(kiemtoannn.gov.vn) - Theo kết quả kiểm toán năm 2012 của KTNN về niên độ ngân sách năm 2011 đối với các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (TĐ-TCT), mặc dù kinh doanh có lãi và đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô song tình trạng nợ phải trả cao, nợ phải thu quản lý lỏng lẻo, nguy cơ mất vốn lớn là những vấn đề đáng quan ngại, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
“Gánh nặng” nợ phải trả
Năm 2012, KTNN đã tiến hành kiểm toán đối với 271 doanh nghiệp, thuộc 27 TĐ-TCT. Kết quả kiểm toán cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế song 23/27 TĐ-TCT kinh doanh vẫn có lãi, mặc dù tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị giảm mạnh còn dưới 5%; 4/27 TĐ-TCT và một số công ty con thuộc các TĐ-TCT thua lỗ; nhiều TĐ-TCT kết quả kinh doanh giảm mạnh so với năm 2010.
Cũng theo kết quả kiểm toán, các khoản nợ phải trả đang là mối lo ngại lớn đối với các TĐ-TCT. Cụ thể, tổng nguồn vốn của các TĐ-TCT được kiểm toán đến 31/12/2011 là 263.288 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu là 65.241 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng nguồn vốn), nợ phải trả chiếm tới 69,94% tổng nguồn vốn. Con số này cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng. Điển hình như tỉ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của TCT Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lên tới 97,9%; TCT Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) là 91%... Đáng chú ý, một số đơn vị được kiểm toán còn vi phạm quy định về mức độ huy động vốn với hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt “ngưỡng” quy định của Chính phủ. Cụ thể, tại một số đơn vị thuộc TCT Cienco 8 có hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ cao từ 20 đến 40 lần (quy định của Chính phủ là không được vượt quá 2 lần). Việc hoạt động chủ yếu bằng vốn đi vay với số nợ phải trả lớn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Cùng với đó, tại một số TCT, số nợ phải trả quá hạn cao (số nợ quá hạn của TCT Cienco 8 là 73,18 tỷ đồng; TCT cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC là 1.369,1 tỷ đồng). Việc vay và sử dụng vốn vay tại các đơn vị cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể như PVC vay ngắn hạn từ nguồn vốn ủy thác của TĐ Dầu khí Việt Nam qua Ngân hàng TMCP Đại Dương để đầu tư chuyển nhượng các dự án bất động sản mới triển khai hoặc đang trong giai đoạn đầu tư dẫn đến mất cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn vay không đúng mục đích vay; Công ty mẹ Vinaconex sử dụng vốn huy động ngắn hạn và các nguồn vốn khác để trả nợ gốc, lãi thay cho Công ty CP Xi măng Cẩm Phả và một số đơn vị thành viên khác hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư sử dụng vốn vay không hiệu quả, chậm tiến độ dẫn đến khó trả nợ; một số đơn vị chưa góp hoặc chưa được cấp đủ vốn điều lệ, không bảo toàn được vốn.
Quản lý lỏng lẻo các khoản nợ phải thu
Trong khi phải gồng mình “gánh” các khoản nợ phải trả thì tổng số nợ phải thu tại 27 TĐ-TCT tính đến cuối năm 2011 là 54.133 tỷ đồng, chiếm tới 20,56% tổng tài sản và 82,97% vốn chủ sở hữu.
Theo đánh giá của KTNN, về cơ bản, các doanh nghiệp đã quản lý các khoản nợ phải thu theo quy định. Tuy nhiên, một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ để khách hàng chiếm dụng vốn lớn. Điển hình là tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản của Công ty CP Xây lắp và sản xuất công nghiệp lên tới 40%, Vinaincon là 59,8%, Công ty CP Xây lắp công trình Tây Nguyên 31,2%... Tình trạng nợ xấu cao do các khoản nợ phải thu quá hạn xảy ra tại nhiều đơn vị, như: TCT Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) có số nợ quá hạn trên 6 tháng là 64,16 tỷ đồng; nợ quá hạn trên 1 năm của Công ty mẹ - PVC 36 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Việt Lào (thuộc TCT Cienco 8) nợ quá hạn 44,08 tỷ đồng, chiếm 43,8% nợ phải thu...
Bên cạnh đó, tại một số đơn vị còn xảy ra tình trạng ứng trước tiền mua hàng với số lượng lớn nhưng không áp dụng các hình thức bảo lãnh, bảo đảm cho tiền ứng trước dẫn đến nguy cơ mất vốn lớn. Điển hình như tại TCT Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), một số công ty ứng trước 90% giá trị hợp đồng nhưng khách hàng chưa hoặc không giao hàng; TCT Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) ứng trước khoảng 90% giá trị hợp đồng nhưng chưa ban hành quy chế về ứng vốn cho người bán hàng...
Mặc dù nợ phải thu lớn nhưng tại một số đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện phân loại nợ làm cơ sở trích lập dự phòng; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đầy đủ hoặc không đúng quy định như 9/10 công ty thuộc TCT Cienco 8 không trích lập dự phòng; Công ty In Văn hóa Sài Gòn (thuộc TCT Văn hóa Sài Gòn) trích lập dự phòng không đúng quy định... Cùng với đó, việc quản lý nợ tạm ứng không chặt chẽ dẫn đến nợ quá hạn tồn đọng lớn (tại TCT Cienco 8 là 67,52 tỷ đồng; TCT Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Vinacco) 23,99 tỷ đồng). Thậm chí, tại một số đơn vị còn tạm ứng bằng tiền mặt đến hàng chục tỷ đồng nhưng chậm thu hồi; một số TĐ-TCT cho các đơn vị và cá nhân vay vốn trong khi đang phải đi vay vốn để sản xuất kinh doanh, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Cụ thể như tại TĐ Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam cho Cảng Việt Trì vay 7 tỷ đồng, cho Công đoàn Khách sạn Biển Mây vay 0,8 tỷ đồng; Công ty CP Phân lân Văn Điển cho Công ty Cơ khí hóa chất Hà Bắc vay 2,2 tỷ đồng; TCT Xây dựng số 1 cho các nhà thầu phụ và cá nhân khác vay 100,1 tỷ đồng.
Bên cạnh những bất cập trong quản lý các khoản nợ phải thu, nợ phải trả, việc quản lý các khoản đầu tư tài chính của các TĐ-TCT cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Kết quả kiểm toán cho thấy, hiệu quả đầu tư của một số đơn vị thấp; nhiều công ty liên doanh, liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn, như: PVC đầu tư vào công ty liên kết PVC-SG lỗ 85,8 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế đến 31/12/2011 là 1.090 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 982 tỷ đồng; Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định đầu tư 1,2 tỷ đồng vào Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Bình Định không có khả năng thu hồi vốn do bị thua lỗ kéo dài, đang thực hiện giải thể... Đặc biệt, các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán của nhiều TĐ-TCT đều thua lỗ./.
Theo Báo Kiểm toán (Số 33/2013)