Quản lý dữ liệu tác động đến hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19

04/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT), vai trò của các hệ thống dữ liệu trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội ngày càng quan trọng. Liên quan đến công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, hệ thống dữ liệu đã có những đóng góp rất hữu ích, nhất là khi dịch bệnh bùng phát mạnh. Tuy nhiên, có không ít thách thức trong quản lý dữ liệu đã được các cơ quan kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra, làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch.

KTNN Việt Nam đã thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề "Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”. Ảnh: THÁI ANH

Hoa Kỳ gặp nhiều thách thức trong quản lý dữ liệu y tế công cộng
 
Mới đây, KTNN Hoa Kỳ (GAO) đã chỉ ra những thách thức về quản lý dữ liệu tác động đến việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Cụ thể, theo kết quả kiểm toán của GAO, các trường hợp khẩn cấp thường chuyển biến rất nhanh, tuy nhiên, việc các tổ chức y tế công cộng thiếu khả năng chia sẻ dữ liệu và cập nhật thông tin về khả năng cứu chữa dẫn đến làm suy giảm năng lực của quốc gia trong việc ứng phó nhanh với các trường hợp khẩn cấp. Để xử lý vấn đề này, GAO kiến nghị Chính phủ liên bang cần phải vượt qua 3 thách thức lớn về quản lý dữ liệu y tế công cộng, bao gồm: Thiếu tiêu chuẩn về dữ liệu chung; khả năng tương tác giữa các hệ thống CNTT y tế công cộng; thiếu cơ sở hạ tầng CNTT y tế công cộng.
 
Theo phân tích của GAO, do thiếu các tiêu chuẩn dữ liệu chung, thông tin về số trường hợp mắc Covid-19 mà các tiểu bang báo cáo là không nhất quán. Điều này gây phức tạp cho việc so sánh của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Cùng với đó là những thách thức trong việc thu thập đủ dữ liệu nhân khẩu học, gây khó khăn cho việc xác định xu hướng tiêm chủng Covid-19 và quản lý số liều tiêm. Mặc dù CDC đã có ý định thực hiện các tiêu chuẩn về dữ liệu nhưng kế hoạch chiến lược của CDC lại không nêu rõ các hành động, vai trò, trách nhiệm và khung thời gian thực hiện.
 
Vì vậy, GAO đưa ra 2 kiến nghị. Một là, thiết lập một Ủy ban chuyên gia về các tiêu chuẩn thu thập dữ liệu và báo cáo với sự tham gia với các bên liên quan (ví dụ các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ từ các khu vực công và tư). Ủy ban này cần xem xét và thông báo về sự phù hợp của các tiêu chuẩn báo cáo và thu thập dữ liệu đang tồn tại liên quan đến các chỉ số sức khoẻ chính. Hai là, CDC cần xác định các bước hành động và khung thời gian cụ thể cho những nỗ lực hiện đại hoá dữ liệu của mình. Các kiến nghị này được thực hiện sẽ giúp đảm bảo thông tin được báo cáo, so sánh và phân tích một cách nhất quán giữa các khu vực, đồng thời các cơ quan y tế công cộng cũng có được một định dạng dữ liệu đã chuẩn hóa.
 
Công tác phòng, chống dịch cần sự trao đổi, chia sẻ thông tin kịp thời
 
Cũng theo đánh giá của GAO, việc không thể trao đổi thông tin dễ dàng, thuận lợi giữa các hệ thống CNTT y tế công cộng gây ra rào cản lớn đối với việc chia sẻ dữ liệu và tạo thêm gánh nặng cho các đơn vị thu thập và truyền dữ liệu. Trong giai đoạn đầu dịch Covid-19 bùng phát, việc thiếu khả năng tương tác của hệ thống CNTT đã khiến các quan chức y tế và các bên liên quan (chẳng hạn như bệnh viện) phải nhập dữ liệu theo cách thủ công vào nhiều hệ thống. Ngoài ra, một số cơ sở y tế nhà nước không thể trực tiếp trao đổi thông tin với CDC thông qua hệ thống CNTT. Điều này dẫn đến việc CDC mất nhiều thời gian hơn để nhận dữ liệu họ cần khi đưa ra các quyết định về việc ứng phó với Covid-19. Để vượt qua thách thức này, GAO kiến nghị Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) cần đảm bảo trong kế hoạch hành động của mạng lưới nâng cao nhận thức về sức khoẻ cộng đồng phải bao gồm việc đưa ra các tiêu chuẩn về khả năng tương tác, trao đổi thông tin dễ dàng, thuận lợi của các hệ thống dữ liệu.
 
