Kinh nghiệm trong kiểm toán việc đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công ích

30/11/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Dịch vụ công ích (DVCI) có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa như hiện nay. Với ý nghĩa đó, trong hai năm 2022-2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) lựa chọn tổ chức kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp DVCI. Những kinh nghiệm được rút ra từ cuộc kiểm toán là bài học hữu ích cho công tác tổ chức các cuộc kiểm toán tương tự của Ngành.

Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm toán việc tổ chức đấu thầu DVCI. Ảnh tư liệu

Lần đầu tiên kiểm toán chuyên đề về đặt hàng, đấu thầu DVCI

Theo Vụ Tổng hợp, từ năm 2021 trở về trước, KTNN chưa thực hiện cuộc kiểm toán chuyên sâu đối với việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu DVCI. Tuy nhiên, khi kiểm toán ngân sách địa phương, các đơn vị đã lồng ghép thực hiện, trong đó có đánh giá nguồn kinh phí cho đặt hàng, đấu thầu DVCI. Trên cơ sở các kết quả và kinh nghiệm thực hiện kiểm toán, KTNN đã tổ chức kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp DVCI tại một số địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nổi cộm là trong công tác lập, phân bổ và giao dự toán chi DVCI, một số đơn vị xác định nội dung, khối lượng công việc thực hiện làm cơ sở lập dự toán các dịch vụ còn chưa đảm bảo căn cứ, không thuyết minh rõ các nội dung công việc; giao dự toán đối với hoạt động giá DVCI chỉ căn cứ vào khối lượng thực tế, chưa căn cứ vào định mức đơn giá do địa phương chưa ban hành. Nhiều địa phương chưa thực hiện đặt hàng hoặc thực hiện đặt hàng đối với một số DVCI chưa đảm bảo điều kiện theo quy định. Việc thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán còn sai quy định, thiếu căn cứ...
 

Kết quả của các cuộc kiểm toán đã thực hiện cho thấy việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp DVCI còn nhiều tồn tại hạn chế (công tác lập, phân bổ và giao dự toán chi phí DVCI; tổ chức đấu thầu, đặt hàng cung ứng DVCI…), đòi hỏi đánh giá, kiến nghị của KTNN đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả để các cơ quan, đơn vị thực hiện, hạn chế, giảm dần và không còn các tồn tại - Vụ Pháp chế.

Đánh giá về những phát hiện này, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Bùi Thị Minh Ngọc cho biết, vấn đề đặt hàng, đấu thầu DVCI sẽ ngày càng được đẩy mạnh trong thời gian tới, tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, dẫn đến trong triển khai thực hiện còn bất cập như kiểm toán chỉ ra. Do đó, “khi tổ chức kiểm toán chuyên sâu, đánh giá trên diện rộng, đồng bộ tại các địa phương sẽ giúp cơ quan quản lý, địa phương nhìn nhận rõ hơn công tác quản lý, tổ chức thực hiện để từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm và có giải pháp sử dụng kinh phí cho các hoạt động DVCI tiết kiệm, hiệu quả hơn” - bà Ngọc cho biết.

Là một trong những đơn vị có nhiều phát hiện nổi bật qua cuộc kiểm toán này, ông Hoàng Mạnh Hùng (KTNN khu vực II) cho biết, góp phần quan trọng để mang lại kết quả kiểm toán vừa qua, đó là đơn vị đã thực hiện tốt công tác khảo sát, thu thập thông tin. Theo đó, công tác này đã được triển khai đồng bộ giữa các cơ quan tổng hợp, các cơ quan thanh kiểm tra và các đơn vị chi tiết. “Kết thúc khảo sát lựa chọn các đầu mối kiểm toán, đơn vị thống nhất với các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra tại các địa phương để tránh chồng chéo, trùng lặp” - ông Hùng nói và cho biết thêm, công tác khảo sát, thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán (KHKT) của đơn vị đã chú trọng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán đối với các nội dung kiểm toán trọng tâm. Nhờ đó, quá trình triển khai kiểm toán không có nhiều phát sinh mới.

Những lưu ý khi thực hiện kiểm toán

Xác định những kinh nghiệm được chia sẻ từ cuộc kiểm toán này sẽ giúp cho các cuộc kiểm toán sau tiếp thu, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, các ý kiến đặt ra lưu ý và kiến nghị đối với việc tổ chức thực hiện kiểm toán đối với các nội dung mới trong thời gian tới.

Nhấn mạnh công tác khảo sát, thu thập thông tin, lập KHKT đóng vai trò rất quan trọng, nhất là đối với cuộc kiểm toán chuyên đề lĩnh vực mới như DVCI, KTNN khu vực II kiến nghị cần tăng cường công tác tập huấn về khảo sát, thu thập thông tin, lập KHKT đối với chuyên đề; đi sâu vào các nội dung trọng yếu và ban hành các biểu khảo sát, thu thập thông tin. “Khi xây dựng đề cương khảo sát chi tiết, cần phải xây dựng hệ thống các tiêu chí để đánh giá. Các tiêu chí xây dựng có thể dựa vào hệ thống tiêu chuẩn, định mức có sẵn để chứng minh cho các nội dung nhận định trọng yếu kiểm toán” - ông Hùng cho biết.

Từ thực tiễn một số khó khăn các đoàn kiểm toán gặp phải vừa qua trong việc áp dụng pháp luật vào hoạt động kiểm toán, KTNN khu vực I cho rằng, kiểm toán viên cần cập nhật văn bản cho kịp thời để áp dụng chính xác. Nêu dẫn chứng, KTNN khu vực I cho biết, theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP về sản xuất, cung ứng sản phẩm, DVCI, các dịch vụ như: Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chiếu sáng đô thị; thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải, vệ sinh công cộng… là sản phẩm DVCI. Tuy nhiên, khi các dịch vụ trên được Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoặc chưa tính đủ chi phí trong giá và được ngân sách nhà nước hỗ trợ thì theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 3 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP về giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu DVCI thì đây là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, không còn là sản phẩm, DVCI.

Liên quan đến vấn đề áp dụng pháp luật trong kiểm toán nói chung, nhất là với những chuyên đề lần đầu tiên được thực hiện như kiểm toán DVCI, bà Đỗ Thị Lan Hương (Vụ Pháp chế, KTNN) cho rằng, Luật KTNN sửa đổi đã cho phép đối tượng kiểm toán được quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên là phải thực sự lưu ý đến vấn đề áp dụng văn bản pháp luật khi đưa ra đánh giá, nhận xét. Tránh tình trạng dẫn chiếu không đúng sẽ dẫn đến khiếu nại, khởi kiện, gây ảnh hưởng đến uy tín của Ngành.  

“Không còn cách nào khác, đó là ngoài trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm toán viên cần phải không ngừng cập nhật văn bản pháp luật, nắm chắc, hiểu đúng để áp dụng văn bản cho phù hợp, chính xác. Đây chính là yêu cầu lãnh đạo Ngành đặt ra với toàn đơn vị, từng kiểm toán viên” - bà Hương cho biết./.

Theo Báo Kiểm toán số 48/2023

Xem thêm »