Nhiều bất cập trong quản lý đất đai

19/07/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách 2010 của KTNN, công tác quản lý đất đai tại các địa phương còn nhiều bất cập, như: chuyển nhượng trái phép, cho mượn sai quy định, đất được giao hoặc cho thuê nhưng chưa sử dụng… Các tập đoàn, tổng công ty quản lý và sử dụng số lượng lớn diện tích đất đai nhưng chưa được ký hợp đồng cho thuê hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm NSNN thất thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…

Ở hầu hết các địa phương được kiểm toán, phần lớn các dự án đất, cho thuê đất đều chậm tiến độ

Theo báo cáo kiểm toán, thu NSNN năm 2010 từ nhà, đất gồm: thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, thuế nhà đất đạt 55.849 tỷ đồng, vượt 107% (28.872 tỷ đồng) dự toán, tăng 27,9% so với thực hiện năm 2009, trong đó: thu tiền sử dụng đất tăng 26.368 tỷ đồng; thu tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước tăng 1.580 tỷ đồng; thu tiền thuê đất tăng 665 tỷ đồng. Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nợ đọng tiền sử dụng đất tăng thêm 1.138,6 tỷ đồng.

Theo báo cáo kết quả kiểm toán, một số địa phương còn để đất đai bị lấn chiếm, tranh chấp, chuyển nhượng trái phép, cho mượn sai quy định; đất được giao hoặc cho thuê nhưng chưa triển khai sử dụng. Công tác lập quy hoạch sử dụng đất còn chậm, quản lý quy hoạch sau khi được phê duyệt còn nhiều bất cập, sai sót. Ở hầu hết các địa phương được kiểm toán, phần lớn các dự án giao đất, cho thuê đất đều chậm tiến độ. Tại An Giang và Bắc Giang, nhiều dự án không đầu tư xây dựng, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích nhưng chưa được xử lý. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tại một số địa phương chưa theo dõi, rà soát để lập hồ sơ quản lý tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn theo quy định (Lào Cai, Cần Thơ, Tuyên Quang…). Tại An Giang và Phú Thọ chưa phối hợp tốt trong việc kiểm tra đối tượng sử dụng đất, quản lý thu tiền sử dụng đất. Nhiều địa phương có tình trạng cơ quan Tài nguyên và Môi trường chậm chuyển thông tin địa chính sang cơ quan Tài chính để xác định đơn giá thuê đất và cơ quan Thuế để thu và quyết toán tiền thuê đất hàng năm (Lào Cai, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Thọ, Sơn La…). Một số huyện tại Tiền Giang, Vĩnh Long… cho chuyển mục đích từ đất trồng lúa, trồng cây lâu năm sang đất ở vượt hạn mức đất theo quy định. Tại An Giang và Bắc Ninh có hiện tượng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Một số Bộ, ngành quản lý và sử dụng đất đai chưa phù hợp quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; Nghị định số 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước như hồ sơ pháp lý về nguồn gốc nhà, đất chưa rõ ràng, nhà đất đang bị chiếm dụng tranh chấp, để các hộ gia đình chiếm dụng đất công làm nhà ở (Bộ Khoa học và Công nghệ có 10 cơ sở bị lấn chiếm, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam có 7 cơ sở bị lấn chiếm, Bộ Công thương bị lấn chiếm 11.566m2...).

Các tập đoàn, tổng công ty hiện đang quản lý và sử dụng một số lượng lớn diện tích đất đai và tài nguyên (Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam - HUD đang quản lý 31.114.456 m2; Tổng công ty Xây dựng đường thủy 179.265 m2; Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng 3.440.396 m2; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam - VICEM 21.543.421 m2; Tổng công ty Vinalines 5.729.576 m2; Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn 1.543.343 m2; Tổng công ty 15 - Bộ Quốc phòng 321.219.128,4 m2; Tổng công ty Khánh Việt 2.256.445,2m2…) nhưng nhiều diện tích đất chưa được các địa phương ký hợp đồng cho thuê hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn, làm NSNN thất thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...; công tác quản lý đất tại nhiều doanh nghiệp còn yếu kém, để đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, xây dựng không đúng quy hoạch, không hoặc chậm xây dựng các công trình công cộng khi được giao thực hiện các dự án đô thị...; nhiều đơn vị chưa kiểm soát tốt tài nguyên, khoáng sản được giao như một số đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV): Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng chưa quản lý hết được hoạt động khai thác và các nghĩa vụ về thuế liên quan của các nhà thầu bên ngoài; Công ty TNHH MTV Than Uông Bí hợp tác kinh doanh với Công ty PT Vietmindo Energitama-Indonesia sản lượng than khai thác thực tế năm 2010 là 742.500 tấn, vượt 242.500 tấn so với sản lượng được phép khai thác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Công ty TNHH MTV Than Mạo Khê quản lý chưa chặt chẽ tài nguyên để xảy ra tình trạng khai thác than trái phép. Một số đơn vị thành viên của VICEM như các Công ty: Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Hải Phòng, Xi măng Tam Điệp thuê các đơn vị bên ngoài khai thác nhưng chỉ quản lý tài nguyên giao nhận tại kho, chưa thực hiện trích lập và ký gửi vào Quỹ Bảo vệ môi trường nhằm mục đích bảo đảm tài chính cho việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Tại các ngân hàng và tổ chức tài chính, về cơ bản, việc quản lý và sử dụng đất được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, một số trường hợp mua trụ sở làm việc nhưng vướng mắc nhiều năm chưa giải quyết được quyền sử dụng đất. Tại Vietinbank, Chi nhánh Hoàn Kiếm mua trụ sở làm việc tại 19-21 phố Cầu Đông, Hà Nội; Chi nhánh Hải Phòng mua quyền sử dụng 1.680m2 đất tại Đồ Sơn từ năm 1992 nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vietcombank đã mua 130,55m2 nhà 3 tầng và quyền sử dụng 555m2 đất tại số 10 Thiền Quang - Hà Nội từ năm 1994 nhưng chưa hoàn thành thủ tục sang tên và làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số đơn vị thuộc Tập đoàn Bảo Việt đã có quyết định giao đất nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 13.872m2; Bảo Việt Hà Nội và Bảo Việt Kiên Giang mất hồ sơ nhà đất, Bảo Việt An Giang chưa theo dõi diện tích đất đang quản lý và sử dụng.

Được biết, giải pháp khắc phục tình trạng bất cập nói trên đã được đề cập trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10 tới./.

Theo Báo Kiểm toán (Số 29/2013)

 

Xem thêm »