Liberia: Kiểm toán tiền lương - nhiệm vụ nặng nề nhưng cấp thiết

06/05/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ủy ban KTNN Liberia (GAC) vừa hoàn thành cuộc kiểm toán xem xét công tác quản lý quỹ lương và việc thanh toán lương cho công chức nhà nước. Theo báo cáo mới được GAC công bố, nhiều sai phạm đã bị phát hiện, nhiều công chức có thể phải hoàn lại tiền lương đã nhận sai về ngân sách công.

Cần thiết thực hiện cuộc kiểm toán

Vào năm 2018, Nhóm Dự luật tiền lương quốc gia, có sự tham gia của các chuyên gia thuộc Cơ quan Quản lý công chức, Bộ Tài chính và Kế hoạch phát triển, đã được thành lập để thực hiện kế hoạch rà soát danh sách công chức nhà nước. Nhóm được giao nhiệm vụ thực hiện việc đồng bộ hệ thống theo dõi, quản lý tiền lương giữa các Bộ, ban, ngành, cơ quan nhà nước vào một cơ sở dữ liệu hợp nhất theo chủ trương của Chính phủ. Nhóm cũng được giao nhiệm vụ quản lý, phân bổ ngân sách và xây dựng phần mềm tính lương mới dùng cả đô-la Liberia và đô-la Mỹ để thanh toán tiền lương.

Sau hơn 4 năm triển khai, Chính phủ Liberia và Ngân hàng Thế giới, với tư cách là đối tác phát triển, cho rằng, GAC cần tiến hành kiểm toán nhằm xem xét kỹ lưỡng các nhiệm vụ Nhóm Dự luật được giao, đồng thời đảm bảo rằng hệ thống quản lý tiền lương mới phù hợp và đủ khả năng để nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong khu vực công.

Các đối tác quốc tế của GAC cho rằng, Ủy ban cần thuê một hãng kiểm toán độc lập, các chuyên gia bên ngoài sẽ có một số lợi thế hơn, khách quan hơn trong quá trình xác minh, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ Nhóm được giao. GAC vẫn tham gia vào cuộc kiểm toán nhằm thực hiện một số nhiệm vụ, hỗ trợ công tác kiểm toán nhằm đảm bảo tính toàn vẹn cũng như việc tuân thủ các chuẩn mực, hỗ trợ xem xét hoạt động của các hệ thống và việc quản lý dữ liệu…

GAC cho biết sẽ tiến hành rà soát lần lượt bảng lương của mọi công chức nhà nước để đảm bảo rằng tất cả những người nằm trong cơ sở dữ liệu tiền lương của quốc gia đều là người thật, việc thật chứ không phải là những nhân sự “ảo”, được “vẽ” ra để biển thủ ngân sách lương của Nhà nước. Đại diện GAC cho biết: “Từ ngày 04 - 15/4/2022, chúng tôi đã bố trí các đội kiểm toán viên đến 15 quận để thực hiện xác minh số lượng công chức. Các địa phương có đông công chức được bố trí 2 đội kiểm toán viên”.
 
Kiên quyết xóa bỏ sai phạm

Tổng Kiểm toán nhận định: “Kiểm toán lương chi từ ngân sách là một nhiệm vụ rất nặng nề và từng được một số cơ quan, tổ chức ở Liberia tiến hành. Tuy nhiên, họ đã gặp phải khá nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện. Hiện nay, GAC đã đưa phần mềm kiểm toán tiền lương vào sử dụng để cung cấp dữ liệu cho quá trình thực hiện cuộc kiểm toán được liên tục, chính xác. Ủy ban cũng đang cố gắng tận dụng nhiều nguồn lực, công cụ hỗ trợ cho hoạt động kiểm toán như dữ liệu từ Cơ quan Đăng ký nhận dạng quốc gia, cơ sở dữ liệu của Tổng công ty Phúc lợi và An sinh xã hội quốc gia, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại nhất để thực hiện hợp nhất dữ liệu với cơ sở dữ liệu bảng lương có được từ Bộ Tài chính và Kế hoạch phát triển.

Theo GAC, tổng chi cho lương trong ngân sách của Chính phủ rất cao. Do đó, cuộc kiểm toán trên đóng một vai trò rất quan trọng nhằm vạch trần những sai phạm khiến ngân sách công đang bị đục khoét, giúp Chính phủ tiết kiệm ngân sách và chuyển các nguồn lực công cho các lĩnh vực cần thiết khác. Đây được đánh giá là một cuộc kiểm toán toàn diện, rà soát lại việc chi trả lương cho các công chức tại các Bộ, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, tập đoàn, DNNN trên toàn quốc giúp thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong khu vực công tại Liberia.

Ông Garswa Jackson khẳng định: “Đây là một kế hoạch rất nghiêm túc và tất cả các công chức phải thực hiện một cách nghiêm túc. Nếu có những đối tượng “ảo”, những đối tượng quá tuổi nằm trong danh sách nhận lương, hoặc có bất kỳ sự bất hợp lý nào, chúng tôi sẽ đề xuất với Chính phủ và giải quyết ngay. Với tư cách là Tổng Kiểm toán, tôi sẽ đề xuất với Chính phủ tạm dừng việc thanh toán tiền lương của những công chức không tham gia vào cuộc kiểm toán, nhiều công chức có thể phải hoàn lại tiền lương đã nhận sai về ngân sách công”./.

(Theo Allafria và FrontPageAfrica)
(Báo Kiểm toán số 18/2022)

Xem thêm »