Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch kiểm toán năm 2014: Chú trọng chất lượng kiểm toán

19/09/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Nằm trong chương trình nghị sự phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng ngày 18/9, UBTVQH đã dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2014 của KTNN. Tại buổi thảo luận, cơ bản các ý kiến đồng tình với báo cáo dự kiến KHKT của KTNN, song các đại biểu đề nghị việc xây dựng KHKT cần đảm bảo phù hợp về số lượng, nội dung và chú trọng đến chất lượng kiểm toán.

Dự kiến thực hiện 161 cuộc kiểm toán trong năm 2014

Theo báo cáo của KTNN, nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và các địa phương, KTNN đã xác định mục tiêu tổng quát trong hoạt động năm 2014 là “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán; tăng cường đổi mới phương pháp kiểm toán và công tác quản lý hoạt động kiểm toán; nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ kiểm toán viên ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.

Trên cơ sở bám sát mục tiêu đã đề ra, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, dự kiến KHKT năm 2014 có nhiều đổi mới theo hướng đẩy mạnh kiểm toán hoạt động theo các chuyên đề độc lập, thiết thực, các vấn đề nổi cộm đang được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm; xác định rõ các nội dung trọng yếu kiểm toán và căn cứ xác định trong từng đầu mối được lựa chọn đưa vào KHKT năm 2014 để từng bước khắc phục tình trạng kiểm toán dàn trải, thiếu tập trung; dành thời gian để thu thập bằng chứng kiểm toán đối với các vi phạm liên quan đến lãng phí, tham nhũng để có kiến nghị phù hợp. Với chủ trương đó, tổng số cuộc kiểm toán dự kiến trong KHKT năm 2014 của KTNN là 161 cuộc, tăng 12 cuộc so với KHKT năm 2013 (tương đương tăng 8,1%).

Theo đó, KTNN sẽ tăng cường kiểm toán nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, trong đó tập trung kiểm toán các nội dung như: Công tác quản lý thu ngân sách theo Luật Quản lý thuế, phân tích cơ cấu các khoản thu, chú trọng khoản thu ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất; việc huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý và sử dụng nguồn thu lệ phí, học phí, viện phí, thu dịch vụ và liên doanh, liên kết tại các ngành y tế, giáo dục, giao thông đang được dư luận xã hội quan tâm...;  tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Về kiểm toán chuyên đề, năm 2014 sẽ tập trung vào 2 nội dung là Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013 và Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2013.

Cùng với đó, KTNN dự kiến triển khai kiểm toán kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế trong đó tập trung kiểm toán các dự án, công trình đầu tư xây dựng, công tác mua sắm, sửa chữa tài sản,... chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng các dự án sử dụng vốn trái phiếu, nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ; tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, ngân hàng thương mại Nhà nước, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; kiểm toán đánh giá việc thực hiện luật, chỉ thị và các văn bản của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Đảm bảo cân đối nội dung và chất lượng kiểm toán

Trên cơ sở báo cáo của KTNN, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cơ bản đồng tình với các vấn đề về nguyên tắc, định hướng, mục tiêu xây dựng KHKT cũng như các giải pháp thực hiện. Về nội dung kiểm toán, cơ quan thẩm tra đề nghị KTNN cần chú trọng đưa vào KHKT năm 2014 những vấn đề thời sự nổi cộm đang được dư luận xã hội quan tâm, như việc quản lý, sử dụng phí và lệ phí; chính sách và thực hiện chính sách về tiền lương, biên chế đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; việc quản lý, sử dụng kinh phí một số chương trình mục tiêu quốc gia...

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, KTNN cần rà soát lại nội dung kiểm toán trong từng lĩnh vực để đảm bảo sự cân đối và đảm bảo được chất lượng của các cuộc kiểm toán. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Kso Phước đề nghị, KTNN cần cân nhắc về số lượng các cuộc kiểm toán sao cho phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của ngành, cần quan tâm chú trọng chất lượng. Việc lựa chọn vấn đề kiểm toán cần đảm bảo tính thời sự, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì cho rằng, đối với việc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng - an ninh, KTNN cần tập trung kiểm toán vào khối kinh tế của các đơn vị quốc phòng, công an...

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu chỉ đạo, định hướng một số nội dung quan trọng trong việc hoàn thiện dự thảo KHKT năm 2014. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu KTNN chú trọng việc bố trí thời gian, nguồn nhân lực nhằm bảo đảm tiến độ, đạt chất lượng trong triển khai kiểm toán đối với các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị KTNN tiếp thu ý kiến của UBTVQH, phối hợp với cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh dự thảo KHKT năm 2014 để trình Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH sẽ ra Nghị quyết về KHKT năm 2014.

NGUYỄN HỒNG

Theo Báo Kiểm toán số 38/2014

Xem thêm »