Với các thiết kế kỹ thuật đặc thù, blockchain có nhiều ưu điểm so với các giải pháp công nghệ khác. Qua phỏng vấn 17 chuyên gia của 5 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (Deloitte, EY, KPMG, PwC và Mazar) và nghiên cứu các tài liệu liên quan, tác giả Najoua Elommal và Riadh Manita (Pháp) chỉ ra 6 ảnh hưởng chính của blockchain đến ngành kiểm toán.
Với các thiết kế kỹ thuật đặc thù, blockchain có nhiều ưu điểm so với các giải pháp công nghệ khác. Ảnh minh họa
Tiết kiệm thời gian và kiểm toán đúng trọng tâm
Blockchain cho phép chuyển toàn bộ hồ sơ chứng từ kế toán từ dạng giấy sang chứng từ điện tử bản gốc và đảm bảo xác thực, định danh duy nhất. Theo đó, các thông tin kế toán của từng công ty sẽ chuyển đổi thống nhất thành một hệ thống thông tin được chứng nhận chung và được chia sẻ với các cơ quan thẩm quyền và các đối tác liên quan. Trong viễn cảnh đó, các thủ tục kiểm soát được thực hiện từ xa, ngay tức thời, đảm bảo an toàn, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí. Blockchain bảo vệ các công ty chống lại bất kỳ hành vi hack dữ liệu kế toán, mang lại sự tự tin cho việc trao đổi dữ liệu giữa các bên.
Thông qua blockchain, kiểm toán viên (KTV) có thể hình dung và dễ dàng trích xuất nhiều loại thông tin đáng tin cậy từ giao dịch của khách hàng; giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian để xác thực số dư và giao dịch. Việc tiết kiệm thời gian cho phép KTV tập trung vào các hoạt động có giá trị gia tăng cao cho khách hàng như phân tích các ước tính kế toán vào cuối năm tài chính, đánh giá hệ thống kiểm soát ở cấp độ blockchain, phân tích xác định các rủi ro.
Hướng tới kiểm toán đầy đủ dữ liệu
Với blockchain, việc kiểm tra xác thực thông tin giao dịch thực hiện theo thời gian thực. Điều này tác động tích cực đáng kể đến độ tin cậy và tính trung thực của thông tin, ảnh hưởng đến công việc kiểm toán. Với việc blockchain cung cấp quyền truy cập vào tất cả thông tin có sẵn ngay lập tức, KTV có thể kiểm toán bằng cách sử dụng tất cả thông tin đầy đủ.
Nếu blockchain được kết hợp với các công nghệ khác như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và phân tích chuyên sâu thì điều này sẽ cho phép quá trình kiểm toán phát triển từ việc kiểm soát một phần hợp lý của thông tin sẵn có hướng tới kiểm soát tất cả thông tin trong lịch sử giao dịch. Kỹ thuật kiểm toán chọn mẫu có thể hiếm khi được áp dụng, thay vào đó là phân tích tự động, rà soát toàn bộ dữ liệu, ước lượng chính xác rủi ro.
Tập trung kiểm tra hệ thống kiểm soát thay vì kiểm tra giao dịch
Blockchain mang lại tính bảo mật và độ tin cậy của các giao dịch, từ đó tác động đến tính bảo mật và độ tin cậy của hồ sơ kế toán. Trong môi trường ứng dụng blockchain, KTV chỉ cần tập trung vào các giao dịch được ký kết giữa hai bên nhưng xuất hiện liên kết với một thỏa thuận “ngoài chuỗi khối”; các giao dịch gian lận có thể được đưa vào chuỗi khối giao dịch; kiểm tra tính hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ xung quanh blockchain.
Nói cách khác, với một giải pháp blockchain cụ thể, KTV phải tập trung kiểm tra chất lượng hệ thống kiểm soát liên quan (mã blockchain, việc thay đổi giao thức, việc phân quyền thực hiện giao dịch...) thay vì kiểm tra giao dịch trực tiếp theo cách thông thường.
Hướng tới kiểm toán liên tục
Bằng cách tạo ra một kho thông tin có sẵn, được mã hóa, được chấp thuận, blockchain hướng đến thiết lập một quy trình kiểm toán liên tục thay vì định kỳ, cho phép xác nhận thông tin ngay khi giao dịch phát sinh. KTV có thể truy cập tất cả thông tin mà không cần phải yêu cầu và chờ đợi thông tin, tài liệu từ khách hàng. Blockchain cho phép lưu trữ và bảo mật kho thông tin tài chính và phi tài chính, mang lại cho KTV cơ hội điểu chỉnh cuộc kiểm toán liên tục. Ngoài ra, việc phân tích dữ liệu bằng cách lấy mẫu sẽ chuyển thành phân tích liên tục.
