Nam Phi: Cải thiện hoạt động kiểm toán, hướng đến nền tài chính minh bạch

23/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong 3 năm liên tiếp (2019-2022), hoạt động kiểm toán của Chính phủ và chính quyền các địa phương ở Nam Phi đã có nhiều cải thiện đáng kể, tuy nhiên cần tiếp tục giải quyết một số tồn đọng đã được chỉ ra. Đây là đánh giá của Tổng Kiểm toán Nam Phi trong báo cáo mới được công bố.   

Hoạt động kiểm toán được đánh giá chi tiết
 
Đánh giá của Tổng Kiểm toán Nam Phi Tsakani Maluleke được nêu ra trong Báo cáo tổng hợp về kết quả kiểm toán cấp quốc gia và cấp tỉnh cho năm tài chính vừa qua.

Báo cáo chỉ ra rằng, Văn phòng Tổng Kiểm toán của Chính phủ và văn phòng kiểm toán tại các tỉnh đã thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn so với các năm trước, công tác đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cũng được chú trọng; qua đó, củng cố vị thế, vai trò, nâng cao tầm ảnh hưởng của cơ quan kiểm toán, thực thi tốt hơn trách nhiệm giải trình.

Đặc biệt, các tổ chức, cơ quan công được kiểm toán đã cải thiện đáng kể tiến độ thực hiện khuyến nghị kiểm toán, đẩy nhanh việc điều tra, khắc phục những bất thường trọng yếu. Trong những năm trước, việc phản ứng chậm đối với các phát hiện và khuyến nghị kiểm toán luôn là một trong những vấn đề nan giải tại nhiều cơ quan công.

Tổng Kiểm toán cho biết, nhiều doanh nghiệp nhà nước tiếp tục nhận được kết quả kiểm toán yếu kém. Báo cáo kiểm toán chỉ ra một số điểm khiến hiệu quả hoạt động của lĩnh vực kiểm toán giảm sút, khiến người dân Nam Phi không được hưởng lợi tối đa từ các kế hoạch chi tiêu ngân sách. Trong đó, một số thiếu sót phổ biến như: Công tác lập kế hoạch yếu kém, thiếu sự phối hợp giữa các chính quyền và tổ chức công, ngân sách bị chi tiêu không có sự giám sát chặt chẽ và thiếu trách nhiệm giải trình để báo cáo các kết quả đạt được.
 
Báo cáo đã xác định 179 điểm bất thường và sai sót nghiêm trọng trong hoạt động của Chính phủ và các chính quyền cấp tỉnh. Tổng Kiểm toán cho biết, kể từ năm 2019 đến nay, cơ quan kiểm toán đã xác định được hàng loạt hành vi không tuân thủ và gian lận dẫn đến thiệt hại tài chính nghiêm trọng; trong đó đã phát hiện hàng loạt khoản chi tiêu lãng phí, bất thường và không hiệu quả tại các cơ quan, tổ chức công. Cơ quan kiểm toán đã thực hiện quy trình xử lý vi phạm.
 
Ngoài ra, Báo cáo cũng chỉ ra những nguyên nhân chính khiến ngân sách công bị thất thoát, gồm: Việc thanh toán cho các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chưa công khai, minh bạch; hoạt động mua sắm công không tuân thủ quy định, không thực hiện các quy trình đấu thầu cạnh tranh công khai; số tiền ngân sách bị chi tiêu quá lớn trong khi lợi ích nhận về chưa tương xứng; cơ sở hạ tầng tại các địa phương không được bảo trì đúng quy định; các dự án công chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả…
 
Vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng
 
Những năm qua, Văn phòng Tổng Kiểm toán Nam Phi đã nhiều lần chỉ ra những thiếu sót trong quá trình chi tiêu ngân sách công cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khiến Chính phủ không thu được kết quả xứng đáng với những khoản ngân sách khổng lồ được chi tiêu.

Báo cáo cho biết, nhiều cuộc kiểm toán đã khuyến nghị các địa phương cần đặc biệt củng cố công tác quản lý cơ sở hạ tầng đang tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, không được bảo trì, bảo vệ đúng và đang ngày càng bị phá hoại, làm chậm quá trình cung cấp dịch vụ cho người dân, dẫn đến lãng phí ngân sách và càng gây thêm áp lực cho ngân quỹ. Tuy nhiên, nhiều địa phương được kiểm toán đã không chú ý đến khuyến nghị kiểm toán để giải quyết những thiếu sót này khiến các dự án cơ sở hạ tầng tiếp tục đối mặt với những thách thức nghiêm trọng hơn.
 
Tổng Kiểm toán cũng chỉ ra rằng, lĩnh vực quản lý tài chính tại các địa phương có rất ít cải thiện mặc dù các báo cáo kiểm toán liên tục chỉ ra những thiếu sót trong lĩnh vực này. Tình trạng không tuân thủ luật pháp vẫn xảy ra tràn lan tại nhiều địa phương dẫn đến những sai phạm trong quy trình mua sắm công. Đây cũng là những lĩnh vực có tỷ lệ rủi ro, gian lận cao nhất, do đó các địa phương cần nghiêm túc thực hiện khuyến nghị kiểm toán, tuân thủ và tôn trọng luật pháp.
 
Báo cáo của Tổng Kiểm toán khuyến nghị các tổ chức công cần chú trọng đầu tư vào các biện pháp kiểm soát phòng ngừa, bởi việc ngăn chặn những sai phạm nghiêm trọng sẽ hiệu quả hơn việc phải giải quyết hậu quả của sai phạm./.

TUỆ LÂM (Theo SAnews.gov.za và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán 51/2022)

Xem thêm »