Cameroon: Kiểm toán việc thực hiện chính sách cho người khuyết tật

19/05/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vừa qua, tại Thủ đô Yaounde của Cameroon, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ người khuyết tật năm 2022 đã được tổ chức và dành phần lớn thời gian bàn thảo về kết quả cuộc kiểm toán việc thực hiện các chính sách cho người khuyết tật của các tổ chức nhân đạo ở vùng Tây Bắc và Tây Nam Cameroon.

Nhiều rào cản với người khuyết tật

Cuộc kiểm toán độc lập này được thực hiện tháng 02/2022, trong khuôn khổ Dự án hành động vì sự hòa nhập của người khuyết tật của Chính phủ đưa ra nhằm đánh giá mức độ hòa nhập của các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội; đánh giá hiệu quả hoạt động của các chương trình nhân đạo đang được các tổ chức địa phương và quốc tế thực hiện. Cuộc kiểm toán cũng nhằm xác định những rào cản, các nhu cầu và hành động cần thiết để thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm, y tế.

Kết quả kiểm toán cho thấy, các đối tượng người khuyết tật tại 2 khu vực trên của Cameroon đã phải hứng chịu những cuộc khủng hoảng cả về thể chất và tinh thần; nhiều người rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý, bị lạm dụng tình dục, chịu cảnh bạo lực, không được cung cấp đủ thực phẩm, không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết trong nhiều năm.

Các phát hiện của cuộc kiểm toán cho thấy, đa số người khuyết tật tại 2 khu vực trên không được tham gia đầy đủ vào các hoạt động cộng đồng do các tổ chức nhân đạo thực hiện; các tổ chức này cũng không thực hiện thu thập dữ liệu đầy đủ về các đối tượng đặc biệt, nhiều nhân viên của tổ chức thiếu kiến thức cần thiết để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Trả lời câu hỏi phỏng vấn do các kiểm toán viên đưa ra, nhiều người khuyết tật cho biết, họ không được nhân viên của các tổ chức nhân đạo tại địa phương tôn trọng, họ bị coi là “những người không thể tự đưa ra ý kiến hay quyết định nào”. Họ cũng không được lấy ý kiến hay tư vấn trước khi các cuộc vận động, quyên góp được thực hiện dẫn đến tình trạng các nhu cầu thiết thực nhất không được đáp ứng. Nhiều người khác gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận các địa điểm cung cấp thông tin, thực phẩm, thuốc… vì họ ở những nơi quá xa các điểm phân phối, do đó, nhiều người không được hưởng lợi từ các chương trình nhân đạo.

Trước đó, vào tháng 01/2022, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cũng thực hiện một báo cáo tại 2 khu vực trên - nơi có tỷ lệ người khuyết tật cao và có nhiều người khuyết tật bị phân biệt đối xử. Văn phòng cho biết, chỉ 2,8% trong số 266.800 người khuyết tật được hưởng những chính sách dành riêng cho họ, đây là tỷ lệ rất nhỏ nên cần đặc biệt được lưu tâm hơn.
 
Cần chính sách giúp người khuyết tật hòa nhập

Báo cáo kiểm toán đã đưa ra một số khuyến nghị giúp người khuyết tật hòa nhập hơn với cộng đồng. Theo đó, để xóa bỏ các rào cản giữa những đối tượng đặc biệt, những người yếu thế trong xã hội với cộng đồng, để tăng cường sự tham gia, hòa nhập của người khuyết tật trong các hoạt động xã hội, “các tổ chức cần tiến hành công tác thu thập dữ liệu riêng biệt về các đối tượng này nhằm tìm hiểu nhu cầu của họ, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người khuyết tật có thể tiếp cận với những nhu cầu của họ” - Báo cáo nhấn mạnh.

Các kiểm toán viên khuyến nghị thêm, các thông điệp và thông tin tuyên truyền cần được thiết kế một cách dễ hiểu nhất, giúp mọi đối tượng trong xã hội dễ dàng tiếp cận, ngôn ngữ truyền đạt đơn giản và thân thiện với người khuyết tật. Song song với đó, các cơ quan liên quan cần xây dựng và thực hiện các chính sách giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, tăng cường đào tạo nhân lực để có thể hỗ trợ tích cực nhất, giúp các đối tượng đặc biệt tham gia vào các hoạt động nhân đạo, hướng tới “không bỏ ai lại phía sau”.

Giám đốc CBCHS - một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện cho mọi đối tượng nhấn mạnh, các tổ chức cần phối hợp với nhau để mang tới sự hỗ trợ tích cực nhất cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng. Đặc biệt trong những năm gần đây, các tổ chức cần hướng tới trọng tâm điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật trên toàn quốc./.

(Theo cbchealthservices.org và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 20/2022)

 
 

Xem thêm »