Phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đến năm 2020

10/07/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Trên cơ sở xác định vị trí, vai trò quan trọng của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, ngày 8/7/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 1064/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đến năm 2020.

Quy hoạch được xây dựng nhằm phấn đấu mục tiêu duy trì tốc độ phát triển kinh tế của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc cao hơn nhịp độ chung của cả nước; cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế -xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và bảo đảm quốc phòng, an ninh; khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống người dân trong vùng so với mức bình quân chung của cả nước; cơ bản sắp xếp ổn định dân cư, nhất là vùng đồng bào tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, đưa dân ra biên giới, khắc phục cơ bản tình trạng di dân tự do; bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 đạt 7,5%; 2016-2020 đạt trên 8%. GDP bình quân đầu người đến 2020 đạt khoảng 2.000 USD. Cơ cấu kinh tế cần được chuyển dịch để đảm bảo đến 2015 tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP của vùng là 27%, công nghiệp-xây dựng 34% và dịch vụ là 38,9%; Đến năm 2012 tỷ lệ tương ứng của các ngành này là 21,9% - 37,8% và 39,4%.

Về phát triển xã hội phấn đấu các mục tiêu xã hội của vùng đạt mức trung bình của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 3-4%; giải quyết việc làm cho khoảng 250-300 nghìn lao động; tỷ lệ lao động chưa có việc làm ở khu vực thành thị khoảng 4,5-5%, tăng tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn lên 85%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65% vào năm 2020. Nâng tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến trường lên trên 92% và huy động trẻ em trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt 99%. Nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 80% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đạt 60-70% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020…

Quy hoạch cũng đưa ra phương hướng phát triển đối với từng ngành và lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; Công nghiệp; Dịch vụ và du lịch; Kết cấu hạ tầng; Văn hóa-xã hội; Khoa học và công nghệ; Sử dụng hợp lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; Bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Về phát triển đô thị và tổ chức không gian lãnh thổ, Quy hoạch đã chỉ rõ cần phát triển các tiểu vùng bao gồm tiểu vùng Tây Bắc (gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu), tiểu vùng Đông Bắc (gồm các tỉnh còn lại trong Vùng). Phát triển các trung tâm kinh tế trên các tuyến hành lang gồm hành lang kinh tế Nam Ninh- Lạng Sơn- Hải Phòng, hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, tuyến hành lang kinh tế Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu, tuyến hành lang kinh tế Hà Nội – Cao Bằng, tuyến hành lang kinh tế các tỉnh biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La).

Các giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện Quy hoạch bao gồm các các giải pháp về lĩnh vực ưu tiên phát triển; huy động và sử dụng vốn đầu tư; cơ chế, chính sách; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Khoa học và công nghệ; Cải cách hành chính; Tăng cường hợp tác và phát triển thị trường./.

Hải Toàn

 

Xem thêm »