Nâng cao năng lực kiểm toán chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm

19/10/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Trải qua “cuộc chiến” chưa từng có trong lịch sử với đại dịch Covid-19, các quốc gia trên thế giới càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của công tác hậu kiểm, trong đó, kiểm toán có vai trò đặc biệt, giúp giám sát tính tuân thủ, đánh giá khả năng ứng phó, đồng thời có những ý kiến tư vấn, khuyến nghị để chủ động phòng ngừa rủi ro phát sinh.

Các đại biểu tại Hội thảo

Chủ động ứng phó với thảm họa dịch bệnh trong tương lai

Thông qua Hội thảo củaTổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) năm 2023 về “Kiểm toán các Chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm sau đại dịch Covid-19” diễn ra từ ngày 13-28/10, tại Hà Nội, các kiểm toán viên của ASOSAI sẽ nắm bắt được cách thức kiểm toán hoạt động đối với các chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản - Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực ASOSAI, Nhóm giảng viên nguồn của ASOSAI và các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo trên nhằm hướng tới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cũng như không ngừng đổi mới chất lượng, hiệu quả Chương trình phát triển năng lực của ASOSAI.

"Trong vai trò thành viên Ban Điều hành ASOSAI, KTNN Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2022-2027, đặc biệt thúc đẩy các sáng kiến nâng cao năng lực dành cho các SAI thành viên thông qua hoạt động đào tạo và chia sẻ kiến thức trong bối cảnh mới đòi hỏi các SAI sẵn sàng ứng phó với những biến động và thách thức." Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, các quốc gia trên thế giới vừa phải trải qua giai đoạn ứng phó với đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng và để lại nhiều hậu quả nặng nề kéo dài đối với kinh tế - xã hội. Trước cuộc khủng hoảng đó, các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế đã có nhiều nỗ lực, đề ra các giải pháp chống dịch, khắc phục hậu quả, cũng như rút ra các bài học để có thể chủ động ứng phó đối với các thảm họa dịch bệnh không mong muốn trong tương lai.

Theo các chuyên gia, việc chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, về phục hồi và phát triển hệ thống y tế công, đặc biệt là về kỹ năng thực hiện kiểm toán các chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh sau đại dịch là nội dung rất quan trọng, mang đến cơ hội cho các SAI thành viên của ASOSAI những bước tiến triển trong hoạt động kiểm toán.

Bà Shiori Watanabe - đại diện Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản (SAI đang giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực ASOSAI) - cho biết, ASOSAI luôn có các Chương trình phát triển năng lực dành cho kiểm toán viên nhằm hỗ trợ phát triển năng lực toàn diện của các SAI thành viên. Trong khuôn khổ Hội thảo lần này, có nhiều khóa học được thiết kế, chuẩn bị kỹ lưỡng bởi những giảng viên có năng lực và sự hỗ trợ kỹ thuật của WHO.

"Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả các quốc gia, giúp nâng cao năng lực của mỗi nước trong bối cảnh ngày càng nhiều biến động, khó lường. Nội dung của Hội thảo vô cùng thiết thực và quan trọng đối với mọi quốc gia muốn cải thiện, nâng cao hiệu quả kiểm toán phòng, chống dịch bệnh. Chúng tôi vẫn luôn thực hiện các chương trình hợp tác với các SAI thành viên ASOSAI, bởi một SAI đơn lẻ không thể giải quyết các vấn đề, khó có thể nâng cao hiệu quả kiểm toán phòng, chống dịch bệnh. Do đó, chúng tôi đã xây dựng một số chương trình để khuyến khích các SAI thành viên ASOSAI tiếp tục đóng góp vào nhiệm vụ chung là nâng cao hiệu quả kiểm toán phòng, chống dịch bệnh." - Bà Shiori Watanabe - đại diện Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản

“Sự hỗ trợ của WHO giúp chúng tôi phát triển tài liệu các khóa học dựa trên sự hiểu biết chính xác về các vấn đề sức khỏe cộng đồng và cung cấp thông tin đầu vào về sự phát triển hiện nay của lĩnh vực này. Cùng với đó, phương pháp giảng dạy, phương pháp tập huấn có sự tham gia của WHO đã được áp dụng, mang lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp lớp học thông thường. Nhờ cách tiếp cận này, các kiểm toán viên có thể tham gia tích cực hơn vào các cuộc thảo luận và kích hoạt sự chia sẻ ý tưởng, kiến thức và kinh nghiệm của họ” - bà Shiori Watanabe nhận định.

