Liberia: Lên án tình trạng lạm dụng ngân sách từ Quỹ Toàn cầu

02/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Mới đây, Văn phòng Thanh tra (OIG) của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét đã công bố một Báo cáo kiểm toán, trong đó lên án hàng loạt hành vi tham nhũng, biển thủ ngân sách do Quỹ tài trợ cho Liberia.

Sai phạm tràn lan nhiều năm

Báo cáo được công bố vào tháng 4 vừa qua đã chỉ ra hàng loạt vấn đề tại Liberia trong việc sử dụng tiền hỗ trợ từ Quỹ Toàn cầu như tình trạng xung đột lợi ích giữa các tổ chức; gian lận trong mua sắm, các mặt hàng, dịch vụ được mua bị thổi giá rất cao so với thực tế; gian lận trong việc thanh toán các khoản chi phí… 

Trước đó, vào tháng 01/2020, OIG đã nhận được một số báo cáo hé lộ các hành vi gian lận, vi phạm quy định trong Chương trình Phòng, chống AIDS quốc gia do Bộ Y tế Liberia phụ trách. Sau đó, OIG đã mở cuộc điều tra, thực hiện một chuyến thực địa đến Liberia vào tháng 11/2020. OIG cũng thu thập các chứng từ và hồ sơ thanh toán nhằm xác minh những cá nhân, đơn vị được Bộ Y tế Liberia thanh toán tiền.

Do ảnh hưởng của đại dịch, việc đi lại bị hạn chế, OIG đã tiến hành phỏng vấn trực tuyến nhân viên của Bộ Y tế, sau đó mở rộng phạm vi cuộc kiểm toán, xem xét 347 chứng từ thanh toán của Bộ với tổng trị giá 2 triệu USD nhằm làm rõ các khoản chi tiêu cho việc mua hàng hóa và dịch vụ. OIG cũng đồng thời xem xét danh sách phân phối tiền tài trợ của Bộ Y tế từ năm 2018-2020.

Kết quả kiểm toán cho thấy, trong 3 năm, 232 hồ sơ đã được đăng ký. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này đã không cung cấp đầy đủ giấy tờ, đơn xác minh các đối tượng cho OIG. Một số đối tượng đã có hồ sơ được phê duyệt nhưng không được nhận hỗ trợ và ngược lại, nhiều người không thuộc đối tượng theo quy định vẫn được thanh toán tiền. Tiến hành so sánh chữ ký của 122 người trên các giấy tờ tùy thân, hợp đồng và danh sách phân phối, OIG nhận thấy có sự khác biệt giữa các chữ ký trong 92% trường hợp. Báo cáo kiểm toán tiếp tục nêu hàng loạt phát hiện cho thấy, tiền trợ cấp đã bị quản lý lỏng lẻo, chi tiêu lãng phí và sử dụng sai mục đích. Báo cáo trích dẫn, 0,52 triệu USD đã bị chi tiêu bừa bãi cho Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh tình trạng nhiều cơ quan cố tình “vẽ” ra các hóa đơn, chứng từ để được nhận hỗ trợ. Nhiều đề nghị thanh toán trùng lặp cả về nội dung, thời gian, địa điểm, nhiều chứng từ thanh toán việc mua nhiên liệu không kê khai hành trình xe chạy, không có xác nhận chuyến đi, một số trường hợp bị cáo buộc đi du lịch nhưng lại xin hóa đơn thanh toán mua nhiên liệu... “Bộ Y tế Liberia đã không thực hiện các biện pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc phân phối ngân sách tài trợ khiến các trường hợp gian lận và biển thủ tiền xảy ra tràn lan suốt nhiều năm” - Báo cáo cho biết.
 
Cần quyết liệt trong chống tham nhũng

Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét là một tổ chức tài trợ và đối tác quốc tế, mỗi năm huy động, đầu tư hơn 4 tỷ USD hỗ trợ hơn 100 quốc gia đẩy lùi các bệnh HIV/AIDS, lao, sốt rét; hỗ trợ các nước đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. OIG có trách nhiệm bảo vệ tài sản, các khoản đầu tư, danh tiếng và tính bền vững của Quỹ bằng cách đảm bảo rằng tổ chức có những hành động đúng đắn, kịp thời để sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra thông qua hoạt động kiểm toán và việc công bố các báo cáo kiểm toán.

Báo cáo mới nhất vừa được công bố cho biết, Quỹ Toàn cầu đã phát hiện các hành vi sai trái tại quốc gia này trong việc sử dụng nguồn ngân sách do Quỹ tài trợ tại cuộc điều tra vào năm 2015 nhưng những năm sau đó vẫn tiếp tục phê duyệt các khoản chi cho Bộ Y tế Liberia. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các hành vi gian lận vẫn không giảm thiểu mà ngày càng gia tăng. Trong năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo Liberia cũng bị chỉ trích vì quản lý lỏng lẻo, sử dụng lãng phí tiền tài trợ.

Từ năm 2004, Quỹ Toàn cầu đã ký các khoản tài trợ trị giá 309 triệu USD và giải ngân hơn 248 triệu USD cho Liberia để giúp nước này ứng phó với khó khăn do hậu quả của cuộc nội chiến và dịch bệnh Ebola mang lại, kéo dài trong hơn một thập kỷ.

Trước thực trạng trên, OIG cho rằng Bộ Y tế cần thẳng thắn nhìn vào sai phạm, thiếu sót, cần mạnh tay sa thải các quan chức cố tình vi phạm quy định. Sau khi xem xét kỹ lưỡng báo cáo của OIG, Quỹ sẽ đưa ra các hành động tiếp theo với kế hoạch tài trợ kinh phí cho Liberia trong thời gian tới./.
 
(Theo FrontPageAfrica và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 22/2022)
 

 

Xem thêm »