Ấn Độ: Nhiều thay đổi trong kiểm toán nhờ tích cực ứng dụng công nghệ

31/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Những năm qua, hoạt động kiểm toán tại Ấn Độ đã có nhiều thay đổi nhanh chóng và đạt được những kết quả tích cực nhờ việc áp dụng các công nghệ mới. Bên cạnh tiềm năng thay đổi lĩnh vực kiểm toán, một số công nghệ cũng mang lại nhiều yêu cầu mới cho kiểm toán viên.

Kiểm toán nhà nước Ấn Độ ký thỏa thuận hợp tác với Viện Công nghệ Delhi nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm toán. Ảnh: ST

Lĩnh vực kiểm toán trải qua nhiều thay đổi

Tạp chí Toàn cảnh Ấn Độ (India Briefing) vừa qua có bài viết thảo luận về cách các công nghệ, phần mềm mới có tiềm năng thay đổi lĩnh vực kiểm toán. Các chuyên gia nhận định, trong 5 đến 10 năm tới, lĩnh vực kiểm toán sẽ trải qua những thay đổi đáng kể, do 3 yếu tố chính thúc đẩy.

Yếu tố đầu tiên là bối cảnh kinh doanh ngày càng phát triển và những kỳ vọng cao hơn của khách hàng đang định hình lại cách thức hoạt động của doanh nghiệp. Sự phức tạp ngày càng tăng của cơ cấu tổ chức và sự gia tăng của tài sản vô hình đòi hỏi kiểm toán viên phải điều chỉnh phương pháp kiểm toán để phù hợp với thực tế mới.

Thứ hai, các kiểm toán viên đang xác định lại vai trò của họ để mang lại nhiều giá trị và hiểu biết sâu sắc hơn ngoài các hoạt động đánh giá truyền thống. Kiểm toán viên muốn cung cấp các báo cáo toàn diện và phù hợp hơn, vượt ra ngoài dữ liệu tài chính đơn thuần.

Một trong những động lực thay đổi quan trọng nhất nằm ở khía cạnh thứ 3, bối cảnh pháp lý đang phát triển. Điển hình, Viện Kế toán công chứng Ấn Độ và Cơ quan Báo cáo tài chính quốc gia đang tích cực tập trung vào việc nâng cao chất lượng báo cáo tài chính cũng như đảm bảo kiểm toán viên có thể cung cấp Báo cáo kiểm toán chất lượng cao hơn.

Để đạt được quy trình kiểm toán hiệu quả, các cơ quan quản lý đã cập nhật những hướng dẫn hiện có và đưa ra một số chuẩn mực kiểm toán mới. Việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán là rất quan trọng để xây dựng lòng tin của người sử dụng báo cáo. Một số tổ chức ở Ấn Độ phải công khai quy trình kiểm tra, ghi lại toàn bộ thời gian, lịch sử, chi tiết về các sự kiện, giao dịch và các hoạt động khác.

Dấu vết kiểm toán là một công cụ vô giá được sử dụng cho nhiều mục đích trong các tổ chức, bao gồm hỗ trợ kiểm toán, kiểm soát truy cập, báo cáo tài chính, điều tra, bảo mật và các chức năng khác. Một bản ghi toàn diện, đầy đủ cho phép doanh nghiệp theo dõi những bất thường và xác định các sự cố trong quy trình hoạt động khi chúng xảy ra. Ngoài ra, hồ sơ kiểm tra là công cụ giúp xác định, giải quyết các vấn đề vi phạm dữ liệu bên ngoài đang ngày càng trở nên phổ biến do mối đe dọa ngày càng tăng về tội phạm và phần mềm độc hại.

Nỗ lực để đạt được quy trình kiểm toán hiệu quả

Mặc dù các quy trình kiểm toán mang lại lợi ích đáng kể nhưng việc duy trì chúng có thể tốn kém và mang lại nhiều thách thức, đặc biệt đối với các hệ thống quan trọng liên quan đến kiểm toán các công ty niêm yết, nơi họ được yêu cầu lưu giữ nhật ký kiểm toán ít nhất một năm. Áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro có thể giúp các tổ chức ưu tiên những quy trình kiểm tra nào là quan trọng nhất đối với các hoạt động của họ.

Hầu hết các lĩnh vực đều cần dựa vào dấu vết kiểm toán, đặc biệt là tài chính, kế toán, sản xuất, thiết kế sản phẩm, y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dữ liệu nghiên cứu lâm sàng, dữ liệu công nghệ thông tin, hồ sơ bán hàng thương mại điện tử... Lợi ích của việc duy trì dấu vết kiểm toán rất đa dạng. Hồ sơ tài chính chính xác được hỗ trợ bởi quy trình kiểm toán sẽ ngày càng tạo dựng niềm tin với các nhà đầu tư.

Hiện nay, “quy trình kiểm toán” và “nhật ký chỉnh sửa” là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các công ty ở Ấn Độ. Ấn Độ đã đưa ra khái niệm về quy trình kiểm toán ngày 24/3/2021, có hiệu lực từ năm tài chính 2023 - 2024. Theo đó, tất cả các công ty ở Ấn Độ bắt buộc phải kết hợp một cơ chế tích hợp trong phần mềm để ghi lại dấu vết kiểm toán cho mọi giao dịch kiểm toán.

Kiểm toán viên có nghĩa vụ thông báo về các hành vi không tuân thủ trong Báo cáo kiểm toán, làm cho báo cáo minh bạch và có trách nhiệm hơn. Khi các cơ quan quản lý cập nhật các hướng dẫn hiện có và đưa ra các chuẩn mực mới, các doanh nghiệp cũng như kiểm toán viên đều phải nắm bắt những thay đổi để luôn dẫn đầu và thúc đẩy một nền kinh tế minh bạch, lành mạnh trong một môi trường năng động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Ấn Độ phải đảm bảo rằng quá trình kiểm toán luôn được thực hiện đúng kế hoạch và không bị vô hiệu hóa. Nếu một công ty không đáp ứng các yêu cầu theo quy định, lãnh đạo và doanh nghiệp sẽ phải chịu các hình phạt. Hình phạt tài chính với mức phạt tối đa hiện nay là hơn 6.000 USD./.

(Theo india-briefing và tổng hợp)

Xem thêm »