Latvia: Cần nỗ lực trong cải cách thi hành quyết định xử phạt hành chính

24/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sau cuộc kiểm toán đánh giá hiệu quả của công tác thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Latvia cho rằng, quá trình cải cách việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn nhưng chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.

Các cơ quan nhà nước cần nhiều nguồn lực hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: ST

Bất cập trong thi hành xử phạt hành chính

Qua kiểm toán, KTNN Latvia chỉ ra rằng, để thực hiện việc thi hành xử phạt hành chính, các cơ quan nhà nước đã phải đảm nhận thêm nhiều công việc, đòi hỏi nguồn lực ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, các chỉ số về việc nộp phạt hành chính vẫn chưa được cải thiện đáng kể, tệ quan liêu, nạn tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

KTNN Latvia cho biết, sau cải cách, cùng với những quy định mới, khối lượng công việc trong công tác cưỡng chế xử phạt hành chính tại các cơ quan nhà nước đã tăng lên. Trong quá trình kiểm toán, 10/27 cơ quan nhà nước áp dụng biện pháp xử phạt hành chính thừa nhận số lượng công việc tăng lên đáng kể.

Công việc của Lực lượng Cảnh sát nhân dân bị ảnh hưởng nhiều nhất khi khối lượng công việc tăng lên gấp 5 lần. Mặc dù Lực lượng Cảnh sát đầu tư nhiều nguồn lực hơn, nhưng kết quả vẫn không được cải thiện. Tính riêng năm 2022, Lực lượng Cảnh sát đã phải bổ sung thêm nhiều lãnh đạo; nhân viên phải làm việc ngoài giờ và dự kiến cần thêm nhiều nguồn lực khác.

Cuộc kiểm toán cũng cho thấy, chức năng thực thi việc nộp phạt cần được tập trung hóa để giảm bớt tệ quan liêu và giúp tiết kiệm nguồn lực. Hiện nay, quá trình phân cấp đòi hỏi rất nhiều nguồn lực từ các cơ quan nhà nước; khoảng 1.570 nhân viên ở các cấp độ khác nhau đang được giao thực hiện việc cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính tại 27 cơ quan, trong đó hầu hết (79%) chỉ thực hiện các chức năng cơ bản của tổ chức.

Theo KTNN Latvia, chức năng cưỡng chế xử phạt hành chính, về cơ bản là chức năng hỗ trợ, có thể được thực hiện bởi Sở Thuế vụ nhà nước, cơ quan đang đảm bảo việc thu thuế, phí và các khoản nộp bắt buộc khác. Ngoài ra, dịch vụ điện tử và quản lý tự động việc thi hành án phạt sẽ giúp ngăn ngừa rủi ro, sai sót trong thanh toán và tiết kiệm nguồn lực của các tổ chức công.

Để đạt được kết quả tương tự hoặc tốt hơn hiện tại trong khi sử dụng ít nguồn lực hơn, các cơ quan quản lý nhà nước cần nỗ lực cải thiện quy trình thực hiện các quy định, cải thiện chức năng của tổ chức nhiều hơn nữa.

KTNN Latvia

Khi Luật Trách nhiệm hành chính có hiệu lực (từ ngày 01/7/2020), một hệ thống thông tin mới bắt đầu hoạt động, đó là Hệ thống hỗ trợ xử lý vi phạm hành chính (AVPSS), giúp tiết kiệm chi phí giấy tờ, bưu điện cũng như nhân lực. Tuy nhiên, cả Lực lượng Cảnh sát và Sở Thuế vụ đều chỉ ra rằng, việc xác định các khoản thanh toán trong AVPSS thường gặp vướng mắc.  

Trong một cuộc kiểm toán trước đây, KTNN Latvia đã phát hiện có vấn đề nghiêm trọng về chất lượng dữ liệu trong AVPSS khiến công việc của các cơ quan công thậm chí còn tăng lên và đã đưa ra một số khuyến nghị. Các khuyến nghị vẫn đang được thực hiện để cải tiến AVPSS, giúp tiết kiệm nguồn lực và đảm bảo tự động hóa một phần quy trình thực thi các hình thức xử phạt. Theo KTNN Latvia, quy trình này sẽ nhanh hơn và các cơ quan nhà nước có thể tiết kiệm tới 62% thời gian thực hiện chức năng này sau khi được cải tiến.

Cần đánh giá tác động trước và sau khi thực hiện cải cách

Luật trách nhiệm hành chính của Latvia có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, sau đó có một số thay đổi trong quy trình thi hành các án phạt hành chính. Do đó, KTNN Latvia thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá tác động trước và sau khi thực hiện các quy định, cải cách mới.

Bà Kristīne Jaunzeme đại diện KTNN Latvia cho biết thêm: “Một số cơ quan dự đoán rằng quy định mới sẽ không làm ảnh hưởng đến chức năng của họ về mặt tài chính nên đã không lập kế hoạch bổ sung nguồn lực. Tuy nhiên, trên thực tế các cơ quan nhà nước thường đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn. Cần đánh giá tác động của những thay đổi đối với chức năng của các cơ quan nhà nước và các nguồn lực cần thiết, đánh giá những thay đổi có tương xứng với lợi ích không. Việc đánh giá kịp thời cũng giúp xác định thiếu sót và cải thiện các quy định mới”.

Từ những phát hiện kiểm toán, KTNN Latvia đã đưa ra 4 khuyến nghị chính, trong đó nhấn mạnh Bộ Tư pháp Latvia cần đánh giá khả năng thúc đẩy việc tự nguyện thi hành án phạt giúp giảm các nguồn lực cần thiết để kiểm soát việc thi hành nộp phạt.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ tiến hành đánh giá khả năng tập trung hóa chức năng cưỡng chế phạt tiền. Đặc biệt, 3 Bộ này cần đánh giá các giải pháp thay thế cho việc nộp phạt, bao gồm: Đánh giá khả năng loại bỏ các phương thức thanh toán phức tạp, thủ công, thiếu chính xác.

Theo các khuyến nghị kiểm toán, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp sẽ thống nhất thời hạn cụ thể để đảm bảo trao đổi dữ liệu nhằm tổ chức công việc có chủ đích và cải thiện chức năng của AVPSS để tự động hóa quá trình thi hành án phạt. Thời hạn thực hiện các khuyến nghị trên đến ngày 01/02/2026./.

(Theo KTNN Latvia và tổng hợp)

Xem thêm »