Liên quan đến thách thức thiếu cơ sở hạ tầng CNTT y tế công cộng, GAO cho rằng, sự chia sẻ thông tin kịp thời và đầy đủ trong các trường hợp khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng có thể bị cản trở do không có cơ sở hạ tầng CNTT y tế công cộng. Trong giai đoạn đầu dịch Covid-19 bùng phát, một số bang phải thu thập, xử lý và truyền dữ liệu từ nơi này sang nơi khác bằng phương pháp thủ công. Ví dụ, một quan chức nhà nước đã mô tả việc phải gửi tài liệu điện tử qua máy fax, sao chép và vận chuyển các tài liệu này đến nơi nhận một cách thủ công. Vị quan chức này cho rằng, nếu thiết lập được một cơ sở hạ tầng CNTT y tế công cộng sẽ giúp giảm thiểu các lỗi sai sót. Để hạn chế tối đa các thách thức trong việc quản lý dữ liệu về Covid-19, HHS đã khởi động nền tảng HHS Protect trong tháng 4/2020. Tuy nhiên, các tổ chức y tế công cộng và nhà nước đã đặt ra nhiều câu hỏi về tính đầy đủ và chính xác của các dữ liệu này.
 
Theo đó, GAO kiến nghị, HHS cần ưu tiên phát triển mạng lưới bằng cách lập kế hoạch cho các hành động cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn để theo dõi được mức độ hoàn thành và sự tiến triển; xác định một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát tiến độ phát triển mạng lưới, đồng thời HHS cần xác định, lưu trữ các thông tin chia sẻ và bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19.
 
Việt Nam cần ứng dụng thống nhất một nền tảng quản lý phòng, chống dịch
 
Không chỉ tại Hoa Kỳ, những thách thức đối với việc quản lý dữ liệu y tế công cộng được chỉ ra qua kiểm toán, mà tại Việt Nam, trong khuôn khổ cuộc kiểm toán chuyên đề "Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”, KTNN Việt Nam cũng chỉ ra rằng, hệ thống dữ liệu còn chưa thống nhất, đồng bộ, thông tin chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời, nhất là hệ thống nền tảng quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa Covid-19.
 
Qua thực tiễn kiểm toán, KTNN Việt Nam đã kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý khám chữa bệnh nghiên cứu, phối hợp với Sở Y tế các địa phương rà soát lại các dữ liệu trên hệ thống https://macabenh.vncdc.gov.vn và http://ncov.kcb.vn, bảo đảm dữ liệu khi được công khai phải thống nhất, chính xác.
 
Đồng thời, Bộ Y tế cần chỉ đạo Cục CNTT khẩn trương rà soát, phối hợp với các đơn vị, cơ sở tiêm chủng cập nhật đầy đủ mũi tiêm lên Hệ thống nền tảng quản lý tiêm chủng, bảo đảm quyền lợi và thuận tiện cho người dân; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, khớp đúng số liệu giữa phần mềm PC Covid với Hệ thống nền tảng quản lý tiêm chủng của Bộ Y tế.
 
Đáng chú ý, KTNN Việt Nam đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ ứng dụng thống nhất một nền tảng quản lý phòng, chống dịch… Hơn nữa, để gia tăng hiệu quả thu thập, quản lý dữ liệu, Bộ Y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng và các địa phương thực hiện cập nhật số liệu bảo đảm kịp thời, chính xác.

Khi các kiến nghị này được thực hiện, việc quản lý dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch sẽ thuận lợi và mang lại hiệu quả cao hơn, hạn chế được các thách thức có ảnh hưởng, tác động đến việc quản lý dữ liệu về Covid-19…/.
 
H.THOAN - H.THU
(Báo Kiểm toán số 44/2022)

Xem thêm »