Blockchain cho phép tự động hóa bút toán điều chỉnh của KTV, đặc biệt khi các giao dịch diễn ra giữa các bên trong một mạng blockchain duy nhất. Cùng với đó, blockchain gia tăng phát triển các hợp đồng thông minh, tích hợp quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng vào sổ cái số. Các hợp đồng thông minh sẽ giảm chi phí chống gian lận, trọng tài và giao dịch. Việc ký kết các giao dịch blockchain thông qua các hợp đồng thông minh cho phép quản lý hiệu quả, an toàn các luồng giao dịch và tài liệu, giúp KTV có thể trực tiếp truy cập và thực hiện phân tích, kiểm soát dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc đánh giá liên tục, hạn chế sai sót.
Với một cuộc kiểm toán liên tục, KTV phải xây dựng các thủ tục kiểm soát mới thích ứng với môi trường công nghệ mới, chẳng hạn: Kiểm tra các giao dịch nhất định và xác minh sự tồn tại của tài sản kỹ thuật số, xác minh tính nhất quán giữa thông tin trên blockchain và thế giới thực; xác minh mã và cấu trúc blockchain. KTV cũng có thể sử dụng kiến thức chuyên môn trong việc kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin để phát triển các phương pháp mới, xác minh quyền sở hữu trong thế giới số.
Tăng cường vai trò tư vấn chiến lược
Khi blockchain được tích hợp và áp dụng rộng rãi hơn, vai trò của các công ty kiểm toán sẽ phát triển theo hướng tư vấn chiến lược. Với sự sẵn có của dữ liệu, KTV sẽ phân tích, giải thích, đem đến ý nghĩa cho việc ra quyết định quản lý của khách hàng. KTV chuyển từ người kiểm soát đơn giản về độ tin cậy của thông tin thành chuyên gia cố vấn chiến lược và là một đối tác thiết yếu trong quá trình phát triển hệ thống quản lý và kiểm soát của khách hàng.
Blockchain cho phép định hướng lại chính các hoạt động của các công ty kiểm toán, thể hiện vai trò tư vấn chiến lược với các dịch vụ liên tục có hàm lượng chuyên môn tư vấn cao để hỗ trợ khách hàng quản lý và kiểm soát công nghệ.
Mở ra các dịch vụ tư vấn mới
KTV có thể hỗ trợ khách hàng lựa chọn quy trình tốt nhất để triển khai blockchain. Với khách hàng đã sử dụng blockchain, trên cơ sở đánh giá rủi ro hệ thống quản lý, các công ty kiểm toán đưa ra lời khuyên để cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro.
Ngoài ra, các công ty kiểm toán có thể sử dụng kinh nghiệm trong ngành và mạng lưới khách hàng, đối tác sẵn có để: Phát triển các nhiệm vụ tư vấn mới về các phương pháp tốt nhất liên quan đến các giao thức sử dụng blockchain; cung cấp các dịch vụ mới trong việc lập kế hoạch và điều phối viên của những người tham gia tiềm năng của một giải pháp blockchain; đề xuất một blockchain được cấp phép cho khách hàng; tận dụng kiến thức chuyên môn kiểm toán để phát triển các dịch vụ mới về kiểm soát nội bộ kiểm toán blockchain.
Blockchain mang lại cơ hội cho ngành kiểm toán nhưng đòi hỏi phải đầu tư đáng kể về công nghệ thông tin và đào tạo… để thích ứng với nhu cầu thị trường mới./.
Từ 6 xu hướng trên, theo nhóm tác giả, Kiểm toán nhà nước cần chuẩn bị về con người, công nghệ và chính sách nhằm đảm bảo thực hiện được chức năng, nhiệm vụ trong quá trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và triển khai blockchain trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nói riêng, để tận dụng cơ hội mà blockchain mang lại trong hoạt động kiểm toán tài chính công và tài sản công. |
TS. LÊ ANH VŨ và ThS. PHẠM HÙNG ANH - KTNN chuyên ngành VII
(Báo Kiểm toán số 45/2022)