Làm rõ nguyên nhân phải chi, tăng chi chuyển nguồn

30/11/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ông Nguyễn Đức Tín - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực V cho rằng, các khoản chi chuyển nguồn đang có xu hướng tăng và có những khoản kinh phí được chi chuyển nguồn nhiều năm. Điều đó cho thấy địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ chi đã được giao tại dự toán năm và chưa hoàn thành nhiệm vụ quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Kiểm toán viên cần phân loại và xác định rõ các khoản chi chuyển nguồn kéo dài nhiều năm để đánh giá tình trạng chi chuyển nguồn. Ảnh tư liệu

Làm rõ nguyên nhân để đánh giá thực trạng chi chuyển nguồn

Theo ông Nguyễn Đức Tín, khi thực hiện kiểm toán chi chuyển nguồn trong kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (BCQT NSĐP) cần thực hiện theo Hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP ban hành theo Quyết định số 682/QĐ-KTNN của Tổng Kiểm toán nhà nước đồng thời lưu ý một số nội dung:

Kiểm toán viên cần phân loại và xác định rõ các khoản chi chuyển nguồn kéo dài nhiều năm, như chi chuyển 1 năm, 2 năm, 3 năm... để đánh giá tình trạng chi chuyển nguồn; các khoản chi kéo dài nhiều năm thể hiện việc chậm trễ, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị dự toán, chủ đầu tư (do chưa triển khai, do kéo dài thời gian thực hiện). Bên cạnh việc kiểm toán việc thực hiện chi chuyển nguồn có phù hợp quy định, có cơ sở, bằng chứng hay không, kiểm toán viên phải làm rõ nguyên nhân chi chuyển nguồn, nguyên nhân chi chuyển nguồn qua nhiều năm để đánh giá, phản ánh được thực trạng chi chuyển nguồn để Quốc hội, hội đồng nhân dân (HĐND) biết và kiến nghị phù hợp.

Kiểm toán viên cần rà soát các khoản chi chuyển nguồn trọng yếu, một số khoản chi chuyển nguồn thường có sai sót và đơn vị thực hiện không đúng quy định để kiểm toán như: Các khoản bổ sung có mục tiêu của ngân sách cấp trên còn thừa, không có nhu cầu sử dụng, không còn nhiệm vụ chi, chưa nộp trả ngân sách cấp trên, nhưng các địa phương thường cho chi chuyển nguồn sang năm sau trong tổng số dư kinh phí bổ sung có mục tiêu. Kiểm toán viên cần yêu cầu cung cấp chi tiết số dư kinh phí bổ sung có mục tiêu, xác định số được chi chuyển nguồn và số không được chi chuyển nguồn để xử lý; bên cạnh kiến nghị giảm chi chuyển nguồn đồng thời kiến nghị nộp trả ngân sách cấp trên kinh phí bổ sung có mục tiêu không còn nhiệm vụ chi.

Đối với các khoản tăng thu, tiết kiệm, một số địa phương đã thực hiện chi chuyển nguồn đối với số chưa sử dụng đến cuối năm mà không chú ý đến quy định tại khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước là phải được cấp có thẩm quyền quyết định cho phép sử dụng vào năm sau thì mới được chi chuyển nguồn. Có địa phương lưu ý thực hiện quy định này nhưng lại thiếu thủ tục (phải được thường trực HĐND quyết định cho phép sử dụng vào năm sau).
 

Chi chuyển nguồn là một trong những nội dung Quốc hội yêu cầu KTNN phải làm rõ để cung cấp thông tin cho hoạt động giám sát. Kiểm toán chi chuyển nguồn là nội dung kiểm toán trọng yếu tại sở tài chính mà kiểm toán viên phải chú trọng kiểm tra, làm rõ nguyên nhân phải chi chuyển nguồn, tăng chi chuyển nguồn.

Nguyễn Đức Tín - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V.


