(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 08/7/2013, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 234/TB- VPCP thông báo Ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Cuộc họp lần 2 Ban Chỉ đạo về phát triển Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp.
Kết luận được đưa ra trên cơ sở cuộc họp hồi cuối tháng 6 năm 2013 của Phó thủ tướng với Ban Chỉ đạo về phát triển Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp với sự tham dự của các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế của các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai và Bình Dương.
Theo kết luận này, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong sáu tháng đầu năm 2013, các Khu kinh tế, Khu công nghiệp vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế như: quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phức tạp dẫn đến khiếu kiện kéo dài; thu hút đầu tư tại một số địa phương gặp nhiều khó khăn; quy hoạch, xây dựng các khu nhà ở và các công trình văn hóa, xã hội cho người lao động chưa được chú trọng, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập và các dự án đầu tư chưa thực sự là công nghệ tiên tiến.
Để cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tạo sức cạnh tranh với các nước khác trong khu vực, Phó Thủ tướng giao:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu về Khu kinh tế, Khu Công nghiệp; tiếp tục triển khai nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 2/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ nêu tại Công văn số 8542/VPCP-KTN ngày 26/10/2012 của Văn phòng Chính phủ; tổ chức thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các đề án hình thành Khu công nghiệp chuyên dành cho các nhà Đầu tư Nhật Bản tại Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 681/VPCP-QHQT ngày 28/6/2011 của Văn phòng Chính phủ; Làm việc với các đối tác Hàn Quốc để thúc đẩy hình thành khu liên hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ Việt Hàn tại khu kinh tế mở Chu Lai; khẩn trương xây dựng tiêu chí các địa phương xây dựng dự án tổng thể và Đặc khu; là cơ quan đầu mối chủ động làm việc với các Bộ, các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc khó khăn đối với từng Khu công nghiệp, từng địa phương…
Bộ Công thương chủ trì Rà soát, chấn chỉnh để phát triển hơn cụm công nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về thực trạng hoạt động của các cụm công nghiệp trên cả nước, báo cáo và kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc cụ thể của các cụm công nghiệp về quy hoạch, thành lập, môi trường đất đai, ưu đãi đầu tư tại cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ ba; đánh giá, rà soát việc triển khai quy hoạch, thành lập và hoạt động của các khu công nghiệp, có những biện pháp xử lý các cụm công nghiệp không tuân thủ theo chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp lần thứ hai để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu, tài chính liên quan đến đất đai.
Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì đánh giá thực tế triển khai Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, đề xuất sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và cấp giấy chứng nhận, quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư tại các Khu kinh tế, khu công nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn địa phương triển khai thống nhất và thực hiện nhanh, gọn các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định./.
Thanh Trang