Tập trung đánh giá toàn diện các chương trình hành động của Chính phủ

30/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo kinh nghiệm của Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Myanmar, cuộc kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) phải tập trung đánh giá xem các chương trình hành động của Chính phủ có phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững hay không. Việc đánh giá này cần dựa trên cách tiếp cận toàn Chính phủ để đảm bảo mục tiêu “không bỏ lại ai phía sau”…

SAI Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng nguyên tắc của ISAM và chú trọng các tiếp cận đa đối tượng trong các cuộc kiểm toán

Hướng tới cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và hệ sinh thái

Myanmar đang hướng tới SDGs thông qua sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Cùng với đó, kế hoạch phát triển bền vững của quốc gia cũng được thiết lập và giám sát dựa trên các cam kết trong khuôn khổ chiến lược phát triển bền vững của ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng và SDGs của Liên Hợp Quốc.

Hiện nay, Myanmar đang nỗ lực thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ thông qua Chương trình phát triển quốc gia giai đoạn 2011-2031 và Chương trình cải cách kinh tế - xã hội nhằm xác định chính sách ưu tiên trong 5 năm tiếp theo. Cùng với đó, Kế hoạch phát triển bền vững giai đoạn 2018-2028 cũng được triển khai thông qua việc xây dựng một ngân hàng dự án để có được chiến lược đồng bộ, minh bạch, hướng tới phát triển bền vững cấp quốc gia và toàn cầu.

Theo đó, Myanmar hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo người dân được hưởng hòa bình, ổn định vào năm 2030. SDGs của Myanmar dựa trên 5 trụ cột là người dân, hành tinh, triển vọng, hòa bình và quan hệ đối tác để cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và hệ sinh thái với phương châm “không bỏ lại ai phía sau”.

Đối với hoạt động kiểm toán, SAI Myanmar đã rất chú trọng kiểm toán việc thực hiện SDGs theo Tuyên bố Hà Nội năm 2018. Cùng với đó, SAI Myanmar thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ cộng đồng kiểm toán quốc tế về sử dụng ISAM - mô hình kiểm toán SDGs của Cơ quan Sáng kiến phát triển thuộc Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (IDI) cũng như tham gia khóa đào tạo để nâng cao năng lực kiểm toán lĩnh vực này.
 
Hiểu rõ các mục tiêu phát triển bền vững trước khi lập kế hoạch kiểm toán

Kiểm toán SDGs đòi hỏi các SAI phải tập trung vào các chính sách thực hiện các mục tiêu do quốc gia xác định cũng như đánh giá kết quả triển khai các chính sách này. Qua kiểm toán, SAI Myanmar thấy rằng, cuộc kiểm toán SDGs phải kiểm tra và đánh giá xem các chương trình hành động của Chính phủ có phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững hay không. Đoàn kiểm toán cần dựa trên cách tiếp cận toàn Chính phủ (phương pháp được phát triển dựa trên khái niệm “sự tham gia của Chính phủ”) để đảm bảo mục tiêu “không bỏ lại ai phía sau”.

Hiện nay, SAI Myanmar đang áp dụng các nguyên tắc trong ISAM để triển khai các cuộc kiểm toán việc thực hiện SDGs, đây là phương pháp giúp nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Để áp dụng thành công các nguyên tắc này, SAI cần hiểu rõ về SDGs và mục tiêu phát triển chung của quốc gia, mối liên hệ giữa hai nhóm mục tiêu này, cấu trúc của Chính phủ; xác định hệ thống đánh giá theo ISAM và tiến hành đánh giá kết quả thực hiện SDGs cũng như mục tiêu chung của quốc gia.

Khi lập kế hoạch kiểm toán, đoàn kiểm toán cần phải xác định hệ sinh thái phát triển bền vững thông qua các phân tích về yếu tố con người, đánh giá rủi ro, lợi ích các bên tham gia, kiểm soát chất lượng kiểm toán... để đảm bảo các cấu phần của quá trình kiểm toán đều phù hợp. Trong đó, đoàn kiểm toán cần đặc biệt lưu ý đến tiêu chí mọi đối tượng tham gia đều phải phù hợp với cuộc kiểm toán, đồng thời có các quy định phù hợp để cuộc kiểm toán thành công, góp phần tạo ra hệ sinh thái phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi sự hợp tác của các cơ quan nhà nước và cơ quan chuyên môn.

Một ví dụ cụ thể là trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán giao thông bền vững, SAI Myanmar đã đặt nội dung kiểm toán này trong bối cảnh chung của SDGs, cũng như đánh giá ảnh hưởng về môi trường của hệ thống giao thông vận tải và các biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực. Điều quan trọng nhất đối với cuộc kiểm toán này là xác định được quy mô kiểm toán bởi đây là lĩnh vực rộng, cần có sự cân bằng về nhân lực, vật lực cho quá trình kiểm toán và tính đến sự liên quan giữa SDGs với giao thông bền vững.

Hay khi triển khai kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện SDGs, SAI Myanmar đã xây dựng kế hoạch dựa trên các đánh giá về sự phù hợp với SDGs, phân tích mục tiêu và chiến lược của quốc gia, phân tích dữ liệu; thảo luận với các khu vực liên quan. Đây là cuộc kiểm toán hợp tác giữa SAI Myanmar và các SAI: Việt Nam, Thái Lan nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao về thúc đẩy vai trò của SAI trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và Tuyên bố Hà Nội. Quá trình kiểm toán, Đoàn kiểm toán đã gặp không ít thách thức bởi sông Mê Công là khu vực hẻo lánh, khó tiếp cận và thu thập dữ liệu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng. Tuy nhiên, SAI Myanmar đã rất nỗ lực để thực hiện thành công cuộc kiểm toán này.

Ngoài ra, việc thực hiện kiểm toán từ xa cũng gây ra một số khó khăn nhất định và SAI Myanmar đã rất chú trọng kiểm soát rủi ro để đảm bảo an ninh và an toàn cho các cuộc khảo sát, điều tra, kiểm toán. Theo kế hoạch, SAI Myanmar sẽ tăng cường các cuộc kiểm toán hợp tác, kiểm toán môi trường, kiểm toán SDGs nhiều hơn trong tương lai.

Hồng Anh (ghi)
(Báo Kiểm toán số 39/2021)

 
 

Xem thêm »