bộ máy kiểm soát nội bộ, nguồn nhân lực và công tác đào tạo được KTNN Việt Nam thực hiện tương đối đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn của INTOSAI. Đặc biệt, KTNN đã ban hành hệ thống Chuẩn mực KTNN dựa trên ISSAI. Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán được thực hiện ở 5 cấp, từ Kiểm toán viên, Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán đến Tổng Kiểm toán nhà nước. KTNN cũng ban hành nhiều quy định nhằm quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá kết quả công tác...
 
Xây dựng khung đánh giá định kỳ đảm bảo khách quan, chính xác
 
ThS. Nguyễn Việt Hùng và ThS. Nguyễn Anh Phương cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN cần xây dựng quy trình đánh giá chất lượng đảm bảo sự khách quan, chính xác và tin cậy, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cũng như thể chế, pháp luật của Việt Nam và môi trường hoạt động của KTNN. Đây là công cụ giúp định vị vị trí của KTNN trong cộng đồng kiểm toán công khu vực và thế giới.
 
Theo đó, học tập và kế thừa các kết quả nghiên cứu của INTOSAI và các SAI, KTNN Việt Nam có thể nghiên cứu, bổ sung và ban hành SAI PMF gồm 22 chỉ số, đánh giá hoạt động trên 6 lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực độc lập và khuôn khổ pháp lý gồm chỉ số Sự độc lập của KTNN và Chức năng của KTNN. Lĩnh vực quản trị nội bộ và đạo đức nghề nghiệp gồm 5 chỉ số: Chu kỳ lập kế hoạch chiến lược, Môi trường kiểm soát tại KTNN, Các cuộc kiểm toán thuê ngoài, Lãnh đạo và truyền thông nội bộ, Lập kế hoạch kiểm toán tổng thể.
 
Lĩnh vực chất lượng và báo cáo kiểm toán có các chỉ số: Phạm vi kiểm toán, Chuẩn mực và quản lý chất lượng kiểm toán tài chính, Quy trình kiểm toán tài chính, Kết quả kiểm toán tài chính, Chuẩn mực và quản lý chất lượng kiểm toán hoạt động, Quy trình kiểm toán hoạt động, Kết quả kiểm toán hoạt động, Chuẩn mực và quản lý chất lượng kiểm toán tuân thủ, Quy trình kiểm toán tuân thủ, Kết quả kiểm toán tuân thủ.
 
Lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản và dịch vụ hỗ trợ sẽ đánh giá các chỉ số về Quản lý tài chính, tài sản và dịch vụ hỗ trợ. Lĩnh vực nguồn nhân lực và đào tạo gồm 2 chỉ số: Quản lý nguồn nhân lực và Bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn. Lĩnh vực quản lý truyền thông thông tin và bên liên quan sẽ đánh giá các chỉ số Truyền thông tới cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp và Truyền thông tới cơ quan báo chí, người dân và tổ chức xã hội.
 
Qua từng năm, INTOSAI vẫn tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung SAI PMF. Vì vậy, KTNN cần thường xuyên cập nhật các nội dung theo INTOSAI để hoàn thiện Khung đánh giá hoạt động. Bên cạnh việc đào tạo, hướng dẫn áp dụng Khung trong toàn ngành, KTNN cần ban hành cơ chế, chính sách áp dụng mang tính bắt buộc với định kỳ 5 năm đánh giá một lần (theo nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước) hoặc theo chu kỳ xây dựng kế hoạch/chiến lược phát triển trung hạn của KTNN./.
 
SAI PMF do Nhóm công tác của INTOSAI về giá trị và lợi ích của SAI (WGVBS) xây dựng theo quyết định tại Đại hội INTOSAI năm 2010. Phiên bản thí điểm được WGVBS ban hành tháng 7/2013 và phiên bản chính thức được INTOSAI thông qua tại Đại hội XXII tháng 10/2016. Phiên bản năm 2021 được WGVBS cập nhật, bổ sung tháng 11/2021 sau khi INTOSAI chính thức ban hành Khung các tuyên bố nghiệp vụ của INTOSAI (IFPP).

THÙY LÊ
(Báo Kiểm toán số 40/2022)
 

Xem thêm »