Nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán chuyên đề

21/09/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng chú trọng đến kiểm toán chuyên đề (KTCĐ), đặc biệt là các chuyên đề gắn với những vấn đề “nóng”, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội của đất nước. Thực tế này cũng yêu cầu KTNN phải nhận diện rõ đặc trưng của KTCĐ, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng kiểm toán.

Cần hiểu rõ đặc thù để thực hiện tốt, nâng cao chất lượng các cuộc KTCĐ. Ảnh: N.LỘC

Kiểm toán chuyên đề giúp “đi đến cùng” vấn đề…

Trải qua gần 30 năm hoạt động, KTNN đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực KTCĐ với nhiều cuộc kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi kiểm toán rộng, sử dụng nhiều nguồn lực của Nhà nước. Các vấn đề được lựa chọn kiểm toán đều là những vấn đề có tính thời sự, được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Điển hình như các chuyên đề: Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021; công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; chuyên đề mua sắm trang thiết bị y tế...

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, nhờ lựa chọn đúng, trúng chủ đề kiểm toán, kết quả KTCĐ đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được tiết kiệm và hiệu quả hơn; hoạt động kiểm toán đã tạo lòng tin trong dư luận và công chúng. Kết quả kiểm toán đã phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Theo Trưởng phòng Tổng hợp (KTNN khu vực V) Đỗ Huệ Tùng, bên cạnh mục tiêu xác định tính đúng đắn, trung thực của các số liệu quyết toán; đánh giá tính tuân thủ hệ thống các văn bản về quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước; kiến nghị xử lý các sai phạm về công tác quản lý kinh tế, tài chính tại các đơn vị được kiểm toán, các cuộc KTCĐ ngày càng coi trọng hơn đến mục tiêu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Đặc biệt, với lợi thế phạm vi kiểm toán kéo dài trong nhiều thời kỳ so với các cuộc kiểm toán khác sẽ giúp KTCĐ có cơ hội nhìn nhận vấn đề trong một quá trình để đánh giá tốt tính kinh tế, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đại diện KTNN khu vực IV cho rằng, từ những ưu thế này sẽ giúp KTCĐ đi sâu làm rõ “đến tận cùng” của vấn đề. Dẫn chứng từ kết quả KTCĐ quản lý, sử dụng túi ni lông do KTNN khu vực IV thực hiện (qua theo dõi, đánh giá trong một thời kỳ nhất định) cho thấy, việc miễn, giảm thuế đối với túi ni lông thân thiện môi trường không hiệu quả như mong muốn; tác động từ chính sách thuế đối với việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông gây ô nhiễm môi trường không đáng kể, do không phân biệt được ranh giới rõ ràng giữa doanh nghiệp sản xuất túi ni lông thân thiện hay không thân thiện với môi trường…

Những lưu ý để nâng cao chất lượng kiểm toán

Hiện, KTNN đang xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2024. Theo định hướng, KTNN sẽ không tăng số lượng, cơ cấu nhiệm vụ kiểm toán so với KHKT năm 2023, trong đó Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý, KTNN sẽ ưu tiên các chuyên đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng. Trên cơ sở đó, nếu còn nguồn lực, các đơn vị có thể lựa chọn chủ đề, chuyên đề liên quan đến các vấn đề “nóng” tại địa phương để kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Là đơn vị chủ trì, tổ chức thực hiện thành công hàng chục cuộc KTCĐ có phạm vi toàn Ngành, theo KTNN chuyên ngành III, để các cuộc KTCĐ đạt chất lượng, hiệu quả, các đơn vị cần chú trọng chất lượng nguồn nhân lực. Điều này xuất phát từ đặc thù KTCĐ là lĩnh vực kiểm toán khó, do đó, kiểm toán viên cần đi sâu phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội trong sử dụng nguồn lực công và dự báo kinh tế - tài chính để giúp Quốc hội, Chính phủ có thêm thông tin trong quá trình xây dựng, quyết định chính sách.

“Điều này đòi hỏi kiểm toán viên phải có những kiến thức sâu rộng, vừa phải có kiến thức vĩ mô, vừa có kiến thức kinh tế, kỹ thuật của các ngành khác nhau; đặc biệt là khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô” - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Tùng Lâm cho biết; đồng thời khẳng định, việc chuẩn bị tốt nguồn lực con người là yêu cầu tiên quyết để làm nên thành công của cuộc kiểm toán.

Bên cạnh đó, cần đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán, tăng cường thực hiện theo mô hình kiểm toán tập trung thống nhất đối với các cuộc kiểm toán có quy mô lớn để đảm bảo xuyên suốt trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thống nhất trong kết luận, kiến nghị kiểm toán, tạo thuận lợi cho quá trình tổng hợp kết quả cuộc KTCĐ của toàn Ngành. Các đơn vị kiểm toán cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới để tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán, nâng cao khả năng phát hiện trong quá trình kiểm toán.

Từ kinh nghiệm triển khai KTCĐ, KTNN khu vực VII cho rằng, đơn vị được giao chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán phải đề cao uy tín, trách nhiệm trong xây dựng đề cương hướng dẫn kiểm toán, đảm bảo cụ thể, rõ ràng, chi tiết và phù hợp với thực tế thực hiện chương trình, đề án, tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp thực hiện được hiệu quả.

Đặc biệt, các đơn vị kiểm toán cũng lưu ý, để đảm bảo chất lượng KTCĐ, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát rủi ro kiểm toán để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, cũng như phòng ngừa vi phạm từ sớm, trong đó, cần đề cao vai trò người đứng đầu, người phụ trách các bộ phận trong thực hiện kiểm toán, đảm bảo gắn trách nhiệm của từng cá nhân, từng khâu với kết quả thực hiện nhiệm vụ./.

Nguyễn Lộc

Theo Báo Kiểm toán số 38/2023

Xem thêm »