(kiemtoannn.gov.vn) - Mặc dù những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng NSNN đối với lĩnh vực đầu tư phát triển đã được KTNN chỉ ra qua kết quả kiểm toán những năm trước, tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán năm 2012 của KTNN đối với niên độ ngân sách năm 2011 thì những sai phạm này vẫn tái diễn và chậm được khắc phục, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Theo kết quả kiểm toán tại các Bộ, ngành, địa phương về việc chấp hành các quy định về chi NSNN cho đầu tư phát triển cho thấy, việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối nguồn vốn. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết năm 2011 các địa phương còn 7.335 dự án đã có quyết định đầu tư (tổng mức đầu tư 273.469 tỷ đồng) nhưng vẫn chưa bố trí được vốn đầu tư. Tại một số địa phương vẫn còn tình trạng không phân bổ hết kế hoạch vốn đầu năm; bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng, mục tiêu; bố trí vốn cho nhiều dự án quá thời gian quy định, không sát thực tế, dẫn đến không sử dụng được hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; một số địa phương bố trí vốn đầu tư cho một số dự án không thông qua HĐND; chưa ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2011; bố trí vốn cho các dự án đầu tư mới, dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục đầu tư...
Đặc biệt, kết quả kiểm toán năm 2011 cho thấy những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư đã được KTNN phát hiện và kiến nghị từ những năm trước song chậm được khắc phục. Ngay trong công tác quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư, do phân cấp rộng nhưng thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn. Đơn cử như trường hợp tỉnh Cà Mau phê duyệt 207 dự án xây dựng mới với tổng mức đầu tư 3.561 tỷ đồng nhưng chỉ bố trí vốn cho 55 công trình 75 tỷ đồng, tổng nhu cầu vốn đầu tư năm 2011 là 4.740 tỷ đồng, trong khi kế hoạch vốn chỉ được bố trí 1.434 tỷ đồng, đạt 30,25%. Cùng với đó, việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án nhiều lần làm tăng quy mô đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện; chất lượng khảo sát không đảm bảo; lập dự án chưa xác định rõ cơ cấu nguồn vốn; đầu tư thiếu đồng bộ...
Trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán cũng còn nhiều thiếu sót, hạn chế; chất lượng khảo sát kỹ thuật không đảm bảo; thiết kế kỹ thuật, dự toán không phù hợp, còn phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện; việc lập dự toán còn xảy ra tình trạng tính thừa, thiếu khối lượng, áp sai đơn giá, định mức, dẫn đến dự toán được duyệt không chính xác; phê duyệt bổ sung thiết kế, dự toán không đúng quy định; áp dụng biện pháp thi công không phù hợp...
Bên cạnh đó, những bất cập, hạn chế trong công tác lựa chọn nhà thầu cũng chưa được khắc phục. Theo đó, chỉ định thầu còn chiếm tỷ lệ cao; đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu không đúng quy định; cá biệt còn tình trạng chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu; giá trị trúng thầu lớn hơn giá trị gói thầu; lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực; xác định tiên lượng mời thầu còn nhiều sai sót, công tác xét thầu, tư vấn chấm thầu chưa phát hiện làm rõ, hiệu chỉnh và loại bỏ sai sót, chi phí thừa dẫn đến giá trị trúng thầu chưa chính xác; hồ sơ mời thầu chưa nêu rõ nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại hàng hóa, thiết bị... Mặt khác, việc ký kết hợp đồng còn nhiều hạn chế; một số hợp đồng ký kết nội dung chưa đầy đủ, chặt chẽ; chưa quy định cụ thể điều khoản thưởng, phạt do vi phạm hợp đồng; điều chỉnh giá hợp đồng không phù hợp với quy định. Đặc biệt, tình trạng thi công không đảm bảo tiến độ xảy ra tại hầu hết các dự án, nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài qua nhiều năm không có biện pháp khắc phục.
Về công tác quản lý chất lượng công trình, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra những hạn chế như: vẫn còn tình trạng thi công không đúng thiết kế; sử dụng vật liệu thi công không đúng chủng loại, quy cách; áp dụng biện pháp thi công không phù hợp; chất lượng một số công trình, dự án chưa đảm bảo. Điển hình như dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng còn nhiều khiếm khuyết trong vận hành, làm sản lượng điện chỉ đạt 65% so với thiết kế; mức tiêu hao nhiên liệu khởi động tăng so với thiết kế bình quân mỗi năm tăng 96,4 tỷ đồng. Một số công trình, dự án mới xây dựng đã có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng…
Tình trạng nghiệm thu, quyết toán sai khối lượng, đơn giá, định mức nghiệm thu thanh toán khi chưa có khối lượng hoàn thành và chưa đủ điều kiện, thủ tục; thanh toán vượt giá trị quyết toán được duyệt; việc xử lý số dư tạm ứng của các dự án còn chậm, kéo dài qua nhiều năm chưa có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là đối với các dự án đã dừng thi công; một số địa phương có số dư tạm ứng lớn,... vẫn là những vi phạm phổ biến. Điển hình như dự án xây dựng cầu Châu Giang (tỉnh Hà Nam) thay đổi biện pháp thi công nhưng vẫn thanh toán phần biện pháp thi công theo giá trúng thầu; hai công trình cấp nước tại tỉnh Hưng Yên nghiệm thu khống 3,3 tỷ đồng; dự án Phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải gói thầu số 2 xảy ra tình trạng sụt trượt, chủ đầu tư và các bên liên quan chưa làm rõ trách nhiệm vẫn nghiệm thu thanh toán 15 tỷ đồng...
Công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo quyết toán vốn đầu tư tại nhiều đơn vị được kiểm toán còn kéo dài; hồ sơ quyết toán còn nhiều thiếu sót; chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quyết toán còn hạn chế, chưa loại trừ hết sai sót về khối lượng, đơn giá, định mức; quyết toán vượt tổng mức đầu tư; quyết toán sai nguồn vốn. Cụ thể như tỉnh Điện Biên quyết toán sai nguồn 1,4 tỷ đồng; tỉnh Bạc Liêu thanh, quyết toán 27,8 tỷ đồng cho các dự án không thuộc đối tượng quy định tại Nghị quyết 68/NQ-QH của Quốc hội.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Trung ương số vốn trái phiếu Chính phủ đã phân bổ và thanh toán sai quy định là 292,336 tỷ đồng, gồm: phân bổ và thanh toán cho một số công trình ngoài danh mục công trình được ứng trước 111,341 tỷ đồng; điều chuyển công trình, lĩnh vực sai quy định số tiền 110,095 tỷ đồng; thanh toán không đúng với các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao 34,9 tỷ đồng; phân bổ và thanh toán cho dự án khi chưa có quyết định đầu tư 36 tỷ đồng.
Theo Báo Kiểm toán (Số 32/2013)