Rà soát kỹ số liệu chi chuyển nguồn cải cách tiền lương

Đối với chi chuyển nguồn cải cách tiền lương, ngoài số liệu do kiểm toán viên kiểm tra, xác định số phải trích lập, số được sử dụng còn phải căn cứ vào số quyết toán nguồn cải cách tiền lương của Bộ Tài chính đối với năm được kiểm toán của địa phương.

Kiểm toán viên cần xem xét các số liệu do Bộ Tài chính xác định, đối chiếu với số liệu do kiểm toán viên xác định, từ đó xác định đúng số dư nguồn cải cách tiền lương được chi chuyển nguồn sang năm sau. Trong thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên thường gặp sai sót khi xác định số chi chuyển nguồn đối với số dư nguồn cải cách tiền lương do xác định không đúng, không đủ các nguồn tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm được kiểm toán. Vì vậy, cần thận trọng và rà soát kỹ số liệu này…

Khi xem xét, ghi nhận kết quả kiểm toán và kiến nghị xử lý đối với các khoản chi chuyển nguồn không đúng quy định, để việc kiến nghị kiểm toán có tính khả thi cao, cần lưu ý: Một số địa phương đã chi chuyển nguồn các nội dung được giao dự toán trước ngày 30/9 hằng năm là không đúng quy định. Theo quy định thì phải điều chỉnh giảm chi chuyển nguồn, tuy nhiên khi thực hiện kiểm toán thường vào giữa năm đến tháng 10 và có thể các khoản chi này đã thực hiện. Do đó, không nên kiến nghị giảm chi chuyển nguồn đối với số đã chi, mà chỉ nên kiến nghị rút kinh nghiệm/xem xét trách nhiệm và có ý kiến ngoại trừ khi đánh giá tính đúng đắn, hợp lý của BCQT vì không thể thu hồi số đã chi, hoặc địa phương không thể giao lại dự toán để quyết toán khoản đã chi vào năm sau.

Đối với ngân sách cấp quận, huyện, do thời điểm thực hiện kiểm toán vào tháng 10 nên BCQT ngân sách quận, huyện đã được HĐND quận, huyện phê chuẩn, do đó, nếu điều chỉnh thì HĐND quận, huyện phải phê chuẩn lại BCQT ngân sách huyện. Vì vậy, cần đánh giá tính trọng yếu của sai sót trong chi chuyển nguồn tại ngân sách cấp quận, huyện để có kiến nghị phù hợp. Nếu sai sót không đáng kể thì không nên kiến nghị giảm chi chuyển nguồn để tránh phải thực hiện thủ tục điều chỉnh không trọng yếu./.
 

Qua kiểm toán, KTNN khu vực V phát hiện: Chi chuyển nguồn tăng thu tiền sử dụng đất nhưng ủy ban nhân dân chưa lập phương án sử dụng để báo cáo thường trực HĐND quyết định và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất theo quy định.

Chuyển nguồn các khoản kinh phí được giao dự toán trước ngày 30/9 hằng năm trong khi đó không được phép chuyển nguồn khoản kinh phí này.

Chi chuyển nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu nhưng hết nhiệm vụ chi chưa phù hợp với quy định; đối với các khoản kinh phí được cấp sau ngày 30/9 được phép chuyển nguồn nhưng các khoản này đã hết nhiệm vụ chi nhưng địa phương vẫn chi chuyển nguồn.

Nguồn cải cách tiền lương theo quy định phải chi chuyển nguồn nhưng các địa phương không thực hiện chuyển nguồn theo quy định mà để tồn, kết dư ngân sách.

Chuyển nguồn các khoản tạm ứng đầu tư xây dựng cơ bản đã tạm ứng quá thời gian quy định; các nguồn kinh phí do cơ quan tài chính chưa phân bổ (cấp 0), chuyển nguồn dự phòng ngân sách chưa sử dụng hết không đúng quy định.


Theo Báo Kiểm toán số 48/2023
 

 

Xem thêm »