Cùng chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quý

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, bà Farmeen Mowla - Trưởng Nhóm giảng viên tại Hội thảo đến từ KTNN Bangladesh - cho biết: “Chúng tôi đã thiết kế một số nội dung cụ thể để trao đổi với các kiểm toán viên trong Hội thảo kéo dài 2 tuần”. Tuần đầu tiên, các giảng viên sẽ tập trung trao đổi về hệ thống y tế công; tìm hiểu về bệnh truyền nhiễm; cách thức các quốc gia nắm bắt những rủi ro và lỗ hổng chính sách; lập kế hoạch và chính sách y tế công trong các chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, trao đổi về nhu cầu y tế của người dân, cách xác định nhu cầu cụ thể ở mỗi quốc gia.

Trong tuần thứ hai, các giảng viên sẽ trao đổi về cách thức đưa những vấn đề trên vào chính sách và kế hoạch cho tương lai; về kỹ năng kiểm toán các chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh sau đại dịch. Vì Covid-19 đã cho chúng ta thấy rằng nếu chỉ riêng chính sách và kế hoạch về y tế sẽ không thể giúp ích được gì cho các nước khi gặp một đại dịch lớn. Vì vậy, chúng ta cần mở rộng thêm các lĩnh vực liên kết như giáo dục, tài chính, phúc lợi xã hội… Những điều này cũng rất quan trọng và cần được tích hợp trong toàn bộ hệ thống - bà Farmeen Mowla nhận định.

"Đối với Hội thảo này, chúng tôi hy vọng mỗi học viên thực hành các bài tập sau đó và có thể cung cấp cho chúng tôi ma trận thiết kế kiểm toán về các chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm của quốc gia họ. Với tư cách là Nhóm giảng viên nguồn, chúng tôi sẽ đánh giá kết quả và tiếp tục chỉ ra những vấn đề cần cải thiện. Điều chúng tôi mong muốn là sự hợp tác giữa các SAI trong thực hiện kiểm toán chung về một chủ đề để cùng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. SAI Bangladesh rất chào đón các SAI khác cùng hợp tác để thực hiện kiểm toán chung." - Bà Farmeen Mowla - Trưởng Nhóm giảng viên tại Hội thảo (SAI Bangladesh).

Chia sẻ về kết quả đầu ra, các chuyên gia cho biết, vào cuối tuần đầu tiên, các giảng viên sẽ tổng kết những kiến thức liên quan và những kinh nghiệm đã được chia sẻ trong phòng, chống đại dịch Covid-19; cách thức mỗi quốc gia nên chuẩn bị cho chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong tương lai. Ở cuối tuần tiếp theo, các kiểm toán viên sẽ nắm bắt được cách thức kiểm toán hoạt động đối với chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm, từ lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán, đến lập báo cáo kiểm toán.

Các chuyên gia đều cho rằng, các chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm và toàn bộ hệ thống y tế của mỗi quốc gia cần rút kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 để chuẩn bị đối phó với các đại dịch khác có thể xảy ra trong tương lai. Trong bối cảnh này, SAI có vai trò quan trọng trong việc giám sát để đảm bảo rằng các chính phủ thực hiện các biện pháp hiệu quả dựa trên những bài học kinh nghiệm đã được rút ra./.

Trải qua cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử với đại dịch Covid-19, các quốc gia trên thế giới càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của công tác hậu kiểm, trong đó, kiểm toán có vai trò đặc biệtgiúp giám sát tính tuân thủ, đánh giá khả năng ứng phó, đồng thời có những ý kiến tư vấn, khuyến nghị để chủ động phòng ngừa rủi ro phát sinh.

Theo Báo Kiểm toán số 42/2023

Xem thêm »