Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng

09/01/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp (DN) và các tổ chức tín dụng vốn thuộc phạm vi kiểm toán có tính đa dạng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, các nghiệp vụ giao dịch tài chính phát sinh lớn, nhiều DN đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin… Điều này tạo nên những khó khăn nhất định cho hoạt động kiểm toán. Bởi vậy, giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán lĩnh vực này luôn là yêu cầu đặt ra mỗi năm.

Cần giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán lĩnh vực DN và các tổ chức tín dụng luôn là yêu cầu đặt ra mỗi năm. Ảnh minh họa

Cập nhật văn bản, tự đào tạo, đổi mới phương thức kiểm toán

Năm 2025, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước giao trên tinh thần “trách nhiệm và uy tín”, với phương châm “Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VI, VII xác định một số giải pháp cần tập trung như sau:

Yêu cầu tất cả công chức, kiểm toán viên (KTV) phải thường xuyên cập nhật các văn bản quy định mới của Ngành cũng như văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của các DN; hiểu rõ, thực hiện nghiêm các quy định của Ngành và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, trong đó chú trọng thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Cùng với đó, ngay từ đầu năm, KTV chủ động thu thập, rà soát, sàng lọc thông tin về các đơn vị được kiểm toán qua nhiều kênh: DN cung cấp, internet, báo chí…, chú trọng công tác đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu, xác định nội dung kiểm toán trọng tâm và xây dựng các phương pháp, thủ tục kiểm toán phù hợp trên cơ sở bám sát mục tiêu chung của Ngành và đặc thù từng DN được kiểm toán để xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) sát thực, tiết kiệm, hiệu quả khi thực hiện.

Đặc biệt, tăng cường tổ chức tự đào tạo, tập trung vào nội dung, giải pháp cụ thể gắn với đặc điểm DN thuộc KHKT năm 2025, trong đó hết sức chú trọng cuộc kiểm toán chuyên đề “ Việc quản lý, sử dụng sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 tại các doanh nghiệp”, Chuyên đề “Hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến thu ngân sách nhà nước tại Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế”; Kiểm toán các DN có vốn nhà nước dưới 50%. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về quản trị dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu và ứng dụng AI. Đối với những nội dung kiểm toán mới, khó, phải tổ chức thảo luận kỹ trong nội bộ đơn vị, khi cần thiết sẽ mời các chuyên gia trong và ngoài Ngành để làm rõ trong buổi cập nhật kiến thức nội bộ hoặc khi xây dựng Đề cương kiểm toán, đảm bảo các KTV được giao nhiệm vụ kiểm toán phải hiểu rõ nội dung phần việc mình thực hiện.  

Thêm vào đó, xác định mục tiêu kiểm toán đối với hành vi lãng phí là một trọng tâm phải tập trung trong các cuộc kiểm toán đối với lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí như sử dụng nhà đất, đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản…; phải đi sâu đánh giá DN quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có lãng phí không trên cơ sở: Số liệu diện tích đất để hoang hóa, hiệu suất sử dụng tài sản thấp, tiến độ đầu tư chậm, tài sản thu hồi nợ lâu ngày không sử dụng và không thanh lý được…

Tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán, tăng cường kiểm toán hoạt động trong kiểm toán báo cáo tài chính; chú trọng công tác phân tích, đánh giá bản chất và nguyên nhân các sai phạm, hạn chế, bất cập để kết luận, kiến nghị kiểm toán đảm bảo đúng, trúng, khả thi; chú trọng đánh giá bất cập về cơ chế, chính sách, các vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí, nổi cộm đang được Đảng, Nhà nước và dư luận quan tâm.

Năm 2024, KTNN chuyên ngành VI và KTNN chuyên ngành VII đã kiến nghị xử lý tài chính lĩnh vực doanh nghiệp là 99,02% và lĩnh vực các tổ chức tín dụng đạt 96,68%.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán

Cùng với đó, KTNN cần căn cứ các tài liệu khảo sát để lập KHKT tổng quát, Kiểm toán trưởng, Tổ trưởng Tổ kiểm soát chất lượng, Phòng Tổng hợp sẽ họp thảo luận kỹ với Trưởng Đoàn và các Tổ trưởng Tổ kiểm toán để làm rõ các trọng tâm cần đi sâu, những vấn đề cần lưu ý, những mục tiêu cần phải đạt được và giải pháp để thực hiện trong cuộc kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán ngay từ khâu lập KHKT; đồng thời thuận lợi trong việc chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát và đánh giá hoạt động của các thành viên và Đoàn kiểm toán.

Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu (Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán) nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát toàn diện hoạt động của các Đoàn, Tổ kiểm toán. Thực hiện tốt công tác phổ biến và giáo dục tư tưởng, quán triệt kịp thời các chủ trương đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Ngành đến từng KTV; giám sát chặt chẽ việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của KTV nhà nước; kịp thời phát hiện và có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, coi trọng công tác tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc kiểm toán để rà soát lại năng lực chuyên môn nhằm bố trí nhân sự cho phù hợp và có phương án đào tạo nếu cần thiết. Trong bố trí nhân sự khi kiểm toán các DN kinh doanh công nghệ thông tin (như VNPT), các DN ứng dụng công nghệ thông tin cao (các tổ chức tín dụng), kiểm toán chuyên đề “Hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến thu ngân sách nhà nước tại Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế” phải bố trí để phối hợp chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau giữa các KTV hiểu sâu hoặc kỹ sư công nghệ thông tin với các KTV được đào tạo chuyên ngành kinh tế để kiểm toán chặt chẽ các nghiệp vụ phát sinh.  

Đặc biệt, KTNN cần tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (các phần mềm của Ngành, phần mềm ACL, IDEA, AI…), đặc biệt là phân tích dữ liệu lớn trong hoạt động kiểm toán; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành và công tác kiểm toán; tích cực tham gia xây dựng các bộ câu hỏi để phát triển AI nhằm phục vụ hiệu quả cho hoạt động kiểm toán doanh nghiệp.

Về hoạt động của Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán: Chú trọng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán trong tất cả các khâu; gắn trách nhiệm các thành viên Tổ đối với các tồn tại, hạn chế của Đoàn kiểm toán (thành viên tổ kiểm soát chịu trách nhiệm liên đới đối với các sai sót của Đoàn kiểm toán mà khi kết thúc kiểm soát không phát hiện ra) làm tiêu chí đánh giá chất lượng công chức cuối năm.

Ngoài ta, thường xuyên phối hợp trong kiểm toán và kết thúc các đợt kiểm toán thực hiện lấy ý kiến DN đánh giá về chấp hành pháp luật và đạo đức công vụ của thành viên Đoàn kiểm toán để kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cũng như có thêm cơ sở để đánh giá công chức cuối năm./.

Theo Báo Kiểm toán số 2/2025

Xem thêm »