Sơ kết triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020

15/08/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 14/8/2013, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, KTNN đã tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm rưỡi triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Ông Nguyễn Hữu Vạn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước chủ trì Hội nghị.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Đoàn Xuân Tiên, Lê Minh Khái, Hoàng Hồng Lạc, Cao Tấn Khổng, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Quang Thành; Lãnh đạo các đơn vị tham mưu, các KTNN Chuyên ngành và các đơn vị sự nghiệp; Các thành viên và tổ Thư ký thuộc Ban Chỉ đạo.

Các hoạt động cơ bản đã bám sát mục tiêu
Theo Dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 (từ tháng 01/2011 đến tháng 6/2013) được trình bày bởi Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên – Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động (KHHĐ), nội dung KHHĐ gồm 6 nhóm hoạt động cụ thể: Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; Phát triển tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; Xây dựng kế hoạch kiểm toán và ứng dụng kỹ thuật, phương pháp kiểm toán, quản lý hoạt động kiểm toán; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN; Mối quan hệ với các cơ quan bên ngoài và công tác truyền thông; Hội nhập và hợp tác quốc tế đến năm 2020. Nhìn chung, các hoạt động thực hiện tương đối bám sát mục tiêu của chiến lược và mục đích của hoạt động, nhiều hoạt động cũng đã đạt được các chỉ tiêu/chỉ số cơ bản đề ra.

 
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên - Trưởng Ban Chỉ đạo trình bày Dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện KHHĐ thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 (từ tháng 1/2011- tháng 6/2013)

Nổi bật là hoạt động bổ sung địa vị pháp lý KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cơ bản đã hoàn thành mục tiêu. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã bổ sung nội dung địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước theo đề nghị. Bên cạnh đó, trong hoạt động Sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, dự thảo Báo cáo Tổng kết 5 năm thi hành Luật KTNN đã được hoàn thành; Xây dựng và hoàn thiện các văn bản cụ thể hoá Luật KTNN. Trong hoạt động nâng cao vai trò và hiệu lực của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng: Tổng Kiểm toán Nhà nước đã là thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; thành lập phòng Phòng, chống tham nhũng thuộc Vụ Tổng hợp,…

Một số hoạt động về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực cũng đạt được những kết quả cụ thể. Trong hơn hai năm qua, KTNN đã thành lập đúng tiến độ 4 KTNN Khu vực, tách KTNN Chuyên ngành I thành KTNN Chuyên ngành Ia, Ib; Thành lập Thanh tra KTNN, Ban Tài chính, Ban Thi đua khen thưởng, Báo Kiểm toán; kiện toàn bộ máy cấp phòng. Đồng thời một số hoạt động về xây dựng và hoàn thiện các quy trình, đề cương, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán đã từng bước bám sát mục tiêu chiến lược.

Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra rõ những tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đó là còn nhiều hoạt động quan trọng và ưu tiên cao chưa được thực hiện như: các hoạt động liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin; các nội dung hoạt động liên quan đến: tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; tính liên kết giữa các hoạt động còn thấp, chưa tạo được sự cộng hưởng để cùng hướng tới mục tiêu, mục đích của chiến lược;…

Tập trung nguồn lực để hoàn thành Kế hoạch hành động
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự, phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Vạn – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đánh giá cao Ban Chỉ đạo trong quá trình xây dựng Báo cáo đã đánh giá chi tiết, cụ thể thực trạng, nguyên nhân đồng thời chỉ ra được những giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Về lí do khiến cho một số hoạt động của KHHĐ chưa được triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan về nguồn lực, kinh phí,… nguyên nhân chủ quan về năng lực cán bộ, tổ chức thực hiện mới là yếu tố quyết định. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, trong thời điểm này chưa nên điều chỉnh các nội dung trong KHHĐ, việc chỉnh sửa, sửa đổi sẽ được tiến hành sau khi sơ kết 5 năm thực hiện KHHĐ. Đồng thời, cần chọn lựa những hoạt động cần thiết, ưu tiên, phù hợp với điều kiện của KTNN để tập trung thực hiện trong giai đoạn tới.

 

Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo, trước mắt, toàn ngành cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2013 – 2017. Những nhiệm vụ trọng tâm này không nằm ngoài KHHĐ phát triển KTNN đến năm 2020, cụ thể: Tiếp tục  hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán, cụ thể hoá, bổ sung các chuẩn mực kiểm toán của KTNN; Tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ - yếu tố quyết định trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của KTNN; Nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, trung hạn; Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; Mở rộng loại hình kiểm toán hoạt động bên cạnh đó cần củng cố, nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán. “Nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức của toàn ngành trong việc thực hiện KHHĐ, tôi yêu cầu coi việc thực hiện KHHĐ là một trong những thước đo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc KTNN. Tôi mong toàn ngành sẽ chung sức, chung một tiếng nói, cùng thực hiện tốt KHHĐ thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.” – Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Để tăng tính hiệu lực chỉ đạo và thực hiện KHHĐ Chiến lược, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiện toàn lại Ban Chỉ đạo KHHĐ thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 theo đề xuất của Dự thảo Báo cáo cũng như của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị. Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ đảm nhận vị trí Trưởng Ban chỉ đạo; Phó Ban Chỉ đạo là các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong đó, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên là Phó Ban Chỉ đạo thường trực; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN là các thành viên Ban Chỉ đạo./.
 

Xem thêm »