Canada: Ngành thủy sản cần tăng cường khả năng ứng phó với thách thức

03/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Oceana là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu có trụ sở chính tại Hoa Kỳ, tập trung nghiên cứu các tác động, chính sách ở mỗi quốc gia để bảo tồn và phục hồi đại dương. Đây là tổ chức quốc tế lớn nhất được thành lập với mục tiêu bảo tồn đại dương bằng cách thực hiện nghiên cứu độc lập, đưa ra các khuyến nghị, vận động thực hiện luật, nộp đơn và khởi kiện các vụ việc có liên quan đến hành vi phá hoại môi trường biển. Oceana Canada được thành lập năm 2015, hoạt động với sự hợp tác của Oceana và là thành viên của Oceana. Đến nay, tổ chức mẹ và các tổ chức thành viên đã thực hiện nhiều chiến dịch kêu gọi việc đánh bắt thủy hải sản có trách nhiệm, chống lại tình trạng ô nhiễm nhựa, kêu gọi minh bạch trong khai thác, chế biến thủy sản vì sức khỏe con người, bảo vệ đại dương trước nhiều mối đe dọa…


 
 
 
Tổ chức Oceana Canada vừa công bố Báo cáo kiểm toán thường niên 2021. Báo cáo có chủ đề “Tái tạo những tiềm năng của đại dương”, trong đó chỉ ra nhiều thách thức mà ngành thủy sản Canada đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt trong tương lai.
 
Năm 2017, Oceana Canada xuất bản Báo cáo kiểm toán thủy sản lần đầu tiên, kể từ đó tới nay, Tổ chức đã thực hiện kiểm toán hằng năm nhằm xem xét thực trạng hoạt động đánh bắt, bảo tồn thủy sản tại Canada, cũng như đánh giá công tác quản lý của Bộ Thủy sản và Đại dương (DFO).

Theo Báo cáo, sản lượng thủy sản trong năm 2021 đã giảm mạnh so với năm 2017. Hơn nữa, nhiều nguồn cung thủy sản đang cạn kiệt nghiêm trọng và hơn 80% trong số các nguồn cung đó chưa có kế hoạch được tái tạo. Ngày nay, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… khiến môi trường sống của chúng bị phá hủy nặng nề, trong khi đó tốc độ đánh bắt lại tăng cao quá mức. Vì vậy, việc bảo vệ và cải thiện sức khỏe, nâng cao số lượng các quần thể cá hoang dã tại Canada là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu.

Oceana Canada nhận định rằng, trong 5 năm qua, DFO đã đạt được một số tiến bộ như: Minh bạch hơn trong các hoạt động nói chung; có nhiều khoản đầu tư mới vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học; thực hiện các chuẩn mực mới trong giám sát, thực hiện Đạo luật thủy sản và đưa những quy định mới giúp tái tạo các nguồn cung cấp thủy sản đang dần cạn kiệt trở thành luật. Tuy nhiên, trong nửa thập kỷ qua, công tác quản lý ngành thủy sản của Canada đã lộ rõ những thiếu sót; một số chính sách DFO đưa ra chưa thực sự khả thi, một số kế hoạch lớn, nhiều khoản đầu tư khó có thể được thực hiện do Chính phủ chưa đủ nguồn kinh phí. Các báo cáo kiểm toán của Oceana Canada trong nhiều năm qua cũng cho thấy, DFO chưa cải thiện được cách thức quản lý ngành thủy sản ở Canada.

Oceana Canada khuyến nghị Chính phủ Canada nói riêng và các nước nói chung cần hành động ngay để giải quyết tình trạng trên, nhấn mạnh các biện pháp được áp dụng trong phạm vi khu vực và trên toàn cầu để khôi phục các nguồn tài nguyên phong phú của đại dương.  

Oceana Canada vạch ra các hành động rất cụ thể, rõ ràng như: DFO cần nghiêm túc thực hiện các quy định trong Đạo luật thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi giúp việc đưa các nguồn cá của Canada trở lại dồi dào như trước. Bộ cũng cần dựa trên cơ sở khoa học, nghiên cứu các điều kiện tại địa phương để xây dựng và đưa ra các quyết sách có lợi cho ngành thủy sản; có các biện pháp tích cực giúp phục hồi các loại cá là nguồn thực phẩm quan trọng; theo dõi và báo cáo về số lượng cá được thu hoạch bằng tất cả các nguồn đánh bắt để phục vụ công tác quản lý cũng như đưa ra các biện pháp bảo tồn, phát triển.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét việc xây dựng lại quần thể cá hoang dã, coi đó là một ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch bảo vệ, phát triển hệ sinh thái biển vì tương lai của nền kinh tế không thể tách biệt với tình trạng của đại dương, nguồn cung cấp thực phẩm cho dân số ngày càng tăng trên thế giới./.

(Theo oceana.ca và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 48/2021)

 
 

Xem thêm »