Các khái niệm và yêu cầu khi thực hiện SAS 145

16/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Việc đánh giá rủi ro tiềm tàng một cách đúng đắn sẽ giúp kiểm toán viên (KTV) thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo một cách hiệu quả, cũng như cải thiện chất lượng kiểm toán tổng thể.

Để củng cố quy trình đánh giá rủi ro và nâng cao chất lượng kiểm toán tổng thể, Viện Kế toán viên Công chứng Hoa Kỳ (AICPA) đã cập nhật Chuẩn mực kiểm toán số 145 (SAS 145) - Tìm hiểu đơn vị/môi trường của đơn vị và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu. Các sửa đổi trong SAS 145 không thay đổi các khái niệm chính mà chỉ làm rõ và nâng cao một số khía cạnh của việc xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu để thúc đẩy đánh giá rủi ro tốt hơn, từ đó nâng cao chất lượng kiểm toán.
 
Hiểu đúng bản chất của rủi ro
 
Theo các chuyên gia của AICPA và Viện Kế toán Quản trị Công chứng Anh Quốc (CIMA), rủi ro tiềm tàng là thông tin đầu vào quan trọng để tính toán rủi ro có sai sót trọng yếu. Nó có thể liên quan đến một loại giao dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh xuất hiện trong báo cáo tài chính. Hoặc, rủi ro tiềm tàng là khả năng một cơ sở dẫn liệu có thể bị sai sót trọng yếu hoặc có thể kết hợp với các sai sót khác để trở thành sai sót trọng yếu. Điều quan trọng là rủi ro tiềm tàng phải được đánh giá trước khi xem xét bất kỳ biện pháp kiểm soát liên quan nào.
 
KTV cần thận trọng khi đánh giá một cơ sở dẫn liệu dễ mắc phải sai sót bởi kết hợp với các sai sót khác, nó có thể là trọng yếu. Thực tế cho thấy rất nhiều lần KTV đánh giá rủi ro tiềm tàng dựa trên các kết luận không chính xác. Ví dụ, một giao dịch tiền mặt thường được xem là dễ kiểm tra và được xếp vào rủi ro thấp bởi KTV cho rằng tiền mặt được giữ trong ngân hàng hoặc tiền mặt được kiểm đếm vào cuối mỗi ngày. Như vậy, việc đánh giá rủi ro được thực hiện sau khi xem xét biện pháp kiểm soát thay vì dựa trên rủi ro tiềm tàng, trong khi về bản chất, rủi ro tiềm tàng xuất phát từ bản chất của giao dịch.
 
SAS 145 đưa ra một thuật ngữ mới: Các yếu tố của rủi ro tiềm tàng là “đặc điểm của các sự kiện hoặc điều kiện ảnh hưởng đến khả năng dẫn đến sai sót do gian lận hoặc nhầm lẫn của một cơ sở dẫn liệu về một loại giao dịch, số dư tài khoản hoặc thuyết minh, trước khi xem xét các biện pháp kiểm soát”.
 
Các yếu tố rủi ro tiềm tàng có thể là định tính, bao gồm: Sự phức tạp, tính chủ quan, thay đổi, sự không chắc chắn hoặc khả năng xảy ra sai sót do sự thiên vị của Ban quản lý. Trong đó, sự phức tạp gia tăng như một yếu tố rủi ro liên quan đến các công cụ phái sinh, hoặc các lĩnh vực khác khó ước tính. Tính chủ quan gia tăng cũng thường được thấy trong các ước tính hoặc trong các lĩnh vực dựa trên phán đoán. Yếu tố rủi ro này phát sinh từ những hạn chế khi tiếp cận thông tin khách quan dẫn đến việc Ban quản lý phải đưa ra lựa chọn hoặc đánh giá chủ quan và đưa vào báo cáo tài chính.
 
Sự thay đổi xuất phát từ các sự kiện theo thời gian ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc các biến động về kinh tế, kế toán, quy định, môi trường mà doanh nghiệp hoạt động. Những sự kiện lớn hiện nay dẫn đến sự thay đổi là đại dịch Covid-19, lạm phát gia tăng, khả năng suy thoái kinh tế… Sự không chắc chắn xảy ra khi thông tin cần thiết không đầy đủ và thường thấy trong các ước tính về hành động pháp lý. Còn sự thiên vị của Ban quản lý dễ xảy ra do Ban quản lý không thể duy trì tính trung lập trong việc chuẩn bị thông tin (cố ý hoặc vô ý) dẫn đến sai sót trong báo cáo tài chính.
 
Ngoài ra, các yếu tố rủi ro tiềm tàng cũng có thể là định lượng, chẳng hạn như: Tầm quan trọng của loại giao dịch, số dư tài khoản hoặc khối lượng/sự thiếu đồng nhất trong thành phần của các mục được xử lý.
 
Các yêu cầu với kiểm toán viên
 
SAS 145 yêu cầu các yếu tố rủi ro tiềm tàng phải được xem xét trong quá trình kiểm toán để hiểu được đơn vị và môi trường của đơn vị cũng như khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng. Theo đó, đoạn 19 - SAS 145 yêu cầu KTV phải hiểu rõ các yếu tố rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng như thế nào đến khả năng cơ sở dẫn liệu dễ mắc sai sót và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đó trong quá trình lập báo cáo tài chính. Các thủ tục này dựa trên kết quả hiểu biết của KTV khi thu thập đầy đủ thông tin về đơn vị và môi trường của đơn vị.
 
Hơn nữa, SAS 145 cũng yêu cầu các yếu tố rủi ro tiềm tàng phải được xem xét khi đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Đoạn 35 - SAS 145 yêu cầu KTV xem xét cách thức và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố rủi ro tiềm ẩn đến khả năng dẫn đến sai sót của các cơ sở dẫn liệu liên quan.
 
Các chuyên gia của AICPA nhấn mạnh rằng, các yếu tố rủi ro tiềm tàng là một chủ đề hay và cần nghiên cứu kỹ khi nhóm kiểm toán cùng họp lại để thảo luận về việc áp dụng khuôn khổ lập và trình bày báo cáo tài chính. Ngoài ra, rủi ro tiềm ẩn cũng hướng KTV đến các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng có sai sót của cơ sở dẫn liệu, từ đó xác định các rủi ro có sai sót trọng yếu một cách tập trung hơn./.
Theo AICPA, SAS 145 có hiệu lực đối với các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính cho các giai đoạn kết thúc vào hoặc sau ngày 15/12/2023. Việc áp dụng SAS 145 giúp KTV đánh giá được các rủi ro có sai sót trọng yếu và nâng cao chất lượng kiểm toán tổng thể.
 
Các sửa đổi trong SAS 145 làm rõ và nâng cao một số khía cạnh của việc xác định, đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu. 

 THÙY LÊ
 

Xem